- Ngã ba Đồng Lộc anh
hùng (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) được biết đến như một trong những biểu tượng sáng
ngời cho sự chiến thắng của chính nghĩa trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ
xâm lược. Biểu tượng cho sự tàn khốc ác liệt của chiến tranh khi mỗi mét đất nơi
đây phải hứng chịu tới 4 quả bom.
Nhưng vẫn còn một Đồng Lộc khác, bấy lâu dường như bị quên lãng. Đó là sự đóng
góp vô cùng to lớn của những người dân nơi đây, là sự mát mát, hy sinh thầm lặng
của những gia đình trong chiến tranh.
Có những gia đình có 8 người thì bị bom thả chết mất 7 người, có gia đình thì
chẳng còn ai sau trận bom càn quét. Đó là cái chết oan nghiệt của 9 em học sinh
trong một lớp học, đó là những ngày giỗ chung của cả làng…
“Ở Đồng Lộc và khu vực lân cận, những lần giỗ chung như thế nhiều lắm. Họ chẳng
phải là liệt sỹ, cũng không phải là thương binh. Họ chỉ là những người dân yêu
nước. Sự hy sinh, đóng góp của những người như thế nơi đây trong chiến tranh là
rất lớn với tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc", ông Võ Thúc Đồng, Phó Bí
thư thường trực huyện Can Lộc tâm sự.
Giỗ tập thể
Những ngày cuối tháng 7, không khí thiêng liêng ở Ngã Ba Đồng Lôc thêm phẩn
nghiêm trang vì người dân nơi đây sắp kỷ niệm 43 năm ngày mất của 10 nữ Thanh
niên xung phong anh hùng.
|
Để góp phần vào chiến thắng của sự kiện Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại không chỉ có sự hy sinh của lực lượng chính quy, mà to lớn hơn, đó là sự đóng góp lớn lao của nhân dân và lực lượng dân quân du kích Đồng Lộc và các xã lân cận. |
Dưới cái nắng như đổ lửa, từng cơn gió Lào khô khốc liên tục thổi về làm nóng
ran khắp ruộng đồng, từng con đường nhưng vẫn không làm nản lòng những bước chân
của du khách thập phương đến viếng. Từng đoàn người vẫn nghiêm trang đứng xếp
hàng để chờ thắp hương ở khu đài tưởng niệm.
Chúng tôi cũng đến Đồng Lộc trong những ngày này, và được nghe những câu chuyện
khác về một Đồng Lộc anh hùng, ngoài chuyện 10 nữ TNXP. Ở Đồng Lộc, ngoài ngày
giỗ tập thể của 10 cô gái, mỗi năm như thế còn rất nhiều lần giỗ tập thể khác.
Đó là những ngày kỷ niệm những cái chết tập thể của người dân trong bom đạn.
Ông Lợi, Chủ tịch UBDN xã Đồng Lộc chia sẻ, cứ đến những ngày như thế, kẻ đi
ngược gặp người về xuôi, trên tay ai cũng cầm thẻ hương, chai rượu hoặc nải
chuối đi giỗ.
|
Ông Phan Thanh Tùng (bìa phải) mất 7 người thân trong chiến tranh đang cùng với lãnh đạo xã Đồng Lộc xem lại danh sách những người dân tử nạn trong chiến tranh. |
Nhất là trong tháng 3 âm lịch, chỉ trong hai ngày 17 và 20/3 đã có gần 30 giỗ,
tưởng nhớ ngày mất của gần 30 người dân bị bom Mỹ ném chết, trong đó có 9 em học
sinh.
Tại xã Xuân Lộc cũng vậy. Người dân nơi đây vẫn ghi nhớ mãi sự kiện ngày
29/5/1968, khi trận bom càn quét của không quân Mỹ đã giết chết hơn 20 dân
thường vô tội. Cứ đến ngày này mỗi năm thì các xóm Mai Phượng, Mai Hoa, Mai Long
lại tổ chức giỗ chung cho hơn 20 nạn nhân tử nạn trong trận bom kinh hoàng đó.
Ông Nguyễn Hữu Thống năm nay đã 84. Mặc dù đôi mắt không còn được sáng nữa nhưng
trí nhớ vẫn còn minh mẫn. Ông vẫn nhớ như in sự kiện đó: “Sáng hôm đó, mọi người
trong làng đang sinh hoạt bình thường thì thấy máy bay Mỹ ném bom bi rải từ Hợp
tác xã Mai Long, rải dài qua Mai Phượng. Nhà cửa cháy sạch, trên đường làng,
những con bò cũng bị bom nổ tan xác. Thảm cảnh hơn là cái chết của hơn 20 người
dân. Có những gia đình bị bom nổ chết cả nhà”.
“Người chết nằm la liệt khắp các con đường. Lực lượng dân quân lúc đó đã mất một
ngày mới gom góp hết thi thể các nạn nhân rồi bọc tạm vào lá tro, đưa đi chôn.
Sau trận bom đó, cả làng phải sơ tán đi chỗ khác, ruộng nương phải bỏ hoang tới
3 mùa mới làm lại được”, ông Thống nhớ lại.
Nỗi đau âm ỉ từ chiến tranh
Người dân Đồng Lộc và các xã lân cận “yết hầu mạch máu giao thông” đã hứng chịu
nhiều sự hy sinh, mất mát từ chiến tranh. Có những gia đình vĩnh viễn chẳng còn
ai sống sót, cũng có những gia đình 8 người thì chết đến 7 sau một trận bom….
Những sự mất mát như thể không thể kể hết.
|
Anh Thuận bên 6 ngôi mộ của bố mẹ và các anh chị em bị chết trong trận bom vào kinh hoàng năm 1968. |
Người dân xóm Đồng Lộc không ai
không biết đến người đàn ông tên Phan Thanh Tùng. Dường như ông là người đại
diện cho nỗi đau của những người có người thân bị bom Mỹ giết chết. Trận bom
kinh hoàng năm 1968 đã giết chết 7 người trong gia đình ông.
Từ khi trưởng thành, hàng năm cứ vào ngày 17/7 âm lịch, ông lại tổ chức giỗ cho
7 người trong gia đình mình gồm ông bà nội, hai bà cô và 4 người anh chị em.
Ông còn nhớ như in ngày định mệnh đó. Buổi trưa ngày 17/7/1868, sau khi máy bay
Mỹ tập trung đánh phá cầu Tùng Cóc thì bị bộ đội pháo cao xạ 210 đánh đuổi nên
“nó” vòng xuống vùng dân dưới xóm Trường Thành.
|
Nhân dân Đồng Lộc đang cùng với lực lượng TNXP, dân công hoả tuyến san lại đường ở Ngã ba Đồng Lộc sau những trận bom - (Ảnh tư liệu) |
Quả bom oan nghiệt đã rơi thẳng xuống hầm trú ẩn của gia đình ông Tùng. Lúc này
ông Tùng đang đi rừng cùng bố nên may mắn thoát chết. Thấy bom ném về phía gia
đình mình, bố con ông đã chạy thục mạng. Nhưng rồi cảnh tượng hãi hùng hiện ra
trước mắt. Nhà cửa cháy tan hoang, trên nền nhà, thi thể đứa em gái 4 tuổi tên
Phan Thị Minh đang được đắp chiếu. 5 người còn lại đã được dân quân thu lượm xác
và đưa đi cấp táng.
Nỗi đau đến với gia đình ông như không thể chịu đựng được khi một lúc mất đi 6
người thân. Nén đau thương, ông lại cùng với đứa em út còn sống sót sơ tán vào
bãi đá Rú Nen ở Vĩnh Lộc. Nhưng rồi cũng chẳng yên thân, bom Mỹ lại một lần nữa
cướp người em còn lại của ông Tùng.
Giờ thì ông Tùng đã có con cháu đề huề, nỗi đau do chiến tranh mang lại ông cũng
không muốn nhắc nữa. Nhưng ông vẫn có một tâm nguyện, làm sao những trận thảm
sát bằng bom đạn thời chiến tranh được ghi lại, những nỗi đau mất người thân như
gia đình ông được thế hệ sau này biết đến.
Không may mắn như ông Tùng, anh Phan Khắc Thuận (xóm Mai Hoa, xã Xuân Lộc),
người sống sót duy nhất sau trận bom giết chết cả nhà vào năm 1968. Đến bây giờ,
chứng tích tàn khốc của chiến tranh vẫn hằn in trên thân thể anh. Hơn 20 mảnh
đạn đã được gắp ra khỏi người anh sau trận bom đó.
“Đó là một buổi trưa ngày 25/2/1968. Mẹ tôi vừa nấu xong nồi khoai, gọi cả nhà
về ăn. Mang được 3 củ khoai đùm vào áo, tôi liền chạy ra sau vườn, gọi đứa bạn
trong xóm ăn cùng. Ăn hết khoai, người bạn lại chạy vào lấy thì bỗng nhiên máy
bay Mỹ đến. Sau tiếng nổ là những tiếng kêu thất thanh. Rồi tôi ngất lịm...”,
anh Thuận kể lại.
Hàng chục mảnh bom găm vào người anh Thuận đã được y bác sỹ gắp ra. Sau 13 ngày
nằm mê man, anh Thuận mới tỉnh lại. Mặc dù mọi người cố tình giấu nhưng rồi anh
cũng biết được, 6 người thân gồm bố mẹ và 4 anh chị em trong gia đình anh đã tử
nạn sau trận bom đó.
Mất hết người thân, anh Thuận cũng hiểu được là do chiến tranh, cùng chung nỗi
đau với người dân lúc bấy giờ. Anh đã cố gắng để xây dựng lại gia đình, nhưng
rồi đến nay, điều làm anh đau khổ là vẫn chưa tìm được người nối dõi tông đường
khi gia đình chỉ còn mình anh. Mà năm nay anh cũng đã bước qua tuổi 50.
-
Duy Tuấn
(còn nữa)