- Đăng đàn đối thoại sáng 23/6, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng nói kết luận thanh tra phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra hành vi tham nhũng.

Thêm quyền cho thanh tra

Cuộc giao lưu trực tuyến triển khai Luật Thanh tra 2010 của Thanh tra Chính phủ đã nhận được nhiều câu hỏi của nhân dân, doanh nghiệp và thanh tra viên cả nước xung quanh một số vấn đề cụ thể tới các cấp có thẩm quyền thanh tra, trách nhiệm liên quan tới người đứng đầu, vấn đề công khai và thực hiện kết luận thanh tra... 

Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng (trái), Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra Vũ Văn Chiến tham gia đối thoại trực tuyến.
Ảnh: thanhtravietnam.vn

Về quy định trong Luật Thanh tra 2010, bắt buộc nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan trong báo cáo, nhưng không ghi trong kết luận thanh tra, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho rằng dù không có quy định bắt buộc song “kết luận thanh tra phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra hành vi tham nhũng theo các mức độ: năng lực quản lý yếu kém, thiếu trách nhiệm trong quản lý, bao che cho người có hành vi tham nhũng…”

Ông Lượng cũng cho biết: “Người ra quyết định thành tra có thể ủy quyền cho trưởng đoàn thanh tra thực hiện việc công khai, yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng bị thanh tra phải công khai với những hình thức được quy định trong Luật”.

Ở cấp địa phương, Chánh Thanh tra tỉnh có thêm quyền quyết định việc thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về quyết định này. Điểm mới này giúp Chánh Thanh tra cấp tỉnh chủ động quyết định tiến hành thanh tra trên cơ sở pháp lí mà không cần qua phép của Chủ tịch UBND tỉnh.

Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh tra Chính phủ Đỗ Gia Thư cũng cho biết thêm: “Nhằm mục đích không làm tăng biên chế tổ chức bộ máy của các cơ quan thanh tra nhà nước, và yêu cầu cải cách hành chính, Thanh tra chuyên ngành tại các tổng cục, cục, chi cục sẽ do chính công chức của cơ quan đó thực hiện. Những công chức này có quyền yêu cầu cung cấp thông tin, được xử phạt hành chính và chịu trách nhiệm trước hành vi, quyết định thanh tra”.

Có thể phong tỏa tài sản nếu cần

Đối tượng bị thanh tra không thực hiện quyết định, kết luận thanh tra, theo Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Kim, “sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại; sẽ phải bồi hoàn theo quy định của pháp luật nếu không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời kết luận thanh tra”.

Thời gian tới, Thanh tra chính phủ sẽ tiến hành xây dựng thêm lực lượng để thúc giục thủ trưởng cơ quan làm theo kết luận Thanh tra hoặc cưỡng chế các đối tượng vi phạm.

Phong tỏa tài sản là một chế định mới trong Luật Thanh tra, liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước (sẽ cần hướng dẫn liên ngành của Thanh tra CP và Ngân hàng Nhà nước về việc thực hiện chế tài phong tỏa tài khoản). “Nội dung cụ thể còn phải chờ việc thảo luận và thông qua các văn bản này”, ông Trần Đức Lượng nói thêm.

Luật Thanh tra năm 2010 có hiệu lực từ 1/7/2011, có nhiều thay đổi về cơ chế tổ chức bộ máy thanh tra từ cấp nhà nước đến địa phương. Luật Thanh tra 2010 cũng tạo ra một hành lang thông thoáng hơn cho hoạt động và nâng cao hiệu quả thanh tra. Thanh tra có quyền độc lập hơn trong việc kết luận quá trình thanh tra, có bộ máy  thi hành cưỡng chế nếu các kết luận thanh tra không được thi hành.

Tất Đạt