Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho phép kéo dài thời gian phiên họp chiều ngày 9/6 đến 18h30...

Ngày 6/6, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội bản thông báo đặc biệt.

Thông báo nói rằng, theo chương trình kỳ họp đã được thông qua, ngày 9/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước. Đây là nội dung quan trọng, luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi của các vị đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân cả nước.

{keywords}

Căn cứ kết quả thảo luận tại tổ và để có thêm thời gian cho nhiều vị đại biểu phát biểu, thành viên Chính phủ giải trình, làm rõ vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho phép kéo dài thời gian phiên họp chiều ngày 9/6/2017 đến 18h30.

Như vậy, đây là lần đầu tiên trong nhiều kỳ họp, ít nhất là trong vài nhiệm kỳ gần đây, Quốc hội sẽ phá lệ, tăng thời gian thảo luận thêm 1giờ 30 phút.

Lâu nay, thời gian được chốt cứng là Quốc hội làm việc buổi sáng từ 8h đến 11h30, chiều từ 14h đến 17h. Cho dù rất nhiều phiên thảo luận, danh sách đại biểu đăng ký phát biểu còn dài, nhưng cứ đúng 17h là Quốc hội nghỉ. Nếu ít đại biểu đăng ký thì có thể về sớm. Các phiên thảo luận tổ thì hiếm có tổ nào sử dụng hết thời gian.

Từ nhiệm kỳ trước, đại biểu đã góp ý, Quốc hội không nên quá câu nệ vào giờ hành chính, cứ thảo luận cho đến cùng, cho ra nhẽ, dù có phải làm việc cả buổi tối. Nhưng, đề nghị này chưa thành hiện thực.

Với quy định mỗi đại biểu phát biểu một lần không quá 7 phút và tranh luận không quá 3 phút, nếu dừng lại ở 17h thì một ngày làm việc chỉ đủ thời gian cho chừng trên dưới 50 đại biểu lên tiếng. Kéo dài thêm 1,5 tiếng sẽ là cơ hội cho khoảng trên 10 vị xuất hiện trước cử tri.

Cùng với quyền giơ biển tranh luận, việc kéo dài thời gian thảo luận là nét mới của Quốc hội nhiệm kỳ này. Và đây cũng không phải sự phá lệ duy nhất. Ngay tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội đã thảo luận thêm về Bộ luật Hình sự vào ngày thứ Bảy.

Theo Vneconomy