- Dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Mặt trận Liên Việt, ông Nguyễn Cảnh kể chuyện ông Trường Chinh đã đồng ý sửa một câu trong Chính cương Mặt trận...

Ông Tạ Quang Chiến (87 tuổi), một trong 4 người vinh dự được Bác Hồ đặt tên và cũng là người 60 năm trước tháp tùng Người đến dự Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt để thành lập Mặt trận Liên Việt, chia sẻ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng, cũng là người sáng lập Mặt trận. Bác coi Đảng và Mặt trận như hình với bóng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước".

Ông Tạ Quang Chiến
"Khi sáng lập Việt Minh, Bác Hồ đã nhấn mạnh đoàn kết toàn dân, bất kể giai cấp, tôn giáo, quá khứ, chỉ cần có lòng yêu nước đều có thể tập hợp nhau lại", ông Chiến kể.

Trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, dù bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ vẫn tham dự đầy đủ các cuộc họp của Mặt trận và đóng góp những ý kiến quan trọng. Bác Hồ được suy tôn là Chủ tịch danh dự của Mặt trận.

Ông Nguyễn Cảnh - thư ký riêng của ông Hoàng Quốc Việt (ủy viên thường vụ Trung ương Đảng, Trưởng Ban dân vận kiêm Bí thư Đảng đoàn Mặt trận) cũng vinh dự được tham dự Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt 60 năm trước. Ông chia sẻ câu chuyện về một vị lãnh tụ đáng kính khác với Mặt trận.

"Chính cương của Mặt trận có một câu quan trọng: 'Thực hành phê bình và tự phê bình, chống tham ô, lãng phí, quan liêu'. Khi lên dự thảo Chính cương này, đồng chí Trường Chinh đã cùng anh em làm suốt để sớm có bản tóm tắt 10 điều ghi nhớ của hội viên Liên Việt, trong đó điều 8 ban đầu được viết là 'Chống tham ô, lãng phí, quan liêu, thực hành phê bình và tự phê bình'. Bản tóm tắt này được in ngay lên báo Cứu quốc để phổ biến cho nhân dân", ông Cảnh kể.

Ông Nguyễn Cảnh
"Một giáo viên ở Tuyên Quang đọc xong đã lập tức viết thư góp ý là điều 8 không ổn về văn phạm, viết như vậy có thể bị hiểu là 'chống cả việc thực hành phê bình và tự phê bình'. Tôi nhận được thư đã báo cáo ngay với đồng chí Trường Chinh, người trực tiếp thảo và thông qua Chính cương. Đồng chí đồng ý với cách sửa của tôi là đảo vế thực hành lên trên, nghĩa là 'thực hành cả việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu'".

"Người lãnh đạo cao nhất ấy đã sâu sát, lắng nghe và sửa sai như vậy đấy", ông Cảnh nói.

Hai vị lão thành đều bày tỏ niềm tin đối với Mặt trận. Ông Tạ Quang Chiến nói: "Mặt trận Tổ quốc là tiếng gọi thiêng liêng của đất nước, non sông, cội nguồn, quy tụ mọi đồng bào, nên Mặt trận Tổ quốc là một cái tên rất hấp dẫn. Nhiệm vụ của những người làm công tác Mặt trận là làm sao củng cố và nâng cao chất lượng của Mặt trận, thực sự thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài hướng về Tổ quốc".

Lễ kỷ niệm 60 năm sau ngày thành lập Mặt trận Liên Việt (3/3/1951 - 3/3/2011) đã được tổ chức ở Hà Nội hôm nay (3/3).
Ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - tổ chức kế tục Mặt trận Liên Việt, khẳng định quyết tâm "phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, đoàn kết mọi người Việt Nam trong và ngoài nước, tạo thành sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc".


Thủy Chung - Ảnh: Hoàng Long