- “Nếu nhà máy này còn thải mùi hôi vài tháng nữa thôi thì không thể hoạt động được nữa… vì gây tổn hại đến người dân”, Cục trưởng cục Môi trường miền Nam (Bộ TN&MT) khẳng định.
XEM VIDEO:
Chiều nay, tại UBND thị trấn Mái Dầm (huyện Châu Thành, Hậu Giang) đã diễn ra buổi đối thoại trực tiếp giữa ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, nhà máy giấy Lee&Man và người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ông Trần Phong phát biểu tại buổi tiếp xúc với người dân |
Tại đây, Cục trưởng cục Môi trường miền Nam (Bộ TN&MT) Trần Phong cho biết, sau khi báo chí phản ánh ông đã có mặt tại hiện trường.
“Tôi chia sẻ với người dân bức xúc về mùi hôi. Thời điểm tôi đi ghi nhận thấy nơi có mùi hôi, nơi không, và đúng như bà con phản ánh mùi hôi như mùi hầm cầu”, ông Trần Phong nói và cho biết đã làm việc với nhà máy giấy Lee&Man và yêu cầu cung cấp toàn bộ về thông tin vận hành.
Vẫn lời ông Trần Phong, nhà máy đã vận hành được 3 tuần và có một số khâu chưa ổn định.
Xác định 4 khu vực phát sinh mùi hôi
“Vấn đề lớn nhất mọi người đang quan tâm là mùi hôi. Trong nhà máy, có 4 khu vực phát sinh mùi hôi. Thứ nhất là nơi thu bùn về để đưa từ hệ thống xử lý nước thải ra hệ thống ép bùn. Thứ hai là nơi ép bùn, đóng bánh rớt xuống thành bùn khô. Thứ ba, từ hệ thống hiếu khí và thứ tư có thể khu vực đốt khí metan, khí dư”, ông Phong phân tích.
Theo ông Phong, 4 khu vực này đã được tổ giám sát rà soát rất kỹ và công ty đã lên phương án khắc phục.
Cụ thể, khu vực bùn phát sinh mùi hôi, sau khi phân tích nếu đạt yêu cầu không có chất thải nguy hại thì sẽ tiến hành đốt trong nhà máy nhiệt điện. Tiến độ thực hiện là khoảng 10 ngày tới sẽ chấm dứt, xử lý triệt để khối bùn này.
Mùi hôi ở ba nơi còn lại, công ty đã khắc phục bằng cách cô lập các khu vực có khả năng sinh mùi bằng các hệ thống nhà kín, hệ thống xử lý ôzôn.
“Chúng tôi còn yêu cầu làm kỹ hơn, không chỉ hệ thống ôzôn, mà mở rộng ra xử lý bằng than hoạt tính và lắp đặt thêm tháp khử mùi mua từ nước ngoài. Dự kiến chậm nhất ngày 5/5 sẽ lắp đặt xong toàn bộ. Theo cam kết, sau khi lắp đặt xong, mùi sẽ giảm được 100%”, ông Phong khẳng định.
Cũng theo ông Phong, trong quá trình vận hành thử nghiệm có thể xảy ra 1 số biến động mà khi thiết kế chưa ai lường trước được.
“Vấn đề quan trọng là khi phát hiện phải xác định đúng “bệnh” và được giám sát chặt chẽ. Không ai mong muốn rủi ro môi trường xảy ra. Chúng tôi yêu cầu công ty thực hiện đúng những cam kết khi được cấp phép vận hành thử nghiệm.
Khi vận hành thử nghiệm có trở ngại phải giải quyết ngay, không để tồn đọng. Điều đó không thể chấp nhận về mặt pháp luật, về mặt nhân văn đối với người dân.
Báo chí lo lắng cho người dân, chúng tôi còn lo nhiều hơn. Vì chúng tôi lo là tìm giải pháp đúng chứ không phải là lời nói. Nếu nhà máy này còn thải mùi hôi vài tháng nữa thôi thì không thể hoạt động được. Không ai cho phép hoạt động nữa”, ông Phong nói rõ.
Phải trả giá nếu bỏ qua cơ hội tự khắc phục
Bà Huỳnh Thị Bích Thuỷ |
Tại buổi đối thoại, bà Huỳnh Thị Bích Thuỷ nêu thắc mắc, khoảng cách từ nhà máy đến khu dân cư có an toàn chưa, nếu quá gần có ảnh hưởng đến cuộc sống ở đây hay không?
Ông Trần Phong giải đáp, khi nhà máy hoạt động, bắt buộc có cam kết trong quá trình vận hành như: chất thải, tiếng ồn…phải đạt quy chuẩn.
“Tất nhiên khi rủi ro xảy ra thì những người ở gần sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên. Hoạt động của nhà máy cho đến nay, phương án rủi ro như cháy nổ, hoá chất, tràn dầu… đều đã được thiết lập và được các cấp thẩm quyền phê duyệt. Nếu nhà máy kiểm soát tốt sẽ giảm tối thiểu rủi ro”, ông Phong nói.
Bà Kim Tiến nói có cảm giác say rượu khi ngửi thấy mùi hôi từ nhà máy giấy |
Bà Kim Tiến phản ánh, mỗi buổi sáng mở cửa ra để đi làm bà không uống rượu nhưng vẫn bị say.
“Ban đêm ngủ mùi hôi từ nhà máy bay sang làm cho người cảm giác lâng lâng rất khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ" - bà Tiến cho biết.
Trước câu hỏi của PV, nếu nhà máy giấy này tiếp tục xảy ra sự cố thì có đóng cửa hay không, ông Trần Phong cho biết, con đường đóng cửa là không ai mong muốn vì họ đầu tư rất nhiều. Bản thân họ phải tự lo mình. Chính vì vậy họ phải hình dung pháp luật Việt Nam quy định rất chặt chẽ.
"Qua những vụ việc về môi trường thì Bộ TN&MT đã thực hiện giám sát và yêu cầu rất nghiêm ngặt. Những ai tự bỏ qua những cơ hội để tự khắc phục việc mình làm sai thì phải trả giá”, ông Trần Phong khẳng định.
Ông Tống Hoàng Khôi – Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cũng đề nghị, công ty phải thực hiện tốt cam kết đưa ra và lộ trình khắc phục xử lý mùi hôi. Đồng thời cam kết, tổ giám sát sẽ tiếp tục giám sát kỹ qúa trình vận hành của nhà máy để đảm bảo không bị ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân.
|
Trùm nilông ngủ vì ô nhiễm nhà máy giấy
Người dân xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang điêu đứng vì phải chịu đựng ô nhiễm không khí.
Phát hiện bể chứa bùn thải hôi khủng khiếp ở nhà máy giấy Lee&Man
Bà Thủy mục sở thị bên trong nhà máy giấy đã sốc nặng vì phát hiện bể chứa bùn thải có mùi hôi gấp chục lần mùi hôi bay qua phía khu dân cư.
Hoài Thanh