- Để đảm bảo an toàn giao thông, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN và Sở GTVT Hà Nội khẩn trương kiểm tra, kịp thời sửa chữa, khắc phục hư hỏng mặt cầu Thăng Long.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) và Sở GTVT Hà Nội đã thống nhất phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long với tổng số kinh phí đầu tư sửa chữa, duy tu là hơn 28 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, mặt cầu Thăng Long trong thời gian gần đây đã hư hỏng nặng, bị lún trượt, tạo gồ phần kết cấu mặt bê tông nhựa, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, cản trở lưu thông tuyến huyết mạch Hà Nội đi sân bay Nội Bài và tuyến QL2.

Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN và Sở GTVT Hà Nội khẩn trương kiểm tra, kịp thời sửa chữa, khắc phục hư hỏng.

Cụ thể, Tổng cục Đường bộ VN sửa chữa phần mặt cầu chính (trên nhịp dàn thép) với diện tích 14.500m2 có kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Sở GTVT sẽ sữa chữa phần mặt cầu dẫn (dầm bê tông) diện tích 22.000m2 với kinh phí hơn 18 tỷ đồng do TP. Hà Nội bố trí nguồn vốn từ Quỹ bảo trì đường bộ năm 2013.

Các điểm hư hỏng bề mặt cầu sẽ được thực hiện bằng vật liệu bê tông nhựa polyme với chất dính bám Novabond của Công ty Hall Brother (Mỹ).

{keywords}

Mặt cầu Thăng Long chuẩn bị được sửa chữaỉtong vòng 1 tháng. (Ảnh minh hoạ mặt cầu Thăng Long hư hỏng được sửa chữa từ tháng 9/2012)

 

Việc thi công sẽ thực hiện trên 1/2 diện tích mặt cầu, chủ yếu ở phía làn đường từ trung tâm thành phố Hà Nội đi Nội Bài. Phần cầu dẫn sẽ được tiến hành cào bóc, thay thế và thảm lại toàn bộ lớp bê tông nhựa dày 5cm.

Thời gian thi công dự kiến thực hiện từ 21 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, kéo dài trong 1 tháng (tính đến hết ngày 21/11).

Trước đó, trả lời báo giới về việc sửa mặt cầu Thăng Long, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, để thuận tiện cho việc lưu thông của các phương tiện từ nay đến 2016, Bộ quyết định ký hợp đồng với một đơn vị của Mỹ, tiến hành sửa chữa.

Chi phí cho đợt duy tu này rất thấp so với chi phí sửa chữa vào năm 2009, chỉ xấp xỉ khoảng 10 tỷ đồng. Bộ cũng cam kết việc duy tu sửa chữa sẽ đảm hiệu quả và đảm bảo chất lượng.

Nhấn mạnh đến việc sửa chữa triệt để hư hỏng cầu Thăng Long, Thứ trưởng Trường cho biết, Bộ đã mời các chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, giúp đỡ. Trong đó, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) đã chấp thuận sửa chữa toàn bộ hư hỏng mặt cầu Thăng Long.

“Phía JICA sẽ đưa ra một công nghệ mới, hiện đại và sẽ tiến hành làm thử nghiệm trong vòng 6 tháng trên vị trí cụ thể, sau khi có kết luận về kết quả thử nghiệm không ảnh hưởng đến việc khai thác thì mới tiến hành làm đại trà mặt cầu. Nhanh nhất cũng phải đầu năm 2016 mới có thể sửa chữa bằng công nghệ Nhật Bản”, ông Trường nói.

Vũ Điệp