- Tại hội nghị Thượng đỉnh Mekong - Nhật Bản sáng nay (4/7), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố nước này sẽ viện trợ 750 tỷ yên (tương đương 6,1 tỷ USD) cho các nước tiểu vùng Mekong trong vòng 3 năm tới.

Với mức cam kết này, ODA của Nhật dành cho 5 nước Mekong đã tăng 25% so với giai đoạn trước. Quan chức Nhật Bản cho hay, khoản viện trợ này nhằm giúp các nước tiểu vùng Mekong thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước còn lại trong ASEAN.

  {keywords}

Nguồn ảnh AP

Cũng tại hội nghị này, lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản đã thông qua chiến lược phát triển mới trong 3 năm tới, nhằm khai phóng tăng trưởng chất lượng và thúc đẩy kết nối tại khu vực đang phát triển nhanh chóng này.

Theo Chiến lược Tokyo mới 2015, ông Abe và các nhà lãnh đạo tiểu vùng Mekong cho rằng khu vực này có tiềm năng để trở thành một “trung tâm tăng trưởng của toàn cầu”, nhờ vị trí chiến lược tiếp giáp với các thị trường châu Á lớn như TQ và Ấn Độ.

Tuy nhiên, để đạt được trình độ “tăng trưởng có chất lượng”, các nhà lãnh đạo thống nhất đã đến lúc phải “đáp ứng nhu cầu khổng lồ về đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở khu vực”.

Chỉ tính riêng Việt Nam, theo Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, mỗi năm Việt Nam cần tới 16-17 tỷ USD cho phát triển kết cấu hạ tầng, trong khi nguồn ngân sách chỉ đáp ứng được 50-60%.

Quan chức Nhật Bản cho hay, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực Mekong sử dụng nguồn viện trợ của Nhật sẽ sử dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tập trung vào nâng cao năng lực của đối tác, trong một nỗ lực để Nhật trở nên khác biệt so với nguồn viện trợ của Trung Quốc, vốn hay bị gán mác “chất lượng thấp”.

Chiến lược mới của ông Abe nằm trong kế hoạch tài trợ 110 tỷ USD cho châu Á trong vòng 5 năm tới để phát triển cơ sở hạ tầng. Sáng kiến của Thủ tướng Nhật được đưa ra hồi tháng 5 trong bối cảnh TQ đã mời gọi được nhiều quốc gia, trong đó có các đồng minh quan trọng của Mỹ, tham gia thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB). Bắc Kinh đã cam kết đóng góp ngay 100 tỷ USD khi AIIB được thành lập, một động thái được xem là nhằm gạt ra lề Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mà Nhật Bản đóng vai trò chi phối.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật nhận xét, hầu hết các nước dọc lưu vực sông Mekong đang bị tụt hậu so với các nước khác trong khu vực, biến nơi này trở thành một tron những khu vực ưu tiên thực thi sáng kiến của Thủ tướng Shinzo Abe.

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar lần lượt là 2,073 USD; 1,628 USD; 1,018 USD; 1,103 USD trong khi mức thu nhập bình quân của các nước ASEAN còn lại là 3,839 USD.

Việt Lâm (từ Tokyo, Nhật Bản)