- Mô tả người dân tố cáo, khiếu nại vượt cấp phổ biến do đơn gửi mãi "như chim đưa thư, bay đi đâu hết", Chủ tịch QH đề nghị làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong vấn đề tiếp công dân.

Ý kiến Chủ tịch QH nêu tại phiên họp sáng 19/8 của UBTVQH bàn về dự án Luật tiếp công dân. Đề cập vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu luật này đưa vào cuộc sống phải giải quyết để người dân “tâm phục, khẩu phục”, không khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

Nhận định việc tiếp và giải quyết đơn thư cho công dân còn vòng vèo, dẫn tới nhiều vụ tồn đọng, vượt cấp kéo dài, ông yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của người được giao trách nhiệm, quyền hạn về việc tiếp công dân nhưng không giải quyết. “Nếu được giao trách nhiệm, quyền hạn mà không giải quyết thì luật này phải có “thái độ” rõ ràng”, ông nói.

Theo đó, văn phòng, trụ sở tiếp công dân phải có người đứng đầu và chịu trách nhiệm đến cùng. “Ông mở trụ sở, ông tổ chức tiếp công dân mà không trả lời dân, không giúp được dân thì tổ chức làm gì?”

Chủ tịch QH lưu ý : “nếu là văn phòng tiếp công dân của Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, huyện thì việc giải quyết thuộc thẩm quyền của họ, họ phải giải quyết. Với những cái được chuyển đi thì luật cần buộc cái người ở cấp trên phải cho biết bao lâu sẽ trả lời để báo cho dân biết. Văn phòng cũng phải biết sự việc đã giải quyết đến đâu, nếu chưa giải quyết thì vì sao để trả lời cho dân, tránh tình trạng ý kiến, đơn gửi mãi mà như chim đưa thư, chạy đi đâu hết”.

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (bìa phải) bên hành lang QH. Ảnh: LAD

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng tiếp dân phải có “hơi thở cuộc sống”. Ông dẫn chứng việc Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã xuống làng cổ Đường Lâm để xem xét và phần nào giải quyết vấn đề bức xúc của người dân.

Một trong những lý do khiến tình trạng đơn thư vượt cấp, tồn đọng kéo dài do đơn thư được chuyển đi chuyển lại (với cùng một nội dung), người dân không nhận được hồi âm nên càng nóng ruột, càng gửi đơn nhiều khiến vấn đề càng thêm phức tạp.

Tại phiên họp, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết phía Thanh tra Chính phủ đang trình Chính phủ xây dựng cơ sở dữ liệu về tiếp, giải quyết các ý kiến của công dân để biết đơn đi đến đâu, thẩm quyền giải quyết của ai, đã giải quyết đến phần nào, giúp thông suốt thông tin và trả lời mỗi khi người dân hỏi, tránh tình trạng đơn “chỉ có đi chứ không có về” như nhận định của ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh.

Tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến đưa ra xoay quanh vấn đề trụ sở tiếp công dân. Theo đó các ý kiến cho rằng hoặc tập trung tại một điểm ở Trung ương như hiện nay, hoặc thành lập trụ sở tiếp công dân của QH.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng không nên mở trụ sở tiếp công dân riêng của Quốc hội, mà chỉ nên tập trung vào một đầu mối ở trụ sở tiếp công dân chung của Đảng và Nhà nước ở Trung ương và điểm mấu chốt là cần nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết sự việc.

Nhận định việc tiếp công dân là công việc khó khăn, phức tạp, cần các quy định rõ ràng về địa điểm, con người, cơ chế xử lý, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết UB Pháp luật cần phối hợp với cơ quan, bộ, ban, ngành liên quan chuẩn bị báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến và báo cáo UBTVQH.

Cẩm Quyên