“Một bộ phận không nhỏ” tưởng chừng khó tìm, nay đã được “định danh”, với các nhân vật cụ thể như Thứ trưởng Cao Minh Quang và Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk Lữ Ngọc Cư.


Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ rõ: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…

“Một bộ phận không nhỏ” tưởng chừng như khó tìm, thì nay đã được “định danh”, được cụ thể hóa bằng các nhân vật cụ thể, trong đó có Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Lữ Ngọc Cư.

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang. Ảnh: VOV
Một thực tế, xung quanh những khuyết điểm, sai phạm của Thứ trưởng Cao Minh Quang đã từng tốn không ít giấy mực của báo giới cách đây từ nhiều tháng, tuy nhiên, những thông tin đó chưa đầy đủ, chưa tường minh và không phải là kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Chỉ đến khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thì những khuyết điểm, vi phạm của Thứ trưởng Cao Minh Quang mới được chỉ rõ.

Kết luận nêu rõ, Thứ trưởng Cao Minh Quang đã thiếu gương mẫu, vụ lợi khi vay tiền của cá nhân là lãnh đạo doanh nghiệp thuộc phạm vi phụ trách; phát ngôn, phản ánh không chính xác, thiếu thận trọng về một số vụ việc tại Bộ Y tế; nhận xét, đánh giá tùy tiện, không mang tính chất xây dựng đối với cán bộ cấp dưới; vi phạm Quy chế làm việc của cơ quan Bộ Y tế trong việc gửi kiến nghị Thủ tướng có nội dung trái với dự thảo Nghị định về quản lý thanh tra, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm khi đã được Bộ Y tế và Bộ Nội vụ thống nhất trình Chính phủ; khai nhận học vị tiến sĩ không đúng thực chất văn bằng được cấp theo chương trình đào tạo tại Thụy Điển, cũng như công văn số 965/SHĐ ngày 12/2/2001 xác định học vị tương đương tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Những việc làm trên của ông Cao Minh Quang đã vi phạm tiêu chuẩn đảng viên và Quy định về những điều đảng viên không được làm, gây ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ, làm cho uy tín của cá nhân đồng chí giảm sút. Và, việc Thứ trưởng Cao Minh Quang bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo như một điều tất yếu.

Trường hợp Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Lữ Ngọc Cư có nhiều khuyết điểm, vi phạm cũng được ghi rõ trong thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Cụ thể, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, ông Lữ Ngọc Cư đã có những khuyết điểm, vi phạm trong việc thực hiện Quy định số 51 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về nhiệm vụ và quan hệ công tác của thường trực tỉnh ủy, thành ủy, quy chế làm việc của tỉnh ủy và một số quy định của Chính phủ, của bộ, ngành Trung ương, thể hiện qua một số việc, trong đó có việc thiếu gương mẫu trong việc đứng tên vay ngân hàng với số tiền lớn, để vợ mua đi bán lại nhiều nhà đất, không báo cáo đầy đủ việc làm trên của vợ với tổ chức đảng, vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định: Những khuyết điểm, vi phạm ông Lữ Ngọc Cư là nghiêm trọng, gây thiệt hại về kinh tế và gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng... Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật ông bằng hình thức cảnh cáo.

Có thể nói, việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, kết luận và xử lý những khuyết điểm, vi phạm của hai cán bộ lãnh đạo làmột minh chứng thể hiện sự quyết tâm của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Động thái này đã xóa đi quan niệm của nhiều người lâu nay cho rằng, việc kiểm tra, kỷ luật cán bộ cao cấp có sai phạm thường chỉ diễn ra trước các kỳ Đại hội, hoặc các kỳ bầu cử.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng đã nói: “Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải tự giác, gương mẫu làm trước (ngay sau Hội nghị này, không phải chờ gì cả) tự kiểm điểm, soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình”... “Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng”.

Để Nghị quyết thiết thực đi vào cuộc sống, từng cấp ủy, cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử nên thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời. Trong đó, cần nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái; đấu tranh mạnh mẽ chống tham nhũng, hư hỏng, tiêu cực; có cơ chế rõ ràng để bảo vệ người tố cáo đúng hành vi tham nhũng; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Vẫn biết công tác tự phê bình và phê bình, công tác đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng của đồng chí, đồng đội mình là vô cùng khó khăn, nhạy cảm và phức tạp. Tuy nhiên, khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Nhân việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, kết luận và kỷ luật Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Lữ Ngọc Cư, người dân mong muốn Ðảng tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Ðảng. Nhân dân cho rằng, công tác kiểm tra và kỷ luật sẽ tạo sức mạnh của Đảng; kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo của Ðảng, lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo. Cùng với đó, cần tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý cán bộ, đảng viên; tăng cường phối hợp công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán của các cơ quan chức năng nhằm phát hiện ra “những sâu mọt” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Hạnh Nguyên