- Cách đây 12 năm, với vốn khởi nghiệp 7 triệu đồng cộng vài ba ha đất trồng, họ tổ chức sản xuất rau bài bản, hăm hở lao vào trồng rau vì nghĩ "sạch" ắt đắt hàng. Vậy mà "bé cái lầm".

Đầu những năm 2000, khái niệm "rau sạch", "rau an toàn" là khái niệm xa xỉ khi thị trường rau không tồn tại thói quen tiêu dùng, phân loại giá trị.

7 nông dân ở Đà Lạt quyết định lội ngược dòng tự trồng và kinh doanh thứ rau ăn được gọi là "rau sạch". Vốn khởi nghiệp 7 triệu đồng cộng vài ba ha đất trồng, họ tổ chức sản xuất bài bản theo tinh thần liên kết làm HTX, hăm hở lao vào trồng rau vì nghĩ "sạch" thì ắt đắt hàng. Vậy mà "bé cái lầm" vì nhìn bằng mắt thường không có gì khác biệt rau ở chợ mà giá thành của mình lại cao hơn.

{keywords}
Chủ nhiệm HTX Anh Đào (Đà Lạt) Nguyễn Công Thừa

Chủ nhiệm HTX Anh Đào Nguyễn Công Thừa, 1 trong 7 người đầu tiên vẫn còn nhớ những ngày đầu phải trực tiếp đưa từng gánh rau ra chợ chào bán. "Có lúc chúng tôi tưởng phải buông xuôi" - ông Thừa nhớ.

Bước ngoặt đến trong một lần ông Thừa gặp người đứng đầu hệ thống siêu thị Co.opmart tham quan chợ Đà Lạt để tìm nguồn hàng và mời về tận cơ sở HTX để tham quan mô hình sản xuất rau an toàn. Rất nhạy bén, ông chủ Co.opmart nắm bắt ngay ý tưởng "sạch" sẽ trở thành đắt giá và đặt yêu cầu khảo mẫu xét nghiệm một vài loại rau.

Đơn hàng lớn bắt đầu đến với Anh Đào: 500kg rau/ngày với giá thu mua cao hơn thị trường 10-15% cùng hứa hẹn thị trường ưa chuộng sẽ tiếp tục gia tăng khối lượng.

Họ quyết định nâng vốn điều lệ lên 500 triệu đồng, người góp ít 20 triệu, người nhiều 120 triệu, kết nạp thêm 10 thành viên, nâng diện tích trồng rau của HTX lên gần 40ha.

"Rau sạch" trở thành một phân hạng giá trị đóng đinh trong tiềm thức người tiêu dùng.

Tính đến 2013, tổng vốn điều lệ của Anh Đào tăng đến 19 tỉ đồng. Tới nay, Anh Đào mỗi năm cung ứng ra thị trường 50 ngàn tấn rau củ với doanh số 180 tỉ đồng.

{keywords}

Ruộng trũng sình lầy xưa giờ trở thành khu trồng rau củ an toàn rộng hàng trăm ha

Hiện HTX có 22 hộ xã viên, 80 hộ nông dân liên kết với tổng diện tích canh tác khoảng 270ha (gồm đất của xã viên, hộ liên kết và đất do HTX chủ động thuê lại theo chính sách của tỉnh).

Số người lao động trực tiếp và gián tiếp tại HTX khoảng 200 người. Họ kỳ vọng tới 2022 sẽ có 100 cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên cả nước.

HTX còn xuất khẩu từ 4.000-5.000 tấn rau củ. Một tài xế xe tải của HTX cho biết, mỗi tháng đội vận tải có 8 chuyến xe lạnh chở rau củ (mỗi xe 14-15 tấn) ra miền Trung, 8 chuyến ra Hà Nội, và ngày nào cũng có xe cung cấp cho thị trường miền Nam.

Được tỉnh hỗ trợ, Anh Đào đã có chứng nhận thương hiệu "rau Đà Lạt". Trên cơ sở này, HTX kết hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư của tỉnh đăng ký thương hiệu một số nước châu Á để xuất khẩu như Singapore, Campuchia, Hàn Quốc.

{keywords}

Gia đình chị Đào (áo trắng) với 4 lao động lĩnh lương 15-16 triệu/tháng

Linh hoạt liên kết

Thành quả có được trên hết nhờ khả năng liên kết linh hoạt của Anh Đào. Ông Thừa từng xách cặp đi tham quan mô hình HTX ở Nhật, Singapore, Canada. Một trong những kinh nghiệm mà ông Chủ nhiệm HTX tâm đắc nhất, đó là tổ chức sao cho nông dân chỉ lo sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, còn HTX lo mọi khâu còn lại. Nó giống như các cơ chế mở mà luật HTX sửa đổi có hiệu lực từ 2013 dù còn thiếu các văn bản dưới luật để triển khai mạnh mẽ, đồng bộ.

"Thích là HTX tổ chức đấu thầu mua bán sản phẩm giá cả rất cạnh tranh, đem lại lợi nhuận cao cho nông dân. Không có chuyện đem con bỏ chợ"” - ông Thừa kể.

Anh Đào có một cơ chế liên kết kinh tế tập thể rất linh hoạt. Ngoài 22 xã viên có đất sản xuất được HTX đầu tư vốn sản xuất và bao tiêu đầu ra, Anh Đào còn liên kết với 80 hộ nông dân, rồi thuê lại đất theo chính sách của tỉnh để đầu tư. Với các hộ liên kết, nông dân được ứng trước chi phí đầu vào và thanh toán khi bán sản phẩm cho HTX, được chọn sử dụng dịch vụ HTX cung cấp theo nhu cầu.

{keywords}

Nhờ HTX lo toàn bộ chi phí đầu vào, bao tiêu đầu ra mà cuộc sống của xã viên rất ổn định, không lo mất mùa hay rớt giá

Ông Thừa kể, có hộ liên kết với HTX là người dân tộc thiểu số đã tìm tới tận trụ sở HTX ở trung tâm thành phố Đà Lạt nói rằng: “HTX cần lên giúp dân chúng tao sản xuất như này, để cuộc sống tốt hơn”. “Họ không cần biết ai là chủ nhiệm, chỉ thông qua liên kết, nhận thấy rõ lợi ích mà yêu cầu như vậy”, ông nói.

Theo khảo sát của HTX cuối tháng 4 năm nay, có khoảng 70% hộ liên kết đã làm đơn tham gia HTX. Tới đây, Anh Đào chủ trương mở rộng địa bàn với các hộ liên kết, mỗi hộ sẽ quản một nhóm mở rộng, từ từ tạo động lực để bà con nông dân tự nhận thức lợi ích mà HTX mang lại.

"Hiện tại HTX không còn đặt nặng nhu cầu góp vốn từ bà con. Ban đầu chúng tôi có những điều kiện khắt khe với các hộ, cá nhân muốn tham gia. Nay thì không. Chỉ cần tuân thủ những điều kiện cơ bản, người lao động đã làm ít nhất 5 tháng với Anh Đào để nắm rõ quy trình, quy định. Cơ bản nhất là có đất sản xuất vì mục tiêu của HTX là hỗ trợ nông dân hoạt động chứ không phải là kết nạp các hộ có tiền", ông Thừa nhấn mạnh.

{keywords}

HTX đầu tư hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại, tưới tiêu tự động với chi phí cao

Do được đầu tư ứng trước mà xã viên, nông dân nghèo có vốn sản xuất, không phải đi vay nặng lãi, được hướng dẫn chuyển giao, ứng dụng công nghệ mà năng suất cây trồng và chất lượng sản phẩm tăng cao.

Thu nhập của người lao động năm 2014 từ 4-5,5 triệu đồng/người/tháng, được đóng bảo hiểm y tế và xã hội.

Từ ngày vào HTX làm thuê 4 năm nay, gia đình chị Đào với 4 lao động lĩnh lương 15-16 triệu đều đặn mỗi tháng.

“"HTX lo toàn bộ chi phí đầu vào từ giống, phân bón, kỹ thuật tới khâu thu gom, chuyên chở, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Chúng tôi chỉ lo hàng ngày làm việc theo phân công, cuối tháng lĩnh lương, không lo mất mùa hay được mua mà rớt giá", chị Đào nói, tay thoăn thoắt nhặt súp lơ vừa cắt chuẩn bị xếp két vận chuyển.

{keywords}
Hàng trăm ha được đánh số nhà lồng, số thửa để đảm bảo khâu quản lý, chăm sóc, thu hoạch đúng quy chuẩn

Cạnh tranh giữ thương hiệu

Vị chủ nhiệm HTX Anh Đào quả quyết: "Tạo ra thương hiệu thì dễ, giữ được mới khó". Nhưng một trong những vấn đề mà HTX đối mặt, đó là không ít địa phương cấp giấy chứng nhận rau an toàn khá nhiều cho các đơn vị sản xuất nhưng kiểm tra, quản lý lại bỏ ngỏ.

"Việc này đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng. Nhiều người mất lòng tin. Chúng tôi gìn giữ thương hiệu bằng cách duy trì chất lượng sản phẩm, đóng gói và chỉ bán ở những địa chỉ công bố cụ thể, không bán tràn lan; liên kết với chi cục bảo vệ thực vật tỉnh thường xuyên xuống hướng dẫn cho bà con, luôn lấy mẫu tiến hành kiểm tra phân tích để bà con xã viên tự nâng cao ý thức trách nhiệm", Chủ nhiệm HTX Anh Đào cho biết.

{keywords}

Chủ nhiệm HTX cùng nhân công đóng hộp sản phẩm

Theo ông Thừa, chính sách vĩ mô đã thực sự cởi mở rất nhiều cho mô hình HTX như quyền tự quyết, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Luật HTX có hiệu lực vào tháng 7/2013, từ trung ương tới địa phương đã hỗ trợ phát triển nhiều về máy móc, công nghệ. Nhưng câu chuyện thực thi chính sách, nhất là tiếp cận vốn vay còn ở phía trước. 

Ông Thừa cho hay, quy định cho HTX vay 500 triệu -1 tỉ đồng đồng không cần thế chấp nhưng vẫn chưa HTX nào có thể tiếp cận nguồn vốn này. Nhu cầu vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh đối với các HTX rất lớn. Sự tin tưởng thực sự vào khả năng chi trả của HTX, một cơ chế “thoáng” và linh hoạt trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng sẽ là động lực để mô hình HTX phát triển bền vững.

Thái An - Ảnh: Đinh Tuấn