- Trong khi nhiều người dân vẫn đang mơ "giấc mơ làm giàu" với đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy, nhiều người ở ngoại thành Hà Nội "sống dở chết dở" với Đoàn Hùng Vương.

Mò kim đáy bể

Chị Cấn Thị Thư (50 tuổi, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cùng chồng mượn hơn 100 chứng minh nhân dân (CMND) của hàng xóm để tự mua các mã đa cấp kiếm hoa hồng.

{keywords}
Chị Cấn Thị Thư

Năm 2015, qua một phụ nữ quen biết sống ở Hà Nội, chị Thư được dẫn tới địa chỉ P912 (tòa nhà 34T - Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) để nghe thuyết trình về gói đầu tư mua thẻ học trực tuyến.

Đây là chi nhánh vừa được thành lập của “công ty Đoàn Hùng Vương” chuyên về xây dựng, buôn bán vật liệu xây dựng, trụ sở chính tại Hải Phòng.

Hai thanh niên có tên Trần Công Trang, Trần Công Tráng thuyết trình: 1 CMND sẽ được mua tối đa 13 “mã” (500 ngàn đồng/mã). Mỗi mã tương ứng với một thẻ học trực tuyến gồm 5 môn: Toán, Văn, Tiếng Anh, Lý, Hóa từ lớp 1 đến 12.

Khi mời được người dưới mình, công ty sẽ trả hoa hồng. Cứ 4 mã thì hoa hồng tương đương 240.000 đồng. Đồng thời, “nhà đầu tư” nhận được một sổ mua hàng giảm giá 5-30% của 204 mặt hàng vật liệu xây dựng và giảm % khi đến các quán cà phê, nhà nghỉ.

Tò mò, chị Thư đăng ký mua 4 mã vào ngày 20/4/2015. Ngày 26/4, chị nhận 216.000 đồng hoa hồng từ số 2 triệu đồng mà chị đã bỏ ra.

“Lún” vào con đường này, chị Thư gom CMND của chồng, con, anh em, bạn bè để tiếp tục đầu tư. Như bị xui khiến, "nhà đầu tư" Cấn Thị Thư đã dốc túi hơn 1 tỷ đồng mua 1.365 mã sản phẩm (tương đương 100 CMND).

Đến ngày 10/7/2015, sau gần 3 tháng chị Thư điên đảo đầu tư thì hệ thống “dừng hoạt động”. Lúc này chị Thư mới thu về 270 triệu đồng.

“Tôi lên Hà Nội thì thấy văn phòng không có người. Hỏi thì họ bảo: dừng hệ thống” - chị Thư kể. Từ đó đến nay, gần một năm trời, người phụ nữ này đã thành khách quen của tuyến xe buýt Phúc Thọ - Mỹ Đình, bởi cứ 5 ngày chị Thư lại khăn gói quả mướp lên Thủ đô đòi nợ.

Nạn nhân không nộp tiền vào công ty (?!)

Ông Đoàn Hùng Vương (sinh 1983 tại thôn Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) là Giám đốc công ty Đoàn Hùng Vương - đơn vị mà chị Thư được đưa đến trước đây để nghe thuyết trình.

Công ty của ông Vương có trụ sở chính tại số 48 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền (Hải Phòng). Trong giấy phép đăng kí kinh doanh số 0201420780, công ty hoạt động với các ngành nghề xây dựng công trình đường sắt đường bộ và bán buôn vật liệu xây dựng.

Tiếp phóng viên tại trụ sở công ty, giám đốc Đoàn Hùng Vương cho biết: Vừa qua chị Cấn Thị Thư (ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đến đòi tiền đã đóng vào công ty. Tuy nhiên ông Vương cho rằng mình không thu bất cứ khoản tiền nào nên đã yêu cầu chị Thư tìm gặp người trực tiếp thu để giải quyết.

{keywords}
Phiếu đóng tiền của chị Thư có dấu, chữ kí của GĐ công ty Đoàn Hùng Vương nhưng ông Vương phủ nhận việc chị Thư nộp tiền vào công ty mình

Cũng theo ông Vương, do không giải quyết được, chị Thư có nói sẽ gửi tố cáo đến công an. Công an đã làm việc với ông Vương, yêu cầu làm tường trình cụ thể.

Theo tìm hiểu của PV, ngoài trụ sở chính ở Hải Phòng, năm 2015, Đoàn Hùng Vương tiến ra Thủ đô, lấy trụ sở ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Ngoài những bài thuyết trình, Đoàn Hùng Vương còn có văn bản gửi các văn phòng của “tập đoàn”, trong đó có VP Hà Nội.

{keywords}
Những dự án hoành tráng mà Đoàn Hùng Vương giới thiệu công khai trong công văn

Trong văn bản ngày 22/6/2015 (ảnh trên) do Giám đốc Đoàn Hùng Vương ký, gửi cho các “nhà đầu tư” có giới thiệu các dự án hoành tráng mà tập đoàn này triển khai. Tuy nhiên, khi trao đổi với PV vào ngày 19/4, ông Vương thừa nhận chữ ký trong công văn trên là của ông nhưng ông không biết thông tin về văn bản này và công ty của ông cũng không thực hiện những dự án được nêu trên!

Trong suốt buổi trao đổi với PV, ông Vương cũng có những giải thích 'khó hiểu' về hoạt động của công ty.

Ông Vương giãi bày: Đầu năm 2015, qua người quen, ông được mời đến nhà hàng Trọng Khách (đường Nguyễn Đức Cảnh, Hải Phòng) dự buổi giới thiệu các sản phẩm, như sơn tường, gas, chăn - ga - gối đệm, đèn thông minh… của công ty Happy World.

Tại đây, ông Vương gặp một người tên Hùng, được giới thiệu là giám đốc Happy World cùng 2 thành viên công ty là anh em Trần Công Trang và Trần Công Tráng (người đã chủ trì buổi thuyết trình mà chị Thư tham dự tại P912, KĐT Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội sau này - PV). Sau đó các bên đặt vấn đề hợp tác làm ăn.

Thừa nhận quá trình "hợp tác" có nghi ngờ một số biểu hiện không bình thường của Happy World, nhưng khi họ đặt vấn đề muốn mở văn phòng đại diện tại Hải Phòng, ông Vương lại sẵn sàng cho mượn trụ sở. Ông giải thích "chỉ cho mượn văn phòng chứ không tham gia bất cứ hoạt động nào của Happy World".

Các văn phòng khác được ông Vương dựng lên không phục vụ hoạt động của công ty Đoàn Hùng Vương mà được ông cho anh em Trang và Tráng… ở nhờ.

Ông Vương cho biết đến giữa năm 2015, khi phát hiện thấy anh em Trang tháo dỡ biển hiệu tại văn phòng Hà Nội thì mới dừng mọi hoạt động "hợp tác".

Sau đó, nhiều người tìm đến công ty Đoàn Hùng Vương yêu cầu thanh toán các khoản đóng góp. Mọi người đều tin rằng làm ăn với công ty Đoàn Hùng Vương bởi lẽ mỗi lần đến làm việc, anh em Trang và thành viên khác trong nhóm đều đưa lên gặp Đoàn Hùng Vương, giới thiệu Vương là giám đốc... Tuy nhiên, cũng như với trường hợp của chị Thư, ông Vương đều khẳng định những người này "không nộp tiền" vào công ty của ông.

Nếu bạn biết thông tin về những trường hợp người thân, người quen của mình bị lừa đảo bởi kinh doanh đa cấp, hãy gửi thông tin tới VietNamNet qua email banxahoi@vietnamnet.vn. Chúng tôi sẽ mời luật sư tư vấn miễn phí cho bạn.

K.Trung - H.Sang - Q.Minh