- Bị đưa đi cai nghiện bắt buộc, anh Nguyễn Thanh Lâm nhờ bố mẹ đại diện đem đơn đi kiện vì nhất mực cho rằng mình không hề bị nghiện ma túy, việc bị đưa đi cai nghiện khiến cuộc sống đảo lộn...
Ngày 28/6, TAND Thành phố Hà Nội đưa xét xử vụ án dân sự kỳ quặc. Người đứng đơn là anh Nguyễn Thanh Lâm (SN 1972, trú tại xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), ủy quyền cho cha mẹ mình là ông Nguyễn Thanh Quang và bà Nguyễn Thị Thái thực hiện việc khiếu nại Quyết định số 1609 của UBND huyện Sóc Sơn.
Đôi vợ chồng già thay con đi kiện. |
Theo nội dung đơn kiện của anh Lâm, ngày 13/5/2011, UBND huyện Sóc Sơn, Hà Nội có Quyết định số 1609/QĐ- UBND về việc Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc đối với anh Lâm với lý do anh này bị nghiện ma túy; Thời hạn áp dụng biện pháp cai nghiện là 24 tháng tại Trung tâm GDLĐXH số VI, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Sau khi bị đưa vào trung tâm cai nghiện, do không đồng ý với quyết định trên, anh Lâm đã ủy quyền cho bố mẹ mình khiếu nại Quyết định 1609.
Đến ngày 1/3/2012, UBND huyện Sóc Sơn có Quyết định số 1032/QĐ-UBND giải quyết đơn khiếu nại nhưng ông Quang không đồng ý với quyết định giải quyết đơn khiếu nại của UBND huyện Sóc Sơn.
Vậy nên, ngày 11/6/2012, anh Lâm có đơn khởi kiện, yêu cầu TAND huyện Sóc Sơn phán xét, buộc hủy bỏ Quyết định số 1609 vì cho rằng, quyết định này trái thẩm quyền vì thẩm quyền ban hành là Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn chứ không phải là UBND huyện.
Anh Lâm cũng cho rằng mình không nghiện ma túy. Theo trình bày, anh Lâm từng bị bắt về hành vi đánh bạc và bị kiểm tra nước tiểu rồi bị ép phải viết kiểm điểm thừa nhận mình nghiện ma túy rồi sau đó bị đưa vào trại cai nghiện.
Anh Lâm yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn phải bồi thường 130 triệu đồng gồm tiền mất thu nhập, tiền thưởng, tiền bồi thường tổn thất tinh thần cho anh và cha mẹ anh.
Trong khi đó, tại phiên tòa sơ thẩm, ông Đặng Đình Trung – Trưởng phòng LĐTBXH huyện Sóc Sơn cho hay, nhận được hồ sơ của Công an huyện Sóc Sơn chuyển về và đề nghị đưa anh Lâm đi cai nghiện, thấy có đủ điều kiện nên đơn vị đã đưa anh Lâm đi chữa bệnh bắt buộc.
Phòng đã thẩm định hồ sơ và mời Hội đồng tư vấn để xét duyệt hồ sơ, 100% thành viên đã nhất trí trình Chủ tịch UBND huyện ra quyết định trên. Khi anh Lâm khiếu nại, UBND huyện đã xem xét, trả lời là đơn không có căn cứ.
Tòa cấp sơ thẩm ngày 6/3/2013 đã tuyên bác đơn khởi kiện của anh Lâm và khẳng định, không có căn cứ để hủy Quyết định 1609, bác yêu cầu bồi thường. Sau phiên sơ thẩm, anh Lâm kháng cáo.
Trong phiên phúc thẩm ngày 28/6, HĐXX, TAND TP Hà Nội đã tuyên y án sơ thẩm với nhận định, yêu cầu của người khởi kiện không có căn cứ và tòa cấp sơ thẩm đã tuyên có cơ sở.
TAND huyện Sóc Sơn có một sai sót nhỏ khi không đưa UBND huyện Sóc Sơn vào tham gia tố tụng. Nhưng xét thấy, quyền – lợi ích của UBND huyện không bị ảnh hưởng nên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau phiên tòa Phúc thẩm, đôi vợ chồng già, đại diện cho con trai mang đơn đi kiện cho biết, họ vẫn không tâm phục với phán quyết này nên sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc.
- T.Nhung