- "Khi được mùa mất giá, nông dân được lãi ít, trong khi thành phần khác lợi nhiều hơn, đây là vấn đề lớn, chúng tôi suy nghĩ rất nhiều" - Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu tại phiên chất vấn sáng 13/6. 

Tiếp tục trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 13/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời câu hỏi ĐBQH đưa ra từ chiều qua.

ĐB Y Thông (Phú Yên) cho rằng, hiện nay sản xuất nông nghiệp của gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là người dân sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp bán với giá thấp không đủ bù đắp chi phí cho sản xuất, nhất là sản phẩm lúa gạo và sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng mua các sản phẩm lại đắt và rất cao.

“Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ trưởng có thấy nhóm lợi ích nào thao túng ở lĩnh vực này hay không? Bộ trưởng có giải pháp nào để tháo gỡ nhằm giúp cho người nông dân đỡ khó khăn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp?”, ĐB Thông chất vấn.

Không để ép giá nông dân

Bộ trưởng nông nghiệp cho hay, khi có thông tin phản ánh về lợi ích nhóm, ông đã chỉ đạo phối hợp kiểm tra để có biện pháp ngăn ngừa. Tuy nhiên, ông khẳng định, cho tới nay vẫn chưa có cơ sở để xác định những nhóm lợi ích như ĐB nghi vấn trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ông cũng cho hay: "Chúng tôi hết sức chia sẻ và trăn trở trước tình hình hiện nay, khi nông dân vất vả làm ra nông sản song bán giá thấp. Chúng tôi đang cùng bộ ngành tìm mọi giải pháp khắc phục và đề xuất giải pháp lâu dài. Khi được mùa mất giá, nông dân được lãi ít, trong khi thành phần khác lợi nhiều hơn, đây là vấn đề lớn, chúng tôi suy nghĩ rất nhiều".

{keywords}
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Minh Thăng

 

Bộ trưởng cũng cho biết một số giải pháp như hướng dẫn bà con tập trung sản xuất những cây trồng vật nuôi có thị trường và cần làm ra với năng suất cao, giá thành hạ so với "đối thủ". Không để tổ chức, đơn vị có ưu thế trên thị trường ép giá nông dân...

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé về việc nông dân được lợi gì trong chính sách tạm trữ lúa gạo của Chính Phủ, Bộ trưởng khẳng định, đây chỉ là biện pháp tình thế. Khi thị trường tốt lên thì không cần tạm trữ.

ĐB Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) đặt câu hỏi tình trạng tiêm vaccim "ăn bớt, quá hạn" cho trẻ em xảy ra gần đây làm cho người dân rất nghi ngại và càng nghi ngại hơn đối với việc sử dụng vacxin trong chăn nuôi. “Bộ trưởng đã có giải pháp gì để bảo đảm tính minh bạch, tin cậy để người dân yên tâm sử dụng” - ĐB Rinh hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay ông đã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của các địa phương để kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm nếu vi phạm được phát hiện. “Chúng tôi chưa phát hiện được việc ăn bớt vác xin, có lẽ bởi vì giá trị của vaccim trong chăn nuôi cũng rất thấp, thấp nhất là vác xin tai xanh cũng chỉ có giá 33.000 đồng một liều”, ông Phát nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định đang chỉ đạo thanh tra trước thông tin một số nơi cán bộ không tiêm nhưng khai đã tiêm rồi rút vaccim bán kiếm lời.

Chế tài không thiếu

Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gói những vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp. Một trong những quan điểm Chủ tịch Quốc hội không đồng tình với Bộ trưởng Nông nghiệp đó là thiếu chế tài xử phạt mạnh với gian thương nông sản nên dẫn đến không chỉ người sản xuất mà người tiêu dùng nông sản cùng thiệt.

{keywords}
ĐBQH Hà Sỹ Đồng chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp. Ảnh: Minh Thăng

"Nói chế tài xử phạt nhẹ chưa thật đầy đủ. Phạt Quốc hội thông qua tới mức 2 tỷ đồng. Bên cạnh phạt còn có khắc phục, đền bù thiệt hại. Rồi tước giấy phép kinh doanh, tạm dừng kinh doanh...có thể làm được. Thực ra chúng ta làm chưa tốt. Cần phải làm tốt để đầu vào cho người sản xuất, đầu ra cho người sản xuất hợp lý, người nông dân có lợi, chứ không đợi Nhà nước bù...." - Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Để ngành nông nghiệp phát triển cả số lượng, chất lượng, hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội thúc giục việc công nghiệp hóa nông nghiệp bằng công nghiệp, đưa nhanh khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Giải quyết các vấn đề liên quan từ giống, sản xuất, dự trữ, lưu thông, phân phối trong khoa học công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý của nông nghiệp thế giới.

"Cần quản lý sản xuất lưu thông phân phối, khắc phục tiêu cực, hàng giả, kém chất lượng, buôn gian bán lậu, rà soát thực tiễn để thắt chặt quản lý sản xuất, kinh doanh. Sản xuất kinh doanh áp dụng khoa học công nghệ không phải là sản xuất kinh doanh làm ra sản phẩm gian dối..."

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cần chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản góp phần gia tăng xuất khẩu, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

"Xây dựng cho được thương hiệu, phát triển thị trường bình đằng cạnh tranh, tiến tới nền nông nghiệp được thế giới công nhân sản tốt, sạch, sản phẩm giá trị, người tiêu dùng không chỉ Việt Nam mà thế giới yêu chuộng, trân trọng hàng nông sản Việt Nam" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ngoài phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, hỗ trợ trực tiếp, giúp nông dân làm giàu, ông cũng nhấn mạnh bảo vệ rừng và trồng rừng. Liền rừng là thủy điện, các bộ trưởng hứa sớm giải quyết quy hoạch thủy điện hạn chế mất lòng hồ, mất rừng...

Tá Lâm