- Bộ Y tế tiếp tục bảo lưu đề xuất cấm bán rượu bia sau 22h, tuy nhiên thay vì áp dụng đại trà, dự kiến sẽ áp dụng thí điểm và có lộ trình.
Áp dụng thí điểm
Tại hội thảo ngày 2/4 về phòng chống tác hại rượu bia do Vụ Pháp Chế, Bộ Y tế
chủ trì, bà Trần Thị Trang, Vụ phó Vụ Pháp chế cho biết, sau khi vấp phải những
ý kiến quan ngại từ phía dư luận, Bộ đang tiếp tục nghiên cứu để đưa ra
được những phương án tốt nhất trong Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của việc
lạm dụng rượu bia.
Theo đó, đề xuất hạn chế giờ bán rượu bia vẫn được giữ nguyên (từ 22h-6h sáng),
tuy nhiên thay vì áp dụng đại trà, khi thực hiện sẽ tiến hành thí điểm theo lộ
trình.
Cảnh ăn nhậu của người Việt diễn ra ở khắp nơi. |
"Song song với việc áp dụng thí điểm, chúng tôi sẽ quy định rõ nguồn lực
kinh phí, phương tiện cũng như chỉ ra cơ quan thẩm quyền nào có trách nhiệm kiểm
tra, xử lý vi phạm, tránh tính trạng quan xã uống tại nhà dân, quan huyện uống
tại nhà quan xã nhưng không ai xử lý", bà Trang nói.
Đồng tình với đề xuất trên, bà Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức phi chính phủ
HealthBridge tại Việt Nam cho rằng, luật pháp là một quá trình lâu dài, để thực
thi hoàn hảo cần nhiều thời gian, tuy nhiên nếu không đưa vào sẽ không bao giờ
có hướng giải quyết.
Theo các chuyên gia, điểm khó khi xây dựng luật này là rượu bia đã ăn sâu vào
tiềm thức của người dân và hệ thống pháp luật trong trong lĩnh vực quảng cáo,
khuyến mại rượu bia còn quá nhiều lỗ hổng, làm gia tăng tình trạng sử dụng rượu
bia.
Bà Trang dẫn chứng, luật chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên. Đồng nghĩa
rượu dưới 15 độ, bia và đồ uống có cồn được quảng cáo như hàng hóa, dịch vụ bình
thường, do đó không hạn chế được đối tượng tiếp cận.
Trên thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh bia rượu không ngừng gia tăng chi phí
để quảng cáo. Số liệu thống kê từ một doanh nghiệp bia nổi tiếng cho thấy, kinh
phí quảng cáo tăng chóng mặt từ 202 nghìn tỷ năm 2012 lên 760 nghìn tỷ năm 2013.
Bà Trang kiến nghị cần phải siết chặt hơn nữa hoạt động quảng cáo rượu bia:
Nghiêm cấm quảng cáo, khuyến mại và giới thiệu sản phẩm dưới mọi hình thức đối
với rượu từ 15 độ trở lên; Chỉ được quảng cáo trong phạm vi địa giới của doanh
nghiệp, cửa hàng, đại lý tiêu thụ đối với rượu từ 13-15 độ; Giới hạn thời gian
phát quảng cáo từ sau 21-24 giờ....
Việt Nam tiêu thụ bia lớn nhất khu vực
Dù thu nhập chỉ đứng thứ 8 khu vực song Việt Nam có lượng tiêu thụ bia lớn nhất
Đông Nam Á và đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc.
Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia, 68 triệu lít rượu (rượu kiểm
soát được trong nhà máy), tương đương khoảng 3,2 tỷ USD, chiếm trên 3% số thu
ngân sách của nhà nước, trong khu các doanh nghiệp kinh doanh rượu bia chỉ nộp
thuế 16.000 tỷ đồng.
Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế,
đây chỉ là những con số kiểm soát được, còn số lượng rượu tự nấu hàng chục triệu
lít/năm vẫn chưa đánh giá được.
Bà Hạnh cho biết, trong thập kỷ qua, mức tiêu thụ rượu bia trên toàn thế giới
gần như không đổi, thậm chí bão hòa ở mức 6,2 lít/người/năm thì tại Việt Nam,
mức tiêu thụ rượu bia bình quân đang tăng chóng mặt.
Năm 2007, Việt Nam tiêu thụ trung bình 3,3 lít/người/năm thì đến giai đoạn
2008-2010 đã tăng lên 6,6 lít. Theo đà này, các chuyên gia dự báo, đến 2025,
Việt Nam sẽ vượt thế giới với mức tiêu thụ rượu bia lên đến 7 lít/người/năm.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, nam giới Việt Nam có mức tiêu thụ rượu bia cao
gấp hơn 4 lần mức trung bình của thế giới, khoảng 27,4 lít/năm. Lạm dụng rượu
bia được xếp vào nguy cơ thứ 4 về gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam, là nguyên
nhân chính của bạo lực gia đình, tai nạn giao thông...
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, rượu bia khi vào cơ thể chỉ 2-8% bài tiết qua mồ
hôi, nước tiểu, hơi thở; còn lại hấp thụ trực tiếp vào gan, thận. Theo khuyến
cáo, nam giới không nên dùng quá 2 đơn vị rượu bia và nữ không quá 1 đơn vị mỗi
ngày.
1 đơn vị rượu tương đương với 10 g cồn và tương với 2/3 chai bia 330ml, với 1
cốc bia hơi, 1 cốc 100ml vang hoặc 1 chén (hạt mít) 30 ml rượu mạnh 40 độ.
Thúy Hạnh