- Cực chẳng đã phải vào viện, ngoài nỗi đau thể xác, tôi luôn bị ám ảnh đến ăn không ngon khi vào nhà vệ sinh.
Cách đây hơn 1 tháng, tôi có dịp vào chăm người nhà nằm trong khoa ung bướu (BV Bạch Mai, Hà Nội). Dù rất sắt đá nhưng tôi cũng thấy váng vất mỗi khi bước chân vào nhà vệ sinh.
Mỗi lần vào nhà vệ sinh tầng 2, đập vào mắt là cảnh tượng khủng khiếp: Nước lênh láng, nền nhà cáu bẩn, rác thải vất tứ tung ra sàn cộng với mùi khai nồng nặc... Cơn trào người dạ dày dội về, cảm giác muốn ọe ngay lập tức...
Lang thang sang mấy khu cao tầng bên cạnh tìm nhà vệ sinh, tình hình cũng không khả quan hơn. Bệ vệ sinh cáu đen lại như lâu ngày không có người cọ, một bồn cầu đầy chất thải ai đó vừa đi không dội.
Cảm giác đọng lại là nỗi khiếp sợ ám ảnh khi rời bệnh viện "ôm nỗi buồn" về nhà "xả van".
Lần khác, đi thăm cô bạn đồng nghiệp cùng cơ quan, nằm điều trị trong khoa Hồi sức tích cực và chống độc, BV đa khoa Hà Đông. Khu nhà trông cũng khá khang trang nhưng cảnh tượng nhà vệ sinh ở đây cũng khiến tôi rùng mình không khác lần đặt chân vào nhà vệ sinh BV Bạch Mai.
Tường nhà vệ sinh khoa Hồi sức tích cực và chống độc (BV đa khoa Hà Đông (Ảnh: Xuân Thanh) |
Từ ngoài nhìn vào khu vệ sinh có vẻ khá ổn, chỉ đến khi đặt chân “khám phá” thế giới bên trong thì cảm giác nổi da gà ập đến. Những căn “buồng” vệ sinh chật hẹp, thùng đựng rác nằm chỏng chơ, giấy đã sử dụng vứt tung tóe.
Mảng tường nhà vệ sinh vỡ toác trong bệnh viện đa khoa Hà Đông (Ảnh: Xuân Thanh) |
Bồn cầu chứa đầy thứ nước vàng khè, nồng nặc mùi bốc lên, nước thải nhơn nhớt trên bề mặt bồn, vàng cáu. Mảng tường quét vôi trắng đen kịt lại vì đám ruồi nhặng bâu kín tường. Có người lại, những chú ruồi bay, bám đầy vào “khách tham quan” nhà vệ sinh.
Nền nhà vệ sinh BV đa khoa Hà Đông vỡ nát, loang lổ (Ảnh: Xuân Thanh) |
Tường ốp gạch, có chỗ đã vỡ cả gạch men, cánh cửa ọp ẹp, cót két đến rợn người. Chưa kể, nước tiểu, nước xả trộ lẫn nhau, tràn ra khắp sàn nhà.
Do bệnh nhân ý thức kém?
Mặc dù ngành y tế đã có nhiều nỗ lực nhưng đến nay, tiêu chí nhà vệ sinh vẫn là vấn đề nhức nhối, khó cải thiện.
Phía bệnh viện thì cho rằng, bệnh nhân và người nhà ý thức kém trong việc giữ gìn vệ sinh.
Tuy nhiên, cũng không ít băn khoăn về trách nhiệm của những người đứng đầu bệnh viện. Và gần hơn là bộ phận được giao quán xuyến chưa làm tròn trách nhiệm hoặc chỉ làm cho có - vì nghĩ làm không xuể?
Để ý thức người dân thay đổi, trước hết công tác quản lý vệ sinh bệnh viện cũng cần được tăng cường hơn. Cải thiện được thực trạng này, nhà vệ sinh bệnh viện sẽ không biến thành ổ bệnh truyền nhiễm...
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn "Nhà vệ sinh bệnh viện" để chia sẻ những câu chuyện mắt thấy, tai nghe, đồng thời hiến kế cải thiện chất lượng nhà vệ sinh tại các bệnh viện. Bài viết gửi về banxahoi@vietnamnet.vn. Bài phù hợp sẽ được đăng tải. |
Xuân Thanh (Hải Phòng)