- Đó là trường hợp cặp vợ chồng được ra trại trong cùng một ngày hay cậu thiếu niên mới 17 tuổi trong số 730 phạm nhân được cầm trên tay quyết định đặc xá…Họ đều là những người “trở về” với quyết tâm làm lại cuộc đời. 

Bạc tóc mới…“làm lại cuộc đời”

Đây là trường hợp vợ chồng duy nhất được hưởng chính sách đặc xá trong dịp 2/9 năm nay ở trại giam Thủ Đức. Ông tên Nguyễn Văn Thành (SN 1968), còn bà là Trần Thị Rết (SN 1964, cùng ngụ TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), đều chịu án 8 năm tù về tội “mua bán trái phép chất ma túy”.

Thời điểm gặp chúng tôi, cặp vợ chồng này đã thụ án được 4 năm, 8 tháng 5 ngày tù và nay được hưởng đặc xá trong trong niềm vui vô bờ bến.

{keywords}
Cặp vợ chồng đặc biệt Nguyễn Văn Thành – Trần Thị Rết

Ông bà kể, đến với nhau gần 30 năm nay, có với nhau 2 mặt con, đều là con gái. Điều làm ông bà ăn năn, hối hận nhất chính là “ngày trong đại, thành gia, lập thất của các con, chúng tôi đều thụ án, không thể có mặt với tư cách làm bậc cha mẹ đúng nghĩa”.

Ông nhớ lại, ngày ấy là tài xế xe khách tuyến Vũng Tàu – bến xe miền Đông (TP.HCM); còn bà buôn bán vặt ở chợ cũ thuộc P.1, TP.Vũng Tàu. Cuộc sống tạm đủ ăn…

Năm 2004, ông bị tai nạn khi điều khiển xe gắn máy trên đường, chân phải gãy thành 5 khúc. Chuyển lên Sài Gòn điều trị, tiền bạc hết sạch, ông bà đành vay nóng 50 triệu đồng, với lãi suất 20%/tháng.

Ông lành bệnh nhưng nợ nần gia đình chồng chất, cày cục mãi cuối cùng còn 30 triệu đồng. Bí thế, vào năm 2008 ông bà bàn nhau cách giải quyết nợ nần nhanh nhất là buôn ma túy.

Những chuyến xe đò lên Sài Gòn, ông tìm đến chợ ma túy An Sương (Q.12) mua chút ít rồi về phân lẻ bán lại cho các con nghiện. Làm ăn khoảng 1 tuần lễ, cả ông lẫn bà cùng xộ khám.

Chung mức án, ông bà vào thụ án chung tại phân trại K2 trại giam Thủ Đức. Ông làm tự quản đội phạm nhân chuyên cơm nước, còn bà được bố trí làm công việc đan nón.

Bà Rết nói thêm: “Mỗi tuần, cán bộ quản giáo cho vợ chồng chúng tôi gặp nhau 1 lần để nói chuyện, cùng động viên nhau cải tạo cho tốt có ngày đoàn tụ cùng con cái. Cứ mỗi lần gặp, nước mắt lại rơi”.

Khi được hỏi về tương lai, bà Rết tâm sự: “Anh chị em trong gia đình sẽ giúp tôi ít vốn để buôn bán ở chợ như xưa, ông ấy thì kiếm sống bằng nghề cũ - lái xe”. Còn ông thổ lộ “Hai con gái lập gia đình chưa có con, giờ vợ chồng tôi chỉ ước ao điều lớn nhất là có cháu ngoại ẵm bồng; chuyện kiếm sống cùng nhau rau cháo qua ngày cũng được”.

{keywords}
Đợt 2/9 này, trại giam Thủ Đức đặc xá, tha tù trước thời hạn cho 730 phạm nhận

Sau cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông nắm tay bà, trên tay kia của mỗi người là tờ quyết định đặc xá vừa được nhận. 

Nhìn họ cùng nhau ra chuyến xe về quê, chúng tôi chỉ biết thầm chúc cho ông bà ngày về làm lại cuộc đời mới nhiều may mắn, thuận lợi. Dù họ đã quá nửa đời người, nhưng phía trước là con đường vất vả, gian nan.

“Tướng cướp” nhí và ngày về…hoàn lương


Chúng tôi gặp trường hợp phạm nhân khá đặc biệt là Võ Phú Hùng (SN 1997, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) – là phạm nhân nhí nhất trong số 730 phạm nhân được hưởng đặc xá trong dịp này của trại giam Thủ Đức. Hùng bị án phạt 3 năm tù tội “cướp tài sản”, tính đến ngày được tha, Hùng đã thụ án 1/2 án phạt.

Cầm quyết định được đặc xá, Hùng cười hớn hở, chạy hết chỗ này đến chỗ khác, tìm các phạm nhân mà Hùng gọi là chú, bác, anh để chào tạm biệt. 17 tuổi, mặt Hùng nhìn non choẹt, nhảy nhót như…con chim non trên khoảng sân ngập nắng của trại giam.

{keywords}
Phạm nhân “nhí” Võ Phú Hùng hớn hở cầm khoe quyết định đặc xá

Hùng kể về quá khứ một cách hồn nhiên. Ngày ấy ham chơi, đặc biệt là mê game online nhưng bố mẹ lại không cho tiền xài, Hùng cùng nhóm bạn 3 đứa rủ nhau đi cướp.

Vụ đầu Hùng chỉ đạo nhóm bạn dùng dao hăm dọa một học sinh đi trên đường Chu Văn An, Q.Bình Thạnh để cướp chiếc xe đạp, bán chia nhau mỗi đứa hơn 100 ngàn đồng để “cày” game. Lần thứ 2 chúng cùng giở chiêu trò cũ ở bán đảo Thanh Đa, Q.Bình Thạnh thì cả nhóm sa lưới, trả giá cho tội “cướp tài sản”.

Hùng cho biết, vào trại giam các phạm nhân ai cũng thương Hùng, xem Hùng như con cháu, em út trong nhà. Do cha bận kiếm những cuốc xe ôm mưu sinh, mẹ loan toan buôn bán quán cà phê cóc nên cũng ít thăm nuôi. Hùng được các phạm nhân tuổi cha chú, đàn anh thường cho quà bánh, tiền bạc để tiêu vặt….

Gọi “bố” (tức cán bộ), xưng con, Hùng nói như đứa trẻ: “Con không thích ở tù, con thề là từ đây về sau con sống tốt, đàng hoàng, tử tế”. 

Hỏi về dự tính cho bản thân sắp tới, Hùng nói: “Con có người anh trai, đã bị tù 6 tháng tội trộm cắp, mới đây lại vô trại lần 2 nữa rồi! Lúc về con sẽ phụ mẹ bán quán cà phê, làm con ngoan…Nhà có 2 anh em, giờ phải có 1 đứa tử tế để báo hiếu với bố mẹ chứ…”.

Được biết, trong ngày về, Hùng không báo cho cha mẹ biết, để tạo sự bất ngờ nho nhỏ. Trò chuyện với chúng tôi, Hùng cho biết, “Con chờ chú Dũng (một phạm nhân được đặc xá 2/9 này – P.V), chú có người nhà đưa xe lên đón. Chú Dũng biểu con đi xe về với chú ấy, còn cho tiền con xài…”.

Bất ngờ, những người bạn tù lớn hơn Hùng chạy đến ôm Hùng. Họ dặn dò, chúc “thằng bé” ngày về làm lại cuộc đời, sống tốt, đừng bao giờ quay lại nơi đây lần thứ 2. 

Hùng một dạ, hai dạ. Nhìn thái độ lễ phép của Hùng, chúng tôi tin rằng, trại giam đã giáo dục cho những đứa trẻ lầm lỡ như Hùng nhận thức đầy đủ về chữ “sống tử tế” ở đời.

Hùng xin số điện thoại, hẹn chúng tôi, ngày về sẽ liên lạc mời chúng tôi đến nhà chơi!. Chúng tôi hứa chắn chắn sẽ đến, để xem Hùng sống “tử tế” như thế nào sau ngày về?

Đàm Đệ