- Đến sáng nay, tuyến tỉnh lộ 640 qua địa bàn xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước vẫn còn ngập sâu trong nước. Đã có 4 người chết, 3 người bị thương trong đợt mưa lũ này.
|
Nước ngập sâu, người dân phải qua bằng xe tải |
Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định, đến sáng nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 người chết và 3 người bị thương.
Mưa lớn kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về trong 2 ngày qua đã làm cho hàng ngàn nhà dân, cũng như vườn cây, gia cầm ở các huyện Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước, TX An Nhơn chìm trong nước lũ, nhiều vùng bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn.
Nạn nhân thiệt mạng trong mưa lũ: Phan Hồng Kiệt (SN 1984, ở thôn Hưng Nhượng, xã An Hòa, An Lão); Trần Thị Lệ Thủy (SN 2001, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn); Võ Sượt (SN 1968, ở thôn Tân Thành 1, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) và Nguyễn Thị Hoa (SN 1973, ở thôn Vĩnh Thành, xã Cát Tài, huyện Phù Cát). |
Theo thống kê, mưa lũ đã làm gần 4.000 ngôi nhà, 1.850 giếng nước, hơn 8.000ha lúa vụ Đông Xuân bị ngập; 730 ha hoa màu bị thiệt hại; 206 ha ruộng bị sa bồi.
Lũ cũng làm 7km, 3.800m3 kênh mương bị sạt lở, bồi lấp, 128 đập tạm, đập bổi bị nước cuốn trôi; 150m đập thủy lợi bị sạt lở,…
Dư luận tại địa phương nghi vấn, nguyên nhân là do hồ chứa nước Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh) xả lũ.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, cho biết, những ngày qua, lượng mưa trên địa bàn tỉnh rất lớn, trung bình 230mm, song các hồ chứa, trong đó có hồ Định Bình đều tuân thủ, thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
"Tôi cam đoan, không có hồ chứa nước nào xả lũ về hạ du", ông Hổ khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định cũng cho biết, việc ngập lụt ở hạ du có nhiều nguyên nhân chứ không phải do hồ Định Bình xả lũ.
"Những ngày có mưa lớn, lưu lượng nước đến hồ quá lớn, nên tự tràn qua cửa. Để kiểm soát, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xả lũ, chúng tôi cử lực lượng theo dõi, điều tiết theo đúng quy trình được cấp trên phê duyệt”.
Tại Hội nghị trực tuyến 18 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ do Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT&TKCN tổ chức ngày 2/12 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Bình Định Trần Châu cho biết, đợt lũ xảy ra từ ngày 29/11 đến 2/12 với lượng nước rất lớn đã gây ngập, chia cắt nhiều địa phương. Hiện nhiều khu vực vẫn đang còn ngập chìm trong lũ.
Trước tình hình này, tỉnh đã và đang chỉ đạo quyết liệt các địa phương thực hiện tốt công tác ứng phó, tập trung khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, sớm ổn định cuộc sống người dân. Ông Châu cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả mưa lũ.
Tại "thủ phủ" Mai Vàng ở TX An Nhơn, chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết, những người trồng mai chật vật tìm đủ mọi cách dìu những cây mai vào bờ.
Chật vật dìu những cây mai thoát khỏi nước lũ. |
Tại huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, con đường độc đạo nối trung tâm xã Hành Dũng với thôn Kim Thành bị nước lũ chia cắt khiến hơn 350 hộ dân không thể đi lại được. Chính quyền xã Hành Dũng phải cắm biển cảnh báo người dân và cho người túc trực tại đoạn ngập sâu để ngăn không cho ai qua lại.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn TƯ, ngày 2/12, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận đã có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa 24h qua (tính đến 7h ngày 2/12) phổ biến 40-80mm; riêng Quảng Nam đến Bình Định có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 70-120mm.
Tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), do biển động bị cô lập dài ngày với đất liền nên hàng hóa không chuyển được ra đảo.
Còn tại xã đảo An Bình, gần 10 ngày nay bị cô lập với đảo lớn, nguồn lương thực, thực phẩm cung cấp cho người dân đang có nguy cơ cạn kiệt... Biển động mạnh, kéo dài khiến cho việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của hành khách gặp nhiều khó khăn. Ngoài hành khách bị mắc kẹt tại 2 đầu bến Lý Sơn và Sa Kỳ, hàng trăm tấn hàng hóa thiết yếu từ đất liền chở ra đảo được vận chuyển xuống các tàu chở hàng để kịp thời chuyển ra đảo khi biển êm trở lại phục vụ người dân địa phương. Nguyễn Hoàng |
Huyền Trang - Đ.Bảo