- Vừa qua, báo VietNamNet có loạt bài phản ánh về thực trạng sau khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) ở Thanh Hóa, từ việc dùng tiền ngân sách xã mua BHYT cho dân cho đến việc nợ cả chục tỷ đồng sau khi đạt chuẩn NTM. PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Quyền, PCT tỉnh, Phó Ban chỉ đạo chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM Thanh Hóa.

Thưa ông, báo điện tử VietNamNet có loạt bài phản ánh về thực trạng xây dựng NTM ở địa phương, ông có đọc loạt bài đó không và có suy nghĩ gì về việc này?

Tôi đã đọc loạt bài trên báo VietNamNet, những bài báo phản ánh vừa rồi chỉ là một kênh thông tin của một việc cụ thể.

{keywords}

Ông Nguyễn Đức Quyền, PCT tỉnh, Phó Ban chỉ đạo chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM

Sắp tới chúng tôi đang cho kiểm tra lại để thông tin trong hội nghị tổng kết toàn tỉnh, nhất là giải quyết vấn đề nợ đầu tư xây dựng NTM.

Để đạt được tiêu chí BHYT (1 trong 19 tiêu chí xây dựng NTM), nhiều xã đã dùng tiền ngân sách để kích cầu mua BHYT cho dân, ông có biết và nghĩ sao về việc này?

Điều đầu tiên tôi khẳng định không có ai báo cáo việc xã hỗ trợ tiền cho dân mua BHYT. Bây giờ tiêu chí NTM, các ngành, huyện thẩm tra báo cáo lên mà đạt được tiêu chí thì công nhận thôi.

Thông qua báo chí, việc các xã dùng tiền ngân sách hỗ trợ mua BHYT cho dân, vấn đề đó đã rõ. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, rà soát lại. Nếu đúng như thế, sau khi xây dựng NTM mà không đảm bảo được tiêu chí thì sẽ xem xét lại.

Qua đó, sắp tới tỉnh sẽ tổng hợp, đánh giá lại để làm rõ trong trong hội nghị tổng kết xây dựng NTM toàn tỉnh.

Một số xã sau khi đạt chuẩn NTM nợ gần 20 tỷ tiền xây dựng công trình cơ bản, ông nghĩ sao về con số này?

Đúng thực tế là có! Tỉnh không khuyến khích làm bằng mọi giá như vậy. Sau khi đọc loạt bài trên báo tôi thấy rất nhiều đơn vị báo cáo không đúng. Qua đó tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch đầu tư kiểm tra, rà soát lại và báo cáo với tỉnh.  

Hiện nay thực trạng đầu tư công của ta hầu hết là nợ. Việc xây dựng NTM, tỉnh chỉ hỗ trợ đầu tư một công sở vùng trên tối đa 4,5 tỷ; vùng thấp 4 tỷ và đồng bằng 3,5 tỷ. Phải chăng họ xây dựng có vượt hơn một tí, hoặc làm quá nhiều hướng, mỗi thứ một ít nên mới đội lên như vậy.

Bên cạnh đó, xây dựng nhà văn hóa, có những xã người ta chỉ trông chờ vào tiền bán đất, nhưng giờ chưa bán được nên dẫn đến vẫn đang còn nợ nần. Thực tế là thế.

Việc cấp quyền sử dụng đất sau khi đạt chuẩn NTM ở các xã như thế nào thưa ông?

Huyện phải làm việc cụ thể với các xã. Toàn bộ tiền đất hiện nay tỉnh không thu nữa và đã giao hết cho huyện, vì vậy huyện có quyền điều tiết bao nhiêu % cho xã là quyền của huyện.

Đơn cử, huyện thấy xã đó cần thiết được hưởng chính sách để trang trải thì huyện sẽ quyết định. Còn nếu thấy đã hoàn thành rồi thì điều tiết cho các xã khác. Tinh thần của tỉnh rất hưởng ứng việc này.

{keywords}

Công sở đạt chuẩn xây dựng NTM

Có hay không việc xã báo cáo số nợ ảo để xin hỗ trợ ngân sách thưa ông?

Vấn đề xây dựng NTM việc hỗ trợ cho các địa phương đã được công khai rõ ràng. Như hỗ trợ tiền đất theo quy định của chương trình NTM, toàn bộ tiền sử dụng đất sẽ được điều tiết lại, điều tiết mấy năm là do huyện quyết định.

Còn tiền hỗ trợ của nhà nước chủ yếu là vốn trái phiếu chính phủ cũng đã công bố rõ ràng. Cụ thể xã thuộc đối tượng 1 cao nhất là 2,5 tỷ; đối tượng 2 là 1,8 tỷ và đối tượng 3 là 1,1 tỷ và đã được công bố toàn tỉnh, do đó các địa phương phải tự cân đối, chứ không có kiểu làm rồi lại đề nghị nhà nước cấp đâu.

Vấn đề báo cáo ảo, báo cáo khống đang được kiểm tra lại và có báo cáo cụ thể.

Xin cảm ơn ông!

Lê Dương (thực hiện)