- Ở thời điểm năm 1993, ông Tiệp đã dám bỏ ra 2 tỷ đồng, tương đương hàng ngàn cây vàng, để đổ vào cuộc truy tìm kho báu...

Ông Tiệp sinh năm 1915 tại Hải Phòng. Năm 20 tuổi ông lưu lạc vào Sài Gòn, làm đủ thứ nghề từ thợ mộc đến lái xe để mưu sinh. Năm 1958 ông làm nghề xay đá tại tỉnh Tuyên Đức rồi sau đó về Bình Tuy làm gỗ và trang trại. Trong khoảng thời gian ở Bình Tuy, ông Tiệp quen với trung tá Lê Văn Bường, tỉnh trưởng rồi kết nghĩa anh em.

{keywords}

Các hố thăm dò của ông Tiệp nham nhở trên đỉnh núi Tàu

Năm 1961, khi ông Bường bị thuyên chuyển ra biên giới Lao Bảo và biết nguy cơ bị khử nên đã trốn lánh nạn bỏ lại toàn bộ gia sản. Khoảng thời gian này ông Bường không dám gặp ai, nhưng ông đã tìm cách liên lạc với ông Tiệp, người anh em nghĩa khí những ngày ở Bình Tuy. Chính ông Tiệp đã cưu mang, giúp đỡ ông Bường trong khoảng thời gian lánh nạn.

Mang ơn ông Tiệp cứu mạng và sợ thông tin về kho báu Yamashita mà ông biết sẽ xuống mồ nếu chẳng may mình chết, ông Bường đã kể hết những thông tin và trao lại tấm bản đồ về kho báu núi Tàu mà ông biết cho ông Tiệp.

Năm 1973, ông Bường bất ngờ đột tử. Dù không tìm được chứng cứ nhưng ông Tiệp vẫn cho là cái chết của ông Bường có liên quan đến kho báu.

Bạn đồng hành

Có được tấm bản đồ, sau nhiều lần khảo sát thực địa, thu thập thông tin và khi đã có niếm tin vững chắc về kho báu, năm 1992, ông Tiệp đã gửi đơn đến UBND tỉnh Bình Thuận xin khai quật kho báu tại núi Tàu, một núi đá nhỏ nằm ven quốc lộ 1 thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong. Núi này cách bờ biển thuộc vịnh Cà Ná - Cù Lao Câu khoảng 1km.

{keywords}
Ông Tiệp và cuốn sổ ghi chép suốt quá trình tìm kiếm kho báu

Cùng đồng hành với ông Tiệp là ông Lê Văn Hiền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thuận Hải (Bình Thuận, Ninh Thuận ngày nay). Ông Hiền cũng là người có niềm tin mãnh liệt về “kho báu Yamashita”.

Theo ông Hiền, năm 1987 khi được Trung ương điều về làm việc tại Ban Nội chính, ông đã có một số bằng chứng và cơ sở về việc quân đội Nhật chôn giấu kho báu tại núi Tàu trước khi Thế chiến thứ II kết thúc. Ngoài ra, năm 1976, ngư dân Tuy Phong đã phát hiện những con tàu đắm dưới biển ở khu vực Cù Lao Câu cách núi Tàu hơn 3 hải lý. Điều đặc biệt là những con tàu đắm ở vùng biển này đều rỗng ruột đã càng làm ông Tiệp và ông Hiền tin chắc tài sản trên đó đã được đem lên chôn giấu ở đất liền. 

"Kẻ bỏ của, người bỏ công”, vậy là hai ông già bắt tay nhau để biến ước mơ thành sự thật.

Hành trình tìm kiếm

Ở thời điểm năm 1993, ông Tiệp đã dám bỏ ra 2 tỷ đồng, tương đương hàng ngàn cây vàng, để đổ vào cuộc truy tìm kho báu...

{keywords}

Những hiện vật được tìm thấy trong hơn 40 trên núi Tàu

Sau đúng một năm đào bới trên diện tích 3.000m2, nhưng không phát hiện được gì. Tháng 11/1994, UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác.

Trước tình hình đó, ông Tiệp trình báo mình đã tìm được nắp hầm, nhưng do việc đào đá thủ công quá khó khăn, tiến độ thi công chậm nên xin phép UB tỉnh Bình Thuận cho dùng chất nổ để phá đá.

Từ 1995-1999, suốt bốn năm ròng rã, điều mà ông Tiệp đeo đuổi chỉ đem lại kết quả là băm nát ngọn núi Tàu. Tuy thế, ông không hề nản chí mà còn đem về rất nhiều tảng đá cho là “kim la bàn’, “nắp hầm”, “bùa yểm” của kho báu để khoe với nhiều người.

Cuối năm 1999, UB tỉnh Bình Thuận nhận thấy việc khai thác chẳng có kết quả gì nên đã quyết định đình chỉ. Cùng thời gian này, một nhân viên của ông Tiệp được giao ở lại núi Tàu giữ máy móc báo một tin kinh động nhiều người là đã phát hiện nắp hầm của kho báu.

Do là nắp hầm nên khi trời mưa tất cả nước mưa theo dòng chảy xối xả vào miệng hầm. Đặc biệt khi đưa máy radio đến “miệng hầm” radio bỗng mất sóng, đồng hồ đang chạy bình thường bỗng kim chạy bị giật.

Cùng lúc này, ông Tiệp báo cáo một số “dấu hiệu bất thường” xung quanh “kho báu Yamashita” như một công ty của Nhật đến tìm kiếm tại núi Tàu đồng thời có rất nhiều người lạ mặt xuất hiện quanh khu vực mà ông Tiệp trước đây đào bới.

Nhưng rồi cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận kiểm tra thì chẳng có cửa hầm, chuyện radio mất sóng hay đồng hồ bị giật cũng chỉ là tin ảo. Những người lạ mặt đều là dân địa phương đi lượm đá bán kiếm tiền, còn chuyện công ty của Nhật đến tìm kiếm thật ra là dự án nuôi tôm của một công ty Nhật.

{keywords}

Cuối 2001 nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Hiền một lần nữa thuyết phục được cơ quan chức năng cấp lại giấy phép gia hạn và ông Trần Văn Tiệp trở lại núi Tàu.

Hàng chục mũi khoan, hàng trăm lượt nhân công lại được huy động nhưng cửa vào "kho báu" vẫn bặt vô âm tín.

Sau gần mười năm đeo đuổi, cuối cùng ông Tiệp cũng nhường phần đầu tư cho ông Hiền. Như con bạc khát nước, ông Hiền tiếp tục đổ tiền vào canh bạc may rủi mang tên Yamashita.

Lần này họ cậy nhờ một nhà ngoại cảm giúp nói chuyện với tướng Yoshida người chỉ huy việc chôn dấu kho báu. Chính nhà ngoại cảm này đã tự tìm ra một thanh kiếm mà theo ông đó là thanh kiếm của Nhật Hoàng, chứng minh chắc chắn sự có mặt của quân đội Nhật Hoàng trên đỉnh núi này.

Theo chỉ dẫn của nhà ngọai cảm, có ba con đường dẫn đến cửa hầm kho báu. Ba con đường này sẽ dẫn đến “hầm chui”, “cửa thông hơi” và gặp nhau tại ngã ba đó chính là cửa hầm. Hàng chục nhân công trần lưng đục đá không kể ngày đêm nhưng "kho báu" chẳng thấy đâu mà chỉ toàn thấy đá.

Sau đó hai ông lại tiếp tục bị 2 "nhà khoa học" lừa bán thuốc làm mềm đá nhưng thuốc đâu cũng chẳng thấy chỉ thấy 2 ông già tội nghiệp bị lừa mất hàng trăm triệu đồng.

Cuối năm 2003, mệt mỏi và do bệnh tật hai ông đã tự kết thúc hơn mười năm tìm kiếm của mình.

Kết thúc trong vô vọng

Cuối năm 2011, lúc này ông Tám Hiền đã mất, bằng nhiều tài liệu chứng minh, ông Tiệp thuyết phục được tỉnh Bình Thuận cho phép tiếp tục tiến hành thăm dò "kho báu" trong thời gian 9 tháng, đồng thời ký quỹ 500 triệu đồng để chuẩn bị việc hoàn thổ sau khi kết thúc việc thăm dò.

{keywords}
Cảnh tan hoang còn sót lại trên Núi Tàu sau 40 năm tìm kiếm 

Lần này ông Tiệp mời TS. Vũ Văn Bằng là kỹ sư nghiên cứu về địa chất làm việc tại Công ty cổ phần nghiên cứu môi trường Tia Đất (Hà Nội), dùng máy đo bức xạ điện từ trường để khảo sát. Do công tác chuẩn bị kéo dài nên ông Tiệp được tỉnh Bình Thuận cho gia hạn tìm kiếm đến 10/10/2012.

Sau khi khảo sát thăm dò bằng máy đo điện từ trường, một số mũi khoan cho thấy đầu mũi khoan có nhiễm chất liệu của vật cần tìm. Tại những vị trí khoan thăm dò, đã phát hiện thêm 3 điểm có dấu hiện bức xạ. Phạm vi chứa dị thường có hình gần vuông, một chiều là 44m và một chiều 45m. Dị thường xuất hiện theo từng khối nhỏ xếp nằm cạnh nhau với khoảng cách 4m x 4m. Ở một số điểm khác về phía Tây Nam núi Tàu máy đo bức xạ cho thấy hình dạng và phân bố có hình chữ nhật cạnh dài 90m, cạnh ngắn 35m.

Trên cơ sở kết quả của máy đo điện từ do Công ty cổ phần nghiên cứu môi trường Tia Đất (Hà Nội) đưa lại cùng với bản đồ phân bố các vị trí cụ thể nghi có tài sản chôn giấu tại núi Tàu một lần nữa tỉnh Bình Thuận lại tiếp tục đã gia hạn thời gian thăm dò đến ngày 30/6/2013.

Trong lần thăm dò này dưới sự hướng dẫn của TS. Vũ Văn Bằng, bằng phương pháp địa bức xạ, đã cho thấy các mũi khoan phía Bắc núi Tàu có dấu hiệu mới là các “khoang rỗng” dưới đất, tức là mũi khoan gặp các khoảng trống trong lòng núi Tàu, độ sâu cạn của các điểm khác nhau, trung bình từ 10 – 40cm với diện tích tương đối lớn. Căn cứ các dấu hiệu này, ông Trần Văn Tiệp cho đó là “đường dẫn” vào hầm chôn giấu tài sản ở núi Tàu. Từ những thông tin do máy khoan đưa lại và nghi là “đường dẫn” vào hầm chôn giấu “kho báu”, nên UBND tỉnh Bình Thuận lại gia hạn cho ông Tiệp thêm 1 năm nữa.

Lần này tỉnh cho phép ông Tiệp dùng mìn phá đá để tiếp cận các "khoang rỗng". Hàng trăm ký thuốc nổ làm rung chuyển núi Tàu trong hơn 1 năm trời nhưng vẫn không có một dấu hiệu nào cho thấy có "kho báu".

Ngày 10/3/2015, ông Lê Tiến Phương, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký văn bản thông báo chấm dứt hành trình 40 năm tìm kiếm "kho báu" trong vô vọng của ông Trần Văn Tiệp.

Lê Huân