- Sáng 19/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Việc làm. Các ĐB đã tập trung cho ý kiến về việc cấp chứng chỉ ngành nghề và chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
ĐB Phạm Thị Trung (Kon Tum) không tán thành một số trường hợp kỳ thị những người tốt nghiệp các hệ đào tạo tại chức, đào tạo từ xa trong quá trình tuyển dụng.
Khoản 2 điều 4 của luật quy định "người lao động có quyền bình đẳng về việc làm, không phân biệt đối xử với người lao động vì các lý do dân tộc, chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo". Nhưng theo ĐB Trung, thời gian qua dư luận cũng bàn nhiều tới sự phân biệt trong tuyển dụng đối với loại hình đào tạo tại chức, từ xa.
ĐB Phạm Thị Trung:
Các nhà tuyển dụng phải có trách nhiệm xây dựng cơ chế tuyển dụng khách quan, tôn trọng người học dù bất cứ loại hình nào. Ảnh: Minh Thăng |
ĐB dẫn lại thông tin trong phiên chất vấn ngày 13/6 vừa qua, Bộ trưởng Lao động - Thương binh - Xã hội đã đề cập đến những khó khăn của đối tượng lao động tốt nghiệp cao đẳng nghề. Phản ứng trên căn bản là do mặt bằng chất lượng đào tạo.
“Tuy nhiên thay vì thái độ phân biệt, các nhà tuyển dụng phải có trách nhiệm xây dựng cơ chế tuyển dụng khách quan, tôn trọng người học dù bất cứ loại hình nào để tuyển người lao động đáp ứng đủ năng lực đối với vị trí công việc”, bà Trung nhấn mạnh.
Vì thế, bà đề nghị dự thảo luật cần bổ sung hành vi cấm phân biệt về nơi đào tạo, loại hình đào tạo nhằm đảm bảo nguyên tắc công bằng trong tiếp cận cơ hội việc làm cho người lao động và thúc đẩy xây dựng xã hội học tập.
Tìm lối thoát cho lao động tự doĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đồng tình với chính sách cân bằng giữa khu vực lao động chính thức và phi chính thức (lao động tự do) và thúc đẩy Nhà nước cần bảo hộ mạnh hơn đối với lao động việc làm khu vực phi chính thức.
Ông cũng quan tâm đến vấn đề hỗ trợ tạo việc làm, đặc biệt cho lao động nông thôn. Theo ĐB Phong, luật đã thể hiện căn bản 6 chính sách chủ động của Nhà nước đối với việc làm và thị trường lao động, trong đó có 5 chính sách đã kiểm nghiệm qua thực tiễn, một chính sách mới là chương trình việc làm công.
Theo ông Phong, chương trình việc làm công được đưa ra trong luật là chính sách thể hiện sự quyết liệt của Nhà nước nhằm hỗ trợ việc làm tại chỗ và tạm thời ở khu vực nông thôn, là điểm nhấn đầu tư hỗ trợ cho khu vực phi chính thức.
Mục tiêu của chính sách này nhằm phát huy năng lực tại chỗ của lao động, của chính quyền địa phương, góp phần giải phóng sức lao động nông nhàn, từng bước tạo nền cho lao động nông thôn hòa nhập thị trường lao động.
ĐB Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) cũng đồng tình với việc luật đưa ra Chương trình việc làm công, hướng tới các nhóm lao động không có quan hệ lao động và đang tìm việc làm. Tuy nhiên, ĐB Hoàn đề nghị phải quy định rõ hơn để biết người lao động được hưởng chính sách ưu đãi gì trong chính sách này.
“Hiện nay các chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương cũng đang sử dụng rất nhiều các thiết bị máy móc cơ giới nhưng người lao động ít có cơ hội để tìm việc làm trong các chương trình này. Đề nghị ban soạn thảo nên nghiên cứu để quy định rõ trách nhiệm của chủ quản lý chương trình hay mức hỗ trợ, nguồn hỗ trợ, thời gian hỗ trợ để người lao động biết được mình hưởng gì trong chính sách việc làm công”, ĐB Hoàn nói.
1% người thất nghiệp được đào tạo nghề
Vấn đề bảo hiểm thất nghiệp được khá nhiều ĐB tham gia thảo luận. ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) tán thành việc chuyển nội dung quy định về bảo hiểm thất nghiệp từ luật Bảo hiểm xã hội sang luật Việc làm và tán thành cao việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhằm tăng tính bền vững của việc làm.
ĐB Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) có cùng quan điểm này và kiến nghị đánh giá lại toàn diện tình hình hoạt động của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong 3 năm qua để có sự điều chỉnh, bổ sung cần thiết.
“Tại sao năm 2012 Quỹ này kết dư tới hơn 4.000 tỷ đồng, kết dư tích lũy đến hết 2012 gần 22.000 tỷ đồng, nhưng trong 3 năm lại chỉ có 1% số người lao động thất nghiệp được đào tạo nghề nhờ Quỹ này?”, vị ĐB này đặt câu hỏi.
Theo bà Thu Anh, người lao động mất việc có tâm lý chỉ nhìn vào “con cá” là khoản tiền hỗ trợ được nhận mà không quan tâm đúng mức đến “chiếc cần câu” là công tác đào tạo nghề, điều kiện giúp họ có được nguồn thu nhập ổn định trong tương lai.
Với khoảng 67% lực lượng lao động không có quan hệ lao động, nhiều ĐBQH đồng tính cho rằng cần có những biện pháp để thu hút số lao động thuộc nhóm này tham gia loại hình bảo hiểm thất nghiệp nhằm tăng tính bền vững cho việc làm của họ trong điều kiện thị trường lao động đang phát triển và có nhiều biến động.
Cẩm Quyên