- Nhiều vụ việc các cơ quan có thẩm quyền không trực tiếp giải quyết, phải đẩy lên Thủ tướng mới chuyển biến được.
Đây là trăn trở của Vụ trưởng Vụ Pháp luật, VPQH Ngô Trung Thành tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của QH sáng nay.
Cần chấm dứt ‘trên nóng dưới lạnh’
ĐB Ngô Trung Thành cho rằng, nếu nhiều vụ việc báo chí không nêu thì chưa chắc đã được phát hiện.
“Tại sao các cơ quan có thẩm quyền giải quyết trực tiếp lại không không xử lý mà phải đợi yêu cầu từ trên xuống. Tại sao nhiều vụ việc phải đẩy lên Thủ tướng mới chuyển biến được trong khi nếu các cơ quan làm đúng chức năng, thẩm quyền thì những việc đó chắc chắn được xử lý”, ĐB đặt câu hỏi.
ĐB Ngô Trung Thành. Ảnh: Minh Đạt |
Theo ĐB, giá như cấp trên phát huy đầy đủ chức năng thì sự việc đâu phải lên đến bàn Thủ tướng, Thủ tướng đâu phải chỉ đạo những vụ như quán "cà phê Xin Chào".
Giải pháp để thực hiện thành công công cuộc cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ kiến tạo không có gì quá khó khăn, thậm chí là đơn giản khi các cơ quan có thẩm quyền làm đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình.
“Chính vì vậy tôi đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để nâng cao trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan, chấm dứt tình trạng trên nóng dưới lạnh, cứ ì ra đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, cấp trên cứ phải lo thay cho cấp dưới”, ông Thành nhấn mạnh.
Ông cũng kiến nghị phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm, buộc cấp dưới phải chủ động, năng động thực hiện đúng đủ trách nhiệm của mình để làm sao “trên nóng, dưới nóng, toàn hệ thống đều nóng”.
Nhiều cán bộ đi lại, ăn uống chưa tiết kiệm
Đánh giá về nhiệm kỳ hơn 1 năm qua của Chính phủ mới, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) dành nhiều lời khen cho các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Tổ công tác của Chính phủ.
Ông dẫn chứng, tháng 8/2016, nợ nhiệm vụ quá hạn 25% thì đến tháng 9/2017 chỉ còn 2,18%.
Tuy nhiên ông đánh giá “kỷ luật kỷ cương hành chính vẫn chưa nghiêm”, tồn tại ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành như công tác tổ chức cán bộ, quản lý sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản.
ĐB Nguyễn Thái Học |
“Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm nền hành chính trì trệ, kém hiệu quả. Hạn chế này kéo dài, nhưng chậm khắc phục, đề nghị Nghị quyết của QH nêu rõ vấn đề này và giao Chính phủ thực hiện, tăng cường giám sát”, ông Học nói tiếp.
ĐB Phú Yên cũng chỉ rõ, bên cạnh phát triển kinh tế, việc giảm chi thường xuyên, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong bộ máy Nhà nước, đội ngũ cán bộ là việc đáng quan tâm.
Đảng, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về thực hành chống lãng phí, nhiều cán bộ cấp cao Trung ương đã làm gương, tiết kiệm trong thực thi công vụ, cuộc sống làm cử tri đồng tình.
“Nhưng đánh giá thẳng thắn thì nhiều cán bộ trong bộ máy nhà nước chưa thực sự tiết kiệm, chống lãng phí từ đi lại, ăn uống, chi tiêu công, quản lý sử dụng tài sản công, động thổ, khởi công khánh thành ... làm người dân bất bình, nhất là khu vực lũ lụt, hạn hán”, ông Học dẫn chứng.
ĐB Học cho rằng chống tham nhũng phải đi liền với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Do đó Chính phủ cần có những chế tài xử lý nghiêm.
Đề xuất công chức đi làm muộn, nghỉ trưa ít
ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị điều chỉnh khung giờ làm việc hành chính từ 8h30 - 17h và chỉ nghỉ trưa 1h.
Cách chức Phó viện trưởng và kiểm sát viên vụ quán cà phê Xin Chào
Ông Lê Thanh Tòng, Phó viện trưởng Viện KSND quận 6 (Nguyên Phó viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh) đã bị cách chức.
Nhập bộ, tỉnh: Tư tưởng không thông đeo bình tông cũng nặng
ĐB Lê Thanh Vân ủng hộ chủ trương hợp nhất một số bộ ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cũng như việc sáp nhập một số tỉnh.
Thúy Hạnh – Hồng Nhì