“Sống là tiếp nối quá khứ , thực hiện hiện tại và ước vọng tương lai, Giáo hội
Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) không nằm ngoài quy luật của thế gian để “kế thừa,
ổn định và phát triển”.
Trước thềm Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (Hà Nội, 21-
24/112012), Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng
Trị sự (HĐTS) Trung Ương GHPGVN trả lời phỏng vấn báo VietNamNet.
Kết tinh thành quả 30 năm GHPGVN
- Xin Hòa thượng cho biết điểm mới nổi bật tại Đại hội Đại biểu Phật giáo
toàn quốc lần thứ VII?
Đại hội lần này có nhiều điểm nổi bật so với các đại hội trước. Số lượng đại
biểu tham dự đông đảo nhất từ trước đến nay, hơn 1000 vị.
|
|
Về nội dung, bản báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VI rất súc tích và nổi bật, kết tinh, kế thừa những thành quả đạt được của Giáo hội trong 30 năm qua, nhất là về công tác từ thiện xã hội, đạt trên 2000 tỷ đồng, con số cao nhất từ trước đến nay.
Về nhân sự, rất đông các vị tôn túc tiêu biểu của Giáo hội tiếp tục được suy tôn trong Hội đồng Chứng minh. Đặc biệt có sự chứng minh tối cao của Đức Đệ Tam Pháp Chủ Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ.
Nhân sự tham gia HĐTS cũng đông hơn: 199 ủy viên chính thức, 52 ủy viên dự khuyết, có sự phân bổ đồng đều cho các khu vực, tỉnh thành, ban ngành viện, cũng như các lứa tuổi, trong đó có nhiều thành phần trẻ - hạt nhân tích cực của Giáo hội trong tương lai.
Ban Truyền thông của Giáo hội mới được thành lập có nhiều hoạt động tích cực, khẳng định vai trò và tầm quan trọng của lĩnh vực truyền thông trong các mặt hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đại hội lần này có triển lãm hình ảnh của các ngôi chùa được xây dựng từ sau khi thống nhất GHPGVN năm 1981 đến nay, đặc biệt là triển lãm tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.
- Được biết Đại hội lần này thông qua bản Hiến chương tu chỉnh lần V, xin thầy cho biết, điểm mới của bản Hiến chương sửa đổi?
Các lần tu chỉnh Hiến chương trước chỉ sửa đổi một vài từ ngữ, lần này Hiến chương được gia công thành bản mới công phu, gồm 13 chương, 69 điều, nhiều hơn 1 chương, 17 điều so với trước.
Những vấn đề được đề cập cụ thể, rõ ràng để công tác Phật sự của Giáo hội không bị chồng chéo, ứ đọng.
Đặc biệt là vấn đề cơ cấu nhân sự: HĐTS không quá 80 tuổi, trên 80 tuổi tham gia HĐCM; các vị tham gia HĐCM thì không tham gia HĐTS và ngược lại. Hiến chương mới quy định mỗi vị trong ban thường trực HĐTS kiêm nhiệm không quá 2 chức, thời gian tại vị không quá 3 nhiệm kỳ, áp dụng chung cho các tỉnh thành.
Tu chỉnh nội quy, phát huy thành tựu và phát triển
- Hiến chương sửa đổi có đáp ứng được yêu cầu của đông đảo tăng ni phật tử là đề cao việc giữ gìn giới luật của người tu mà vẫn bắt kịp yêu cầu của xã hội về một tổ chức Giáo hội ngày càng đi vào hoạt động thực chất, hiệu quả - kính thưa Hòa thượng?
Phần tu chỉnh chi tiết đã đáp ứng nguyện vọng của tăng ni phật tử trong & ngoài nước. Phần chuyên về giới luật tu hành người xuất gia nằm trong nội quy Ban Tăng sự. Sau Đại hội, Ban Tăng sự TƯ sẽ tu chỉnh nội quy, quy định cụ thể đối với vấn đề giới luật, phương pháp tu hành để đào luyện đạo đức, phẩm hạnh của các vị Tăng ni, duy trì phát triển Phật pháp, đồng thời cũng là mô phạm hướng dẫn cho Phật tử.
- Từ vụ việc nhà sư “khóa môi” Đàm Vĩnh Hưng, dư luận đặt câu hỏi phải chăng Giáo hội đang lơ là trong việc gìn giữ giới luật người tu. Trong nhiệm kỳ tới, Giáo có đưa ra quy chuẩn nào trong việc đánh giá đạo hạnh người xuất gia?
Đây chỉ là trường hợp cá biệt, trên tinh thần tôn trọng, GHPGVN đã gợi ý cách xử lý sự việc với HĐTS địa phương. Vấn đề phẩm hạnh giới luật của chư tăng trong cả nước nói chung và các tỉnh thành nói riêng thuộc lĩnh vực quản lý sâu sát và gắn liền với Ban trị sự, Trụ trì các chùa. Giáo hội sẽ có một số quy định cụ thể trong nội quy Ban Tăng sự để sau này không tái diễn những điều phản cảm làm mất uy tín của Giáo hội nói riêng và Tăng ni Việt Nam nói chung.
- Hiện trạng xâm phạm di tích lịch sử quốc gia tại các ngôi chùa cổ, có sự tham gia của các vị tu hành trụ trì thời gian qua có được Đại hội đặt lên bàn làm việc không - kính thưa Hòa thượng?
Trong thời gian qua có nhiều phiên họp giữa Ban Văn hóa TƯ Giáo hội và Cục Quản lý bảo tồn bảo tàng, qua đó khẳng định rất rõ: Từ nay về sau với các chùa là di sản văn hóa quốc gia - có Ban Quản lý do Nhà nước bổ nhiệm không thuộc quản lý của Giáo hội, nhưng vì sư trụ trì là người của Giáo hội - nên cần sự phối hợp đồng bộ giữa Ban quản lý di tích và trụ trì tại cơ sở để việc trùng tu, cơi nới, xây dựng tốt đẹp, có kết quả tránh tình trạng như chùa Trăm Gian vừa qua.
- Thầy có thể nói thêm về chủ đề của Đại hội lần này?
GHPGVN đã có quá trình hơn 30 năm hình thành, xây dựng và phát triển, thành quả đạt được trong hơn 30 năm qua rất to lớn, nhiệm kỳ VII GHPGVN sẽ tiếp tục phát huy các thành tựu đạt được đó, hoàn thiện và đẩy mạnh hơn nữa.
Người xưa nói, “sống là tiếp nối quá khứ, thực hiện hiện tại và ước vọng tương lai” GHPGVN không vượt ra ngoài quy luật của thế gian để “Kế thừa - Ổn định và Phát triển”!
- Xin cảm ơn thầy!
Ngọc Minh (thực hiện)