- Với quan điểm phát triển là tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) mà Chính phủ vừa ban hành đề ra mục tiêu đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL chia sẻ với VietNamNet, nghị quyết lần này là luồng gió tư duy mới, đưa ra những định hướng lâu dài cho ĐBSCL.
"Tôi cho rằng định hướng này khá hiện đại, có tư tưởng phù hợp với cách làm của quốc tế, cách tiếp cận tốt nhất hiện nay đối với bối cảnh nhiều thách thức của ĐBSCL", thạc sĩ Thiện nói.
Tôn trọng quy luật tự nhiên
Theo ông, đâu là tư tưởng chính của nghị quyết này? Ông có thể phân tích về tính phù hợp trong điều kiện của ĐBSCL?
Tại hội nghị về thích ứng với BĐKH vừa qua ở Cần Thơ, Thủ tướng nói rõ dứt khoát giảm lúa 3 vụ, ưu tiên biện pháp phi công trình, ưu tiên các công trình cấp bách, không hối tiếc. Nghị quyết nêu ra chiến lược dài hơi cho ĐBSCL theo hướng thích ứng “thuận thiên”.
Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện |
Tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên; chuyển tư duy nông nghiệp từ thuần túy sản xuất sang làm kinh tế nông nghiệp, và quy hoạch tích hợp, tổng thể cho toàn đồng bằng. Bởi can thiệp thô bạo vào tự nhiên, trái quy luật thì phải trả giá đắt.
Can thiệp vào sông ngòi và quy luật dòng chảy là thô bạo nhất. Chính dòng chảy mang phù sa, cát bồi đắp nên thiếu hụt hai thứ này thì sự bồi đắp mở rộng sẽ ngưng, rồi sạt lở bờ sông, bờ biển.
Đừng nghĩ làm kè hết bờ biển, bờ sông, lấp hố sâu tự nhiên của sông thì hết sạt lở mà chỉ nên bảo vệ những nơi nào quan trọng, khẩn cấp. Tốn tiền tỉ mà trái quy luật thì không hiệu quả, gây hối tiếc.
Chuyển tư duy nông nghiệp từ thuần túy sản xuất số lượng sang làm kinh tế nông nghiệp là hướng đi cần thiết hiện nay. Để bền vững thì lời lỗ phải được tính cả về kinh tế, xã hội, môi trường chứ không thể mãi vắt kiệt đất đai, tài nguyên.
Tại hội nghị vào tháng 9, Thủ tướng nói “phải giữ được đất, nước, con người ĐBSCL thì mới gọi là thành công”. Theo ông, đất, nước, và người ĐBSCL bị đe dọa gì?
Nói ngắn gọn, đất bị mất do sạt lở bờ sông, bờ biển, bị lún với tốc độ nhanh gấp 10 lần nước biển dâng, và đất còn lại thì bị “rỗng ruột” dần tức không còn dinh dưỡng do bị vắt kiệt liên tục. Nước có nước ngọt, nước lợ, nước mặn từ nước sông Mekong, nước mưa, nước biển, nước ngầm.
Gần đây, do ảnh hưởng BĐKH, nước ngọt năm nhiều năm ít. Năm mưa ít, sông yếu thì nước mặn lấn sâu hơn.
Sông ngòi ô nhiễm đủ thứ, từ nước thải sinh hoạt, công nghiệp, thủy sản đổ thẳng vào sông ngòi, cũng như lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu từ nông nghiệp thâm canh.
Thêm vào đó, nhiều sông ngòi, kênh rạch bị tù đọng do công trình ngăn sông, tích lũy ô nhiễm. Trừ những dòng sông lớn, đa phần sông ngòi không còn ai bơi lội, dùng để ăn uống nữa, chuyển sang xài nước ngầm nên sụt lún đất. Nước ngầm cũng cạn kiệt nhanh.
Vùng nước biển ven bờ bị bỏ quên trong mọi quy hoạch phát triển nên phải gánh đủ thứ từ đất liền đưa ra.
Về người thì có hiện tượng người dân ĐBSCL bỏ đi nơi khác, tha phương cầu thực. Trong 20 năm gần đây, gần 2 triệu người đã đi khỏi vùng đất trù phú này.
Di cư từ nông thôn ra thành thị là tất yếu trong quá trình phát triển, nhưng với một vùng đất màu mỡ như ĐBSCL, dòng người phải đi nơi khác mưu sinh thì có vấn đề về phát triển. Nguyên nhân có thể gom lại thành ba nhóm: BĐKH, thủy điện Mekong và những vấn đề do tự mình gây ra.
BĐKH, nước biển dâng diễn ra dần dần có thể thích ứng được nếu chọn đúng cách; thủy điện làm mất phù sa, mất cát thì không có gì thay thế; nhưng nếu nội tại đồng bằng khỏe mạnh thì sẽ đỡ hơn nhiều và vẫn phát triển được.
Tầm nhìn đến năm 2100, ĐBSCL phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng |
Chính phủ cũng chủ trương sẽ có quy hoạch tổng thể, tích hợp cho ĐBSCL, ông nhận định ra sao về vấn đề này?
Quy hoạch tích hợp là kế hoạch phát triển dài hạn có sự tham gia của tất cả các ngành. Điều này là đúng đắn, bởi ĐBSCL giống như một cơ thể sống, các bộ phận liên hệ với nhau, can thiệp chỗ này ảnh hưởng chỗ khác.
Ngành giao thông quy hoạch riêng, thủy lợi riêng, sử dụng đất quy hoạch riêng, dẫn đến tình trạng đồng bằng có 2.500 bản quy hoạch, đá nhau lung tung.
Mỗi tỉnh lại theo đuổi mục tiêu riêng trong phạm vi của mình, không biết ảnh hưởng đến nơi khác. Như vậy tổng thể của toàn “cơ thể” đồng bằng khó mà khỏe khoắn được.
Nghị quyết lần này là sự chuyển hướng cần thiết, không thể chậm trễ hơn. Dĩ nhiên đó là ở tầm chiến lược, còn việc thực thi thì phải chờ thời gian trả lời.
Sự giằng co giữa các ngành do góc nhìn, mối quan tâm riêng, kể cả lợi ích cục bộ, thành tích ngành, vẫn có thể phá vỡ chiến lược chung. Nhưng đây là luồng gió mới trong tư duy phát triển ĐBSCL, rất đáng mừng.
Nếu làm được, ĐBSCL sẽ có sức chống chịu tốt hơn với những thách thức, có thể phát triển lên tầm cao hơn. Đất đai được duy trì, sông được chảy, văn hóa sông nước còn có nền đất, nước để tồn tại thì người đồng bằng sẽ không phải tha hương.
Vẫn sẽ có luồng di cư từ thành thị ra nông thôn, vẫn sẽ có người đến, người đi, nhưng sẽ không ồ ạt và không phải vì hoàn cảnh bắt buộc.
Thủ tướng: Không hoảng hốt trước biến đổi khí hậu tại ĐBSCL
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta không nên hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm phù hợp nhất, mang lại cuộc sống tốt hơn cho gần 20 triệu người.
Nuôi tôm chống hạn, mặn: Sướng anh, chết tôi
Việc lén bơm nước mặn vào ruộng để nuôi tôm ở Cà Mau thực ra đã diễn ra hơn 10 năm nay và trở thành “phong trào”.
Hút nước giữa khô mặn: Chưa hết khát, lo sụt đất
Dịch vụ cung cấp nước ngọt tại miền Tây chưa bao giờ “ăn nên làm ra” khi hạn, mặn vây bủa như bây giờ.
Trắng tay, ôm nợ vì lúa ngập mặn
Ở Sóc Trăng, bà con nông dân đang lâm cảnh trắng tay, nợ nần do hạn, mặn, lúa chết đến hàng nghìn ha.
Đói, khát trên vựa lúa mặn cháy
Vựa lúa ở ĐBSCL đang trổ bông thì bị nhiễm mặn khiến hạt lép hoàn toàn, giờ chỉ còn cắt đem cho vịt ăn.
Biến đổi khí hậu: Thời cơ ‘làm mới' cho chính ĐBSCL
TS. Hoàng Quốc Tuấn, chuyên gia nông nghiệp, nguyên Giám đốc Phân viện thiết kế và quy hoạch nông nghiệp khẳng định như vậy trong câu chuyện về biến đổi khí hậu (BĐKH) ở ĐBSCL.
Hoài Thanh