Theo ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ KH&CN), phương tiện lặn của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa đã trải qua đợt thử nghiệm ở trạng thái nổi và sẽ phải tiếp tục thử nghiệm ở trạng thái lặn trong thời gian tới.

Thông tin trên được ông Dương đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ quý 2 của Bộ KH&CN sáng nay tại Hà Nội.

Trước đó, vào năm 2014, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa (Giám đốc Công ty chế tạo cơ khí Quốc Hòa) ở tỉnh Thái Bình chế tạo “tàu ngầm” mini và đặt tên là Trường Sa. Năm 2015, ông cùng đội kỹ sư chế tạo “tàu ngầm” thứ hai mang tên là Hoàng Sa, được bổ sung nhiều tính năng.

Theo ông Dương, cách gọi của Bộ Quốc phòng dành cho “tàu ngầm” của ông Hòa là “phương tiện lặn.” Bởi lẽ, tên tàu ngầm được sử dụng với các tàu quân sự, còn lại gọi là tàu lặn hoặc phương tiện lặn.

Ông Dương cũng cho hay, sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, đặc biệt là Bộ Tư lệnh Hải quân để thực hiện.

Theo quy trình do Bộ Tư lệnh Hải quân phê duyệt, ngày 3/7, phương tiện lặn này đã thử nghiệm ở trạng thái nổi và đã đáp ứng được những yêu cầu đề ra. Sau đó, phương tiện này sẽ được thử nghiệm ở trạng thái lặn trong thời gian tới.

“Quan trọng nhất đối với phương tiện này việc lặn. Khi có kết quả cuối cùng và Bộ Quốc phòng sẽ là đơn vị đưa ra đánh giá và báo cáo với Chính phủ,” ông Dương cho biết.

Trước câu hỏi Bộ KH&CN đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ như thế nào trong việc này, ông Dương cho biết chỉ đạo của Chính phủ giao cho Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng. Việc chủ trì ở đây là liên quan tới hỗ trợ kinh phí.

Tuy nhiên, theo ông Dương, mong muốn của ông Nguyễn Quốc Hòa là phương tiện lặn sẽ được sử dụng trong lĩnh vực quân sự như tàu ngầm. Từ đó, Bộ KH&CN đã trao đổi rất kỹ với Bộ Quốc phòng (bởi lẽ ở Việt Nam chuyên gia trong lĩnh vực tàu lặn, đặc biệt là tàu ngầm chỉ có trong lĩnh vực quốc phòng).

Qua trao đổi, nhiệm vụ này được giao trực tiếp cho Bộ Quốc phòng thực hiện ở dạng nhiệm vụ cấp Bộ. Bộ Quốc phòng cấp kinh phí để Bộ Tư lệnh Hải quân mà trực tiếp là Viện Kỹ thuật Hải quân tiến hành.

Cũng theo ông Dương, trong trường hợp Bộ Quốc phòng có yêu cầu, Bộ KH&CN sẽ tìm các chuyên gia trong các lĩnh vực khác (ví dụ như truyền thông) để hỗ trợ.

“Việc thử nghiệm nổi rất khả quan, chúng tôi hy vọng trong đợt thử nghiệm lặn chìm dưới nước cũng sẽ cho kết quả tốt,” ông Dương chốt lại.

Theo Vietnam+