New Page 9

-  "Cả đêm trông tin nơi quê nhà từ cầu truyền hình trực tiếp, chứng kiến những cảnh tượng hãi hùng, những hình ảnh chết chóc đầy thương tâm chúng tôi không ai có thể chợp mắt…".


Đau đáu hướng về quê nhà

Căn phòng nằm trong KTX ĐH Luật Hà Nội của các lưu học sinh người Campuchia lúc 8h tối phủ đầy nỗi lo lắng. Ba chiếc máy tính đều đang mở ở những trang mạng thông tin về vụ thảm họa tại thủ đô Phnompenh đêm 22/11. Chủ nhân của chúng luôn chờ đợi từng phút cập nhật thông tin về tấn thảm kịch ở quê nhà.


Anh Lim Hokchiv- 27 tuổi, thạc sỹ ngành Luật sang Việt Nam học đã 8 năm chia sẻ: “Tôi biết tin này lúc 1h đêm 23/11 qua internet. Thực sự tôi rất choáng váng và đau xót… Con số người bị nạn quá lớn, lại là trong lễ hội nước- lễ hội truyền thống được đông đảo người dân Campuchia yêu thích”.


Lim Hokchiv- 27 tuổi ngành Luật đang chờ đợi cập nhật từng thông tin về tấn thảm kịch tại quê nhà.
 

“Thật sự là quá đau lòng. Tôi sốc nhất là khi xem những bức ảnh chụp các nạn nhân thiệt mạng nằm san sát nhau trong những túp lều trắng- các nhà xác tạm… Hình ảnh những người phụ nữ khóc ngất trước cái chết của người thân… Rồi bức ảnh chụp cây cầu la liệt dép guốc của những người xấu số bỏ lại… Đúng là một thảm họa”- anh Yoeu Sopheak: 27 tuổi, Học ĐH Kiến Trúc thốt lên.

Đã sáu năm không được tham dự lễ hội truyền thống này ở quê, nhưng những ấn tượng về lễ hội nước ở quê nhà với anh Yoeu Sopheak rất đẹp và yên bình.

“Nhà tôi ở thủ đô Phnompenh nên tôi đã vô cùng hoảng hốt. Tôi đọc được tin về vụ việc vào lúc bốn giờ sáng. Vội vã gọi về nhà hỏi han… May là cả gia đình tôi đều không có mặt trong đám đông đó…” - anh tâm sự.

Dù vậy, nỗi đau khi chứng kiến cái chết của người dân tại quê nhà, anh Sopheak vẫn cảm thấy rất nặng nề. Anh liên tục đảo qua facebook của bạn bè nhằm đón nhận và sẻ chia mọi thông tin về tai nạn này một cách chân thực nhất.

“Hầu hết bạn bè trong danh sách facebook của tôi đã để trạng thái, thay đổi avatar bày tỏ niềm tiếc thương và nỗi đau với nhân dân mình. Bản thân tôi luôn phải luôn cập nhật từng phút về con số thương vong và tình hình vụ việc” - anh thở dài cho biết thêm.

“Tôi không thể tượng tượng được điều gì đã xảy ra. Càng không thể khẳng định nguyên nhân gì đã khiến những người tham gia phải giẫm đạp lên nhau mà bỏ chạy như thế. Song theo đây là nỗi đau chung của cả dân tộc KhMer mà bất cứ người Khmer nào cũng cảm thấy vô cùng đau đớn” - một lưu học sinh Campuchia tại ĐH Xây dựng tâm sự.

Khu ký túc A3 – ĐH Bách Khoa Hà Nội – một trong những nơi có nhiều lưu học sinh Campuchia với hơn 30 người, từ đêm khi biết tin về thảm họa tại lễ hội té nước ai cũng đều có tâm trạng đau xót và buồn thảm.

Không giấu nổi sự mệt mỏi cùng sự lo lắng, sinh viên Sophea chia sẻ: “Khoảng hơn 20h, mình vẫn còn gọi điện về cho bạn ở thủ đô đang tham gia lễ hội để chúc mừng và chia sẻ niềm vui cùng mọi người. Vậy mà chỉ hơn 1 tiếng sau khi xem cầu truyền hình trực tiếp về lễ hội, mình đã không thể tin vào mắt, vào tai mình nữa. Một cảnh tượng đầy náo loạn, chết chóc và thương tâm. Tất cả mọi người trong phòng đã lặng đi. Một cảm giác rất khó diễn tả. Cảm tưởng tim mình bị bóp nghẹt, chân tay thấy rất run. Nhưng lại không biết phải làm gì. Chỉ biết nhìn những cảnh tượng ấy qua màn hình”.

Sinh viên Hong Teng nhắc lại những cảm xúc trong đêm thảm họ: “Mọi người trong phòng chỉ còn biết nhìn chăm chăm vào màn hình ti vi. Không ai nói với ai, chỉ biết chờ đợi, lo lắng và hy vọng. Đáng lẽ ngày đó sẽ là ngày vui nhất trong năm nhưng rồi lại biến thành thảm họa”.

Choàng mở mắt dậy, anh Mao Lung vội đến ngay chiếc máy tính và thở dài: “Đã từng tham gia rất nhiều lễ hội té nước khi còn ở Campuchia, nhưng quả thật mình không thể ngờ lại xảy ra thảm họa làm nhiều người chết và bị thương đến thế. Thương tâm hơn nạn nhân lại chủ yếu lại là những người tỉnh xa và phụ nữ trẻ”.

Thương lắm quê nhà

Chia sẻ về kế hoạch tổ chức buổi quốc tang đặc biệt, anh Lun Sophau – Trưởng đoàn lưu học sinh Campuchia tại KTX Bách Khoa nói: “Ban đầu mình cũng chỉ kêu gọi các bạn lưu học sinh Lào tham gia, nhưng tìm hiểu trên các diễn đàn Việt Nam cũng như ý kiến của nhiều bạn đọc trên một số tờ báo mạng điện tử mình cũng muốn kêu gọi nhiều người Việt Nam đến cầu siêu trong buổi tối ngày 25/11 tới tại sân ký túc A3 – ĐH Bách Khoa Hà Nội”. 


 Anh Lun Sophau (ĐH Bách Khoa dõi theo tin tức nơi quê nhà qua các trang Web của Campuchia và Việt Nam
 

Đưa tờ thông báo bằng tiếng Campuchia, anh nói thêm: “Ngay tối ngày hôm nay mình sẽ viết thông báo bằng tiếng Việt. Chỉ là một lễ tưởng niệm đơn giản nhưng là tấm lòng của những người xa xứ. Thắp nén hương mà thấy lòng trĩu nặng. Buồn lắm!”.

Mặc dù sống xa quê, không trực tiếp chứng kiến tấn bi kịch nhưng có lẽ trong lòng mỗi lưu học sinh Campuchia đều cảm nhận rất rõ nỗi đau mà nhân dân mình, dân tộc mình đang phải hứng chịu.

“Sáng ra ngồi trước màn hình máy tính la liệt các hình ảnh kinh hoàng về cái chết, con số người thiệt mạng thì tăng nhanh đến không ngờ làm tôi rợn người. Chỉ mong sao cho con số ấy đừng tăng lên nữa, vụ việc mau chóng được giải quyết…”- anh Sun Sophal, ĐH Xây Dựng bày tỏ.

Cũng thể hiện nỗi day dứt về số thương vong quá lớn trong một lễ hội truyền thống của nước mình, một lưu học sinh Campuchia cho biết: "Trong những ngày tết, dịp lễ hội lớn như thế này, lượng người dân đổ về các tỉnh rất đông. Giá như nhà tổ chức lễ hội cẩn trọng hơn, tính toán trước tới lượng khách tham dự, đưa ra nhiều giả thiết đề phòng rủi ro thì đã không quá nhiều người chết đến vậy. Đáng thương nhất là họ đã chết trong lễ hội, chết trong lúc đi tìm niềm vui, niềm may mắn, hạnh phúc…"

“Dù sao tôi vẫn cho rằng đây là tai nạn ngoài ý muốn. Trong một lễ hội thu hút hàng triệu người tham gia như vậy thì thảm họa cũng có thể xảy ra bất cứ khi nào… Bản thân tôi muốn gửi gắm tới những người gặp nạn lời chia buồn sâu sắc… Xin chân thành chia sẻ với nỗi đau của mọi người”- anh Hokchiv- ĐH Luật Hà Nội tâm sự.

Còn anh Sopheak- ĐH Kiến trúc cho biết, ngay sau khi tin về vụ tai nạn lan truyền, đông đảo bạn bè đại học ở Việt Nam cũng nhắn tin hỏi han, chia sẻ và động viên anh rất nhiều. “Những tình cảm quý giá ấy, tôi mong sao có thể gửi trọn vẹn về quê hương mình, nhân dân mình… Mong sao tình cảm ấy có thể để đến được với những nạn nhân không may mắn, giúp xoa dịu phần nào nỗi đau của họ”.

H.Khanh – Q.Anh – V.Anh