- Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, có trường hợp DNNN bị lỗ, thất thoát, gây mất mát tài sản vốn nhà nước lại cố tình tạo ra khoản có lợi không có thật để che giấu những khoản đó, hòng tránh trách nhiệm, tiếp tục tìm cơ hội khắc phục.
Trong phiên thảo luận của QH chiều qua, Tổng TTCP Lê Minh Khái giải trình và làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước về cổ phần hóa DNNN, về việc thực hiện quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DNNN và một số nội dung liên quan đến Thanh tra nhà nước, TTCP và thanh tra trong hệ thống kiểm soát nội bộ nói chung
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: Minh Đạt |
Bị bệnh không chẩn đoán, không có đơn thuốc thì phá sản
Tổng TTCP cho biết, từ năm 2011-2016, TTCP đã tổ chức được 19 cuộc thanh tra tại các tập đoàn, tổng công ty và các DNNN. Qua thanh tra đã phát hiện một số tiền khoảng 34.000 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi từ ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ đồng và suất toán loại khỏi quyết toán.
TTCP cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý trên 344.000 tỷ đồng, kiến nghị xử lý nhiều tập thể, cá nhân và chuyển sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý 16 vụ, với 17 đối tượng, đã khởi tố 7 vụ với 24 đối tượng. TTCP cũng làm rõ trách nhiệm của một số tổ chức và cá nhân.
Ông Khái cho hay, báo cáo tài chính của DN tại thời điểm báo cáo cuối năm thường chưa được trung thực và không chính xác, không phản ánh được tình hình vốn, tài sản nhà nước tại thời điểm báo cáo.
“Người ta quan niệm rằng báo cáo này phản ánh tình hình sức khỏe của DN, trong đó có DNNN, các tập đoàn, tổng công ty cũng làm tốt báo cáo, tuy nhiên một số cũng còn rất tồn tại. Khi báo cáo không trung thực, không đầy đủ, công khai ra thì người tiếp cận đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư, quản lý, hậu quả khó lường”, ông Khái cảnh báo.
Tổng TTCP chỉ rõ, những tồn tại, hạn chế và hậu quả đã xảy ra xuất phát từ báo cáo tài chính.
Theo ông, để làm báo cáo này, nhiều người tham gia, từ bộ phận tài chính kế toán lập đến lãnh đạo hội đồng quản trị, giám đốc và tổng giám đốc, hội đồng quản trị, hội đồng thành viên. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra ngoài DN và trong nội bộ phải kiểm tra và phát hiện để chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp không có phát hiện. Do đó, khi xử lý những thông tin trên báo cáo tài chính, hết sức nguy hiểm, phức tạp.
“Chúng ta nghĩ rằng DN mà bị bệnh rồi nhưng bác sĩ không chẩn đoán, phát hiện được, không bóc tách được loại bệnh, và không có đơn thuốc thì bệnh càng ngày càng nặng thêm và đi đến phá sản là điều đương nhiên”, ông nói.
Có lãi thì thận trọng giữ lại để phòng rủi ro
Ông chỉ ra thực tế qua thanh tra cho thấy, nhiều đơn vị làm tốt nhưng một số đơn vị có xu hướng kinh doanh có hiệu quả thường không báo cáo hết, kể cả về thuế, kể cả hoạt động sản xuất, kinh doanh, với mong muốn thận trọng giữ lại để làm nguồn dự phòng, để phòng khi rủi ro trong những năm tiếp theo. Do đó báo cáo không chính xác.
Ngược lại, có trường hợp DN bị lỗ, thất thoát, gây mất mát tài sản vốn nhà nước, thường cố tình tạo ra khoản có lợi mà không có thật để che giấu những khoản đó, hòng tránh trách nhiệm, tiếp tục tìm cơ hội khắc phục.
Ông bày tỏ thống nhất với đánh giá của báo cáo giám sát của QH và cho rằng, cái sai lớn nhất là sai về hạch toán doanh thu chi phí, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nộp thuế không được hạch toán và không được hình thành đầy đủ trong báo cáo.
“Những thủ tục đầu tư, mua sắm tài sản công, đầu tư các dự án trong thủ tục cũng như trong tổ chức thực hiện, giá trị thực của nó có đúng thế hay không hay đầu tư ra ngoài ngành là chính”, ông băn khoăn.
Người đứng đầu ngành thanh tra đề nghị sắp tới phải tăng cường hoạt động hiệu lực, hiệu quả của hội nghề nghiệp, đặc biệt là hội kế toán, kiểm toán có trách nhiệm trong việc xử lý đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời phải có thái độ với những báo cáo tài chính không chính xác. Nếu không, khi đưa ra công chúng sử dụng tài liệu này rất nguy hiểm.
Ông Khái cũng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm toán, đồng thời có cơ chế khuyến khích lãnh đạo các DN làm ăn có lãi hơn mức bình thường thì phải có một cơ chế phần trăm để động viên.
Dự án 72 tỷ thành gần 2.600 tỷ: Khó tìm ‘bột nở’ từ chuột thành voi
Liên quan dự án đội vốn từ 72 tỷ lên gần 2.600 tỷ đồng, ĐBQH nói, cả thế giới khó tìm ra ‘bột nở’ nào biến con chuột nhắt thành voi như vậy.
ĐB truy Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cổ phần hoá 10 DN chỉ bằng căn nhà phố cổ
ĐB Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể kiểm tra lại hiệu quả của các DN ngành giao thông sau cổ phần hoá.
DN lỗ, không ai phải chịu trách nhiệm
ĐB Hoàng Văn Cường nêu thực tế, dù DN lỗ nhưng không ai phải chịu trách nhiệm, chưa có ai bị mất chức hay đi tù về chuyện quản lý yếu kém.
Xử BS Lương: Thu tiền chạy thận gấp đôi, BV Hoà Bình vẫn báo lỗ
Giá chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình gần gấp đôi BV Bạch Mai, tuy nhiên suốt 7 năm, BV luôn báo lỗ.
Đặc khu: Giữ đất hút ‘đại bàng’, không để 'chim sẻ', 'chim sâu' chiếm hết
Để các thế lực ngầm thôn tính hết đất tại các đặc khu tương lai, sau này ‘đại bàng’ đến không còn đất.
Thu Hằng