-ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau), ủy viên thường trực UB Tài chính Ngân sách QH đề nghị Chính phủ khởi xướng văn hóa từ chức để những ai thấy mình tài hèn, đức mọn tự nguyện nhường chỗ cho bậc hiền tài. 

XEM CLIP:

Thảo luận tại hội trường về kinh tế xã hội sáng nay, ĐB Lê Thanh Vân dành trọn phát biểu để đề xuất nhiều giải pháp xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển. 

Theo ĐB Vân, xây dựng Chính phủ liêm chính có 3 nội dung cần chú trọng. Đó là liêm chính kiến tạo phát triển trong xây dựng, ban hành thể chế chính sách đồng bộ; trong việc xây dựng, củng cố bộ máy quản lý ở các cấp và trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức.

Sớm ban hành luật trọng dụng nhân tài

Nói về xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, ĐB Cà Mau lưu ý phải tạo lập môi trường bình đẳng, minh bạch để thi tuyển, lựa chọn cán bộ, công chức, tìm ra người có năng lực phẩm chất thực sự; lựa chọn hiện tài phải thực tâm, chí thành. 

{keywords}

ĐB Lê Thanh Vân. Ảnh: Quốc Anh

“Chính phủ sớm trình QH ban hành luật Trọng dụng nhân tài, coi đó là chiếu cầu hiền của nhà nước trong giai đoạn mới. Các nhà lãnh đạo, quản lý phải thực đức, thực tài, “Đạo trị bình đủ pháp kinh luân; tài thao lược hơn đời trí dũng”, ĐB Vân nhấn mạnh.

Ông cho biết QH khóa 13, ông đã nhiều lần kiến nghị điều này và đã được đưa vào nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2013.

Cùng với đó là ban hành bộ tiêu chí đánh giá cán bộ theo từng hành vi thực thi công vụ; có cơ chế khảo khóa, sát hạch định kỳ hàng năm để sang lọc cán bộ, công chức. 

“Khởi xướng văn hóa từ chức để những ai thấy mình tài hèn, đức mọn tự nguyện nhường chỗ cho bậc hiền tài”, ĐB Vân nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông cũng đề nghị cải cách chế độ tiền lương, xây dựng cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát cán bộ, công chức; bảo đảm mội trường liêm chính để những kẻ bất tài, vô hạnh không thể, không muốn và không dám chạy chức, chạy quyền; không thể, không muốn và không dám tham nhũng.

Lấy quyền lực kiểm soát quyền lực

Đề cập đến việc xây dựng, củng cố bộ máy quản lý các cấp, ông Vân đề nghị rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước các cấp để phân cấp, phân công, phân quyền một cách mạch lạc gắn với CCHC. Trong đó chú trọng đến phân quyền về đầu tư, ngân sách, tổ chức bộ máy và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trước pháp luật.

“Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực. Lấy quyền lực để kiểm soát quyền lực, lấy đạo đức để kiểm soát quyền lực, lấy lòng dân để kiểm soát quyền lực, lấy thông tin đại chúng để kiểm soát quyền lực”, ĐB Vân nhấn mạnh.

Ủy viên thường trực UB Tài chính Ngân sách cũng lưu đến việc tăng cường tính minh bạch, giải trình trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong quan hệ với nhân dân.

Ngoài ra, ông cũng đề nghị có cơ chế đối thoại thường xuyên của người đứng đầu các cơ quan nhà nước các cấp với nhân dân để lắng nghe, thấu đạt đạt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nhằm điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi kịp thời trong ban hành thể chế chính sách. Đồng thời, quản lý nhà nước bằng tinh thần phục vụ, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền.

Môi trường liêm chính ngay khi xây dựng chính sách

Nói về việc xây dựng, ban hành thể chế chính sách, ĐB Cà Mau đề nghị Chính phủ chủ động khởi xướng trong xây dựng thể chế, chính sách làm “bà đỡ” để mở đường cho việc giải phóng mọi nguồn lực xã hội tham gia vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Chính phủ phải phân tích, dự báo các quan hệ: xã hội, kinh tế, pháp luật rường cột để xác lập sự tác động của nhà nước theo chiều tích cực, loại bỏ tiêu cực”, ông Vân nói.

Đồng thời, sắp xếp thức tự ưu tiên cho từng lĩnh vực mà nếu có sự tác động kịp thời của nhà nước sẽ làm lan tỏa sâu, kích hoạt rộng cho kinh tế xã hội phát triển.

Theo ĐB Vân, Chính phủ cần có chính sách ưu tiên kiến tạo phát triển 3 lĩnh vực VN có lợi thế là nông nghiệp, du lịch - dịch vụ và công nghệ cao thế hệ mới. Tuy nhiên ông cũng lưu ý phải bảo đảm coi trọng chủ quyền, an ninh quốc gia và bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Động lực cho sự phát triển hiện nay là chấn hung giáo dục, trọng dụng nhân tài; kế thừa và phát triển triết lý trị quốc của cha ông “Lập quốc dĩ giáo học vi tiên. Cầu trị dĩ nhân tài vi cấp”. Tức là “mở nước lấy giáo dục lầm đầu. Dựng nước lấy nhân tài làm trọng”.

Cùng với đó là ngăn chặn lợi ích nhóm, lợi dụng chính sách, cục bộ chính sách, tham nhũng chính sách, đầu cơ chính sách; đảm bảo môi trường liêm chính cho cả hệ thống ngay từ khi khởi xướng xây dựng chính sách.

Ngoài ra, ĐB Cà Mau cũng đề cập đến việc dân chủ hóa mọi mặt; tạo nguồn cảm hứng sáng tạo trong mọi tầng lợp nhân dân tham gia hiến kế xây dựng, phát triển đất nước.

Thu Hằng