- Trước khi lên phường, Hoàng Liệt là xã thuần nông với khoảng 4.500 hộ (gần 14.000 người). Nhưng trong 5 năm qua, do chung cư mọc lên rầm rộ nên dân số của phường tăng đột biến.

LTS: Nhiều khu vực ở ngay trung tâm Hà Nội cho phép nhà cao tầng mọc lên san sát với mật độ xây dựng rất cao. Hạ tầng không theo kịp tốc độ xây dựng khiến toàn bộ dịch vụ thiết yếu như giao thông, trường học, bệnh viện, hành chính, an ninh trật tự quá tải trầm trọng, làm phát sinh nhiều vấn đề bức bối trong đời sống đô thị. Hà Nội sẽ giải quyết bài toán ‘quá tải từ A đến Z’ như thế nào?

Dân số tăng “không phanh”

Phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) được đánh giá là địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao bậc nhất Hà Nội trong khoảng chục năm trở lại đây với một loạt công trình lớn thi nhau mọc lên như nhà ở, văn phòng.

{keywords}
Mật độ dày đặc khiến cơ sở hạ tầng phường Hoàng Liệt quá tải khủng khiếp. Ảnh: Đình Vũ

Ông Nguyễn Thế Hùng, Bí thư phường Hoàng Liệt cho biết gia tăng cơ học về dân số với tốc độ chóng mặt khiến bộ máy hành chính của phường lúc nào cũng quá tải, cán bộ phường phải làm việc với cường độ cao gấp mấy lần bình thường.

Trước khi lên phường, Hoàng Liệt là xã thuần nông với khoảng 4.500 hộ (gần 14.000 người). Nhưng trong 5 năm qua, do chung cư mọc lên rầm rộ nên dân số của phường Hoàng Liệt tăng đột biến với khoảng 8.500 hộ, tổng dân số tăng gần gấp 5 lần (32.000 người).

Đáng chú ý là tốc độ tăng dân số sẽ không có dấu hiệu dừng lại. Đến hết 2017, Hoàng Liệt sẽ nhận thêm 12.000 căn hộ và hàng ngàn lô thấp tầng. Dự báo, dân số của phường này sẽ tăng 200% (với khoảng 20.000 hộ, tương ứng 80.000 dân).

Với 25 cán bộ (biên chế) của bộ máy chính quyền cấp phường, ông Hùng đã nhìn rõ tương lai 2 năm tới, khi dân số “nở” ra khoảng 8 vạn dân thì bình quân một cán bộ phường phải phụ trách tới 3.200 dân - một áp lực khủng khiếp.

Mật độ đô thị dày đặc và gia tăng dân số cơ học chóng mặt khiến hạ tầng cơ sở của phường Hoàng Liệt phải chịu áp lực quá lớn. Theo ông Hùng, thời điểm hiện tại cả phường có 2 trường mầm non công lập, 2 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở trong khi tổng số các cháu ở các độ tuổi đi học kể trên khoảng gần 10.000 cháu.

“Hạ tầng giao thông, các công trình phúc lợi không theo kịp sự phát triển dân số. Trường học, sân chơi, đặc biệt hệ thống các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thiếu nghiêm trọng. Quy hoạch thì có nhưng triển khai không song trùng với quy hoạch chung cư” - Bí thư phường Hoàng Liệt cho biết.

Dân tăng chóng mặt, hạ tầng đứng im

Quận Hai Bà Trưng cũng có tốc độ đô thị hóa chóng mặt.

Với tổng diện tích 1,63km2, trong vòng 8 năm, dân số một phường phía nam quận Hai Bà Trưng đã tăng thêm hơn 7.000 người. Từ 31.915 dân năm 2008, nay đã là 39.253.

Chủ tịch phường cho biết, số liệu hơn 3,9 vạn dân chỉ trên giấy tờ, còn số dân thực tế phải hơn 4 vạn do trên địa bàn có nhiều nhà trọ cho thuê chưa đăng ký hết tạm trú, tạm vắng. Dù dân số khá đông nhưng trên địa bàn phường chưa có công viên, điểm vui chơi ngoài khu giải trí trong khu đô thị hiện đại này.

{keywords}
Dân số phường Vĩnh Tuy hiện xấp xỉ 4 vạn nhưng chỉ có 3 trường tiểu học, 2 trường THCS, 1 trường THPT. Hệ thống trường ngoài công lập đang phát triển đã gánh đỡ một phần cho nhu cầu học tập của trẻ trên địa bàn. Ảnh: Đình Vũ

Chủ tịch phường cho biết, trên địa bàn có 3 điểm nóng thường xuyên ùn tắc. Thành phố đã chốt phương án mở rộng đường Minh Khai thêm 1 làn, phần giải phóng mặt bằng đang được triển khai, nếu đúng tiến độ đến cuối 2016 sẽ hoàn thành.

Tình trạng ùn tắc liên tiếp tại các điểm nút thắt khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Phường đã chỉ đạo 100% lực lượng công an phường thường trực có mặt tại 3 điểm nóng trên vào thời điểm từ 6h30-8h30 và 16h-18h30 hàng ngày để hỗ trợ phân luồng. Sau khi triển khai, tình trạng ùn tắc có phần nào giảm, nhưng chưa bao giờ được thông thoáng như kỳ vọng.

Về hệ thống trường học, phường hiện có 3 trường tiểu học, 2 trường THCS, 1 trường THPT, ngoài ra còn có 2 trường ĐH gồm ĐH Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp và ĐH Quản trị kinh doanh với số lượng sinh viên trên 6.000 người - yếu tố không nhỏ gây thêm ùn tắc.

Vì áp lực hạ tầng đô thị, từ hai năm nay, phường đã đề nghị tách thành hai phường nhưng chưa được chấp thuận.

Trắng trường, thiếu trạm, dân khốn khổ

Các khu đô thị mới của Hà Nội tập trung một lượng lớn các gia đình trẻ. Ngoài việc khó khăn khi xin học cho con cái do ít trường học, nhiều hộ gia đình phản ánh họ còn gặp khó khăn trong công tác y tế, tiêm chủng, …

Chị Nhung - cư dân khu HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt) - cho biết mỗi lần con ốm đều phải đi lên tận Bệnh viện Bạch Mai. Dân cư ở tập trung rất đông nhưng cơ sở y tế tốt không có. “Xác định đây là nơi an cư nhưng chưa thể yên tâm với cuộc sống còn thiếu thốn nhiều dịch vụ thiết yếu đảm bảo chất lượng” - chị Nhung chia sẻ.

Chị Ngân ở phường Thượng Đình (Thanh Xuân) cũng khốn khổ không kém. Dân cư tăng nhanh chóng mặt nhưng trạm y tế phường vẫn là căn phòng 50m2. Mỗi đợt tiêm chủng là vất vả vì chờ đợi (dù đã có giấy hẹn). Nếu ra khám thì cơ sở vật chất thô sơ, cán bộ y tế thiếu kinh nghiệm, chị toàn phải ôm con lên BV Nhi TƯ dù xa xôi, quá tải.

“Nhất là dịp cuối tuần, muốn cho con đi chơi công viên phải lên tận Cầu Giấy. Ngay cả những điểm vui chơi công cộng như vậy cuối tuần cũng quá tải trầm trọng, người người khắp nơi đổ về. Thủ đô phát triển nhanh chóng nhưng còn thiếu nhiều thứ lắm” - chị than thở.

Đình Vũ

Kiên Trung - Thúy Hạnh

Bài 2: Xây đến đâu, tắc đến đó