- Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Tasco Phạm Quang Dũng, một trong 2 đại biểu tự ứng cử chia sẻ việc lần đầu tiên trở thành "ông nghị".

10 năm làm công chức, hơn 20 năm kinh doanh trên thương trường, đứng sau nhiều dự án BOT, doanh nhân Phạm Quang Dũng cho hay sự trải nghiệm, tích lũy nhiều thất bại để thành công của bản thân khiến ông đến ngưỡng mong mỏi tìm một điểm dừng để cống hiến, chia sẻ với cộng đồng, xã hội.

{keywords}
ĐBQH Phạm Quang Dũng

Tân ĐBQH tỉnh Nam Định không ngần ngại khẳng định, với xuất thân là doanh nhân, tham gia nghị trường, ông sẽ một đại diện cho tiếng nói của cộng đồng DN, hiệp hội ngành nghề mà mình kinh doanh tại QH, làm sao có được những cơ chế, chính sách phù hợp hơn, tốt hơn, tạo thuận lợi cho DN làm ăn.

"Tôi không vào QH để ham hố chức quyền. Nếu tôi nghĩ về cá nhân thì tôi chỉ đi chơi golf thôi (cười). Tôi không còn vấn vương việc phải đi làm kiếm tiền cho gia đình. Ba đứa con giờ đều là những DN có sự nghiệp ổn định, tôi không phải lo nữa. Tôi muốn có thể chia sẻ, đóng góp cho cộng đồng DN ở góc độ nào đó dựa trên vốn trải nghiệm thực tiễn cả thất bại, thành công của mình".

Bởi, theo ông, khi lên tiếng nói về cơ chế giúp cho các DN phát triển thì người dân có thêm công ăn việc làm. Điều ấy đồng nghĩa với việc cuộc sống người dân sẽ tốt hơn.

"Ở tuổi của tôi, tôi còn muốn giúp thanh niên phải có động lực khởi nghiệp, có định hướng phấn đấu cho tương lai bản thân".

Vì việc chung tôi chả ngại gì

Không ít suy nghĩ cho rằng, một số doanh nhân muốn vào QH chủ yếu để ”đánh bóng” tên tuổi, thuận tiện cho việc làm ăn của mình. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi không bao giờ nghĩ vào QH để có cơ hội đánh bóng cho cá nhân. Với một DN, thương hiệu chính là giá trị sản phẩm của DN đó cung cấp trên thị trường cho cộng đồng, xã hội, người dân. Người dân, xã hội dùng sản phẩm đó sẽ đánh giá, chọn lựa chứ bản thân doanh nhân không thể vào QH để có cơ hội bán được hàng.

{keywords}

"Tôi không bao giờ nghĩ vào QH để có cơ hội đánh bóng cho cá nhân"

Sản phẩm của mình có tốt dân mới tín nhiệm sử dụng. Giả sử sản phẩm của tôi không tốt, nếu tôi là ĐBQH, thươn ghiệu của DN còn ảnh hưởng hơn, chứ chưa nói đến hiệu quả tưởng là được đánh bóng.

Sản phẩm của chúng tôi là những thứ rất cụ thể: cây cầu, con đường, khu đô thị, căn hộ cho người dân. Không thể nói lấy cái “mác” ĐBQH để người dân mua hàng của mình. Chuyện đấy là không thể và không bao giờ có.

Trên diễn đàn QH sẽ khó tránh việc va chạm với các vị tư lệnh ngành nếu đeo bám vấn đề cử tri bức xúc gửi gắm, trong đó có cả những bộ trưởng ở lĩnh vực ông đang kinh doanh. Ông có lo ngại vì nói tiếng nói của cử tri sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh riêng?

Nếu những gì mang lại lợi ích cho người dân và DN thì phải phản ánh trung thực chứ không phải lo ảnh hưởng đến ngành nghề kinh doanh của mình hay không. Như trong nhiều diễn đàn về BOT, lĩnh vực tôi tham gia, đang được dự luận xã hội nói rất nhiều, tôi vẫn phản ảnh thực tế, không ngần ngại.

Những ý kiến góp ý làm cho chính sách, luật pháp cũng như môi trường làm việc tốt hơn, mang lại giá trị cho cộng đồng, cho người dân và cho đất nước thì tôi tin rằng sẽ được nhiều ngườiủng hộ. Vì cái chung, tôi chả ngại gì. Nếu mình không dám nói thẳng thì cũng không xứng đáng làm ĐB của nhân dân.

Dân bức xúc phải hoạch định lại ngay

Phí BOT đang là vấn đề bức xúc của nhiều cử tri. Với cương vị là một DN hoạt động trong lĩnh vực này, ông đã có nhiều phát biểu thẳng thắn. Khi ở cương vị ĐBQH, ông sẽ kiến nghị đòi lợi ích cho cử tri, người bị thu phí như thế nào?

{keywords}

"Những gì dân kêu đúng phải sửa ngay, khắc phục ngay"

Một đất nước không đầu tư về hạ tầng giao thông thì kinh tế không phát triển. Mục tiêu của chúng ta là đầu tư để phát triển, ngân sách nhà nước có mức độ thì phải huy động tư nhân vào đầu tư. Nhưng đầu tư nhiều quá để giá thành hàng hóa phải cõng thêm phí giao thông quá lớn không cạnh tranh được thì phải xem lại.

Mục tiêu đầu tư là làm cho phát triển, còn đầu tư mà làm cho DN không phát triển, DN không bán được hàng hóa, dịch vụ thì chúng ta phải xem xét dừng lại ngay hoặc phải điều tiết cho hài hòa.

Đầu tư mà làm cho DN yếu đi, người dân bức xúc thì chúng ta phải hoạch định lại ngay. Chúng ta phải giảm phí đi, giãn đầu tư ra, không thể tiếp tục đầu tư ồ ạt mà bắt dân, DN cõng phí quá lớn.

Dân kêu thì chúng ta phải lắng nghe, ghi nhận và tính toán lại. Những gì dân kêu đúng phải sửa ngay, khắc phục ngay.

Ngay ở cương vị DN, sau khi dân phàn nàn về việc tăng phí tại trạm BOT Nam Định, tôi đã chỉ đạo anh em in lại vé, dừng ngay việc tăng phí mặc dù tôi làm đúng theo các quy định của pháp luật.

Thu Hằng - Ảnh: Lê Anh Dũng