- Bên lề QH sáng nay, ông Dương Trung Quốc cho rằng việc xử lý kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng sẽ rất nguy hiểm nếu chỉ làm trường hợp này mà không làm trường hợp khác.

Quốc hội, Chính phủ đang thực hiện quy trình để xử lý kỷ luật hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng, nhưng đây là trường hợp chưa có tiền lệ. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Việc xử lý trách nhiệm kể cả người về hưu, nhất là đối với cán bộ cấp cao tôi cũng như toàn bộ người dân đều hoan nghênh, nhưng cách làm như thế nào thì phải đúng luật.

Có thể có một số ngoại lệ để bảo đảm tính răn đe, nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu chỉ là điển hình. Có nghĩa chỉ làm trường hợp này thôi mà không làm trường hợp khác nữa.

Nếu không, phải xây dựng thành hệ thống luật như việc cách chức một người đã hết chức từ lâu rồi thì để giải quyết vấn đề gì?

{keywords}
ĐB Dương Trung Quốc. Ảnh: Phạm Hải

 Điều tôi muốn nói nhiều hơn là làm sao ta phải xử được khi người ta đương quyền thì mới ngăn chặn được hậu quả. 

Tôi cho rằng, trong hoàn cảnh này nên coi đây là khởi động cho việc không phải là xử lý hậu quả mà ngăn chặn hệ quả tiêu cực.

Tại sao bây giờ lãnh đạo mới nhận thức ra

Có nghĩa việc giám sát quyền lực có vấn đề?

- Có vấn đề ở chính nhà lãnh đạo. Tại sao bây giờ các nhà lãnh đạo mới nhận thức ra.

Thôi thì chậm còn hơn không làm, làm để hướng đến ngăn chặn, để bảo vệ cán bộ, bảo vệ uy tín, quan trọng hơn là bảo vệ được Đảng của dân.

Quốc hội khóa trước đã giám sát, bỏ phiếu tín nhiệm và tín nhiệm vẫn tốt - phải chăng việc giám sát của Quốc hội cũng chưa chặt chẽ?

- Vừa rồi tôi có phát biểu là dấu ấn của Quốc hội trong hoạt động Chính phủ ở đâu. Quốc hội nào có Chính phủ đấy.

Cái này phải soi vào trong những hạn chế của Chính phủ thì có cái nào của Quốc hội không, đặc biệt trong phương diện hệ thống luật pháp Quốc hội ban hành và giám sát.

Như chuyện nhà 8B Lê Trực, có ai không nhìn thấy đâu, nhưng chẳng ai biết cái gì ở trong cả. ĐBQH Hà Nội, hay như tôi sống ở HN cũng chẳng biết.

Cơ quan Chính phủ, thanh tra tôi không nói, nhưng cơ quan giám sát đâu. Cơ quan giám sát mà lỏng lẻo thì Chính phủ lạm quyền. Cho nên bất cứ điều gì cũng phải nhìn trong tổng thể, nhất là trong thiết chế của ta không phải tam quyền phân lập.

Về vụ ông Vũ Huy Hoàng thì điều quan trọng là đừng để xảy ra để phải giải quyết hậu quả. Để giải quyết hậu quả mang tính đặc thù, điển hình, chỉ làm một lần thì những với những người sai phạm đã về hưu khác thì có làm không?

Nếu không bắt đầu từ cái biển xanh của Trịnh Xuân Thanh thì có vấn đề Trịnh Xuân Thanh không? Không từ việc của Trịnh Xuân Thanh thì có vấn đề ông Vũ Huy Hoàng không?

Tôi rất ủng hộ những việc làm nghiêm khắc nhưng phải bài bản, trước hết phải tuân thủ luật pháp, đừng coi là điển hình, thì mới mang lại lòng tin của người dân.

Pháp luật không quy định người về hưu thì không xử lý

Có ý kiến cho rằng những vấn đề chưa quy định thì phải quy định để đưa ra Quốc hội xin ý kiến tại kỳ họp này để xử lý ông Vũ Huy Hoàng?

- Điều đó là đương nhiên. Phải xử lý chứ! Có ai nói là người về hưu thì không xử lý, có luật pháp nào quy định không xử lý đâu.

Vấn đề tôi băn khoăn ở đây là cách chức một người không còn chức. Ta hay trọng chữ nguyên. Tôn trọng người đi trước tôi cho là một đạo lý, nhưng chữ nguyên can thiệp vào đời sống xã hội nhiều quá. 

Cho nên, băn khoăn để nguyên bộ trưởng là một điều ghê gớm. Nguyên chỉ là nhắc lại một chuyện đã qua rồi. Nguyên là hoàn thành rồi, thôi thì mình đóng góp, tôn trọng nhưng tôn trọng ở một mức độ nào đấy thôi.

Có nhiều cơ chế giám sát, tập trung dân chủ nhưng chủ yếu áp dụng ở cấp thấp, như trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng thì ai giám sát, thưa ông?

- Như trường hợp ông Vũ Huy Hoàng thì Thủ tướng phải chịu trách nhiệm về thành viên của mình. Đảng phải chịu trách nhiệm về Ủy viên Trung ương của mình.

Rút kinh nghiệm là ở chỗ ấy. Trừng trị người sai nhưng cũng phải rút kinh nghiệm những người góp phần để dung túng cho những cái sai đó.

Thúy Hạnh