Đề nghị của Liên đoàn Luật sư có liên quan đến phát ngôn của ĐBQH Đỗ Văn Đương cho rằng luật sư ở VN chỉ bào chữa cho người có tiền.

Ngày 31/10, Liên đoàn Luật sư có công văn do Chủ tịch Lê Thúc Anh ký gửi Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Văn Hiện đề nghị Chủ tịch QH có ý kiến chỉ đạo; Chủ nhiệm UB Tư pháp xem xét, kiểm tra và làm rõ tính xác thực các ý kiến phát biểu của ĐBQH Đỗ Văn Đương (đoàn TPHCM), ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp khi trả lời báo chí có nói rằng “thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho người có tiền”.

{keywords}
ĐBQH Đỗ Văn Đương. Ảnh: Minh Thăng

Công văn của Liên đoàn Luật sư đại diện cho đội ngũ gần 9.000 luật sư trong cả nước phản đối nhận thức và quan điểm của ĐBQH Đỗ Văn Đương, cho rằng những phát biểu của ông “mang tính quy chụp”, nhận định thiếu căn cứ và trái với quy định tại điều 3 luật Luật sư (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) về chức năng xã hội của luật sư.

Theo đó, hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Công văn của Liên đoàn Luật sư nhấn mạnh: “Phát biểu của ĐB Đỗ Văn Đương không còn phù hợp với nguyên tắc về bảo đảm quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa được xác định là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận tại khoản 4 điều 31 Hiến pháp năm 2013, đi ngược lại chủ trương cải cách tư pháp, trong đó đề cao vị trí, vai trò của luật sư và bảo đảm tranh tụng dân chủ tại phiên tòa đã được nêu trong các nghị quyết số 08 và 49 của Bộ Chính trị”.

“Nó cũng hoàn toàn tương phản với kết luận của Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng khi làm việc với Liên đoàn Luật sư thời gian qua, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội đối với nghề luật sư còn non trẻ”, công văn của Liên đoàn Luật sư nêu.

Theo VOV