Khi ông Foo Suan Pin gọi một nhà thầu đến chặt 3 cây ăn quả trong khu vườn của mình ở đường Holland vào một ngày tháng 9/2007, không có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên tới tháng 2/2009, ông đã bị phạt 6.000 USD khi đệ trình hồ sơ cấp phép xây nhà.

{keywords}
Cây xanh rợp bóng đường phố Singapore. Ảnh: wordpress
Lý do thế nào? Là vì ông đã chặt cây ở trong khu vực bảo tồn cây. "Tôi quyết định đốn cây vì trông chúng cằn cỗi, nhiễm bệnh, lá thì làm tắc nghẽn rãnh nước", ông Foo, 52 tuổi nói. "Trước khi việc này xảy ra, tôi chưa từng biết đến một khu vực bảo tồn cây. Tôi nghĩ tôi có thể đốn hạ vì chúng là tài sản riêng của tôi".

Theo luật Công viên và cây xanh của Singapore, bạn không thể đốn hạ bất kỳ cây nào có đường kính vượt quá 1m đang sinh trưởng trên bất kỳ vùng đất nào bên trong một khu vực được quy hoạch bảo tồn cây xanh hoặc ở vùng đất trống, trừ phi được Hội đồng các công viên quốc gia (NParks) cho phép.

Có hai khu bảo tồn cây ở Singapore, bao phủ khu vực Tanglin-Bukit Timah-Pasir Panjang và ở Changi.

Người vi phạm phải nộp phạt 2.000 USD cho NParks nhưng thậm chí phải nộp phạt lên tới 50.000 USD nếu bị tòa án phán quyết.

Singapore còn quy định với các cây di sản - cây trưởng thành trong và ngoài các khu vực bảo tồn được pháp luật bảo vệ. Những cây này được ghi nhận có giá trị lịch sử và đóng góp cho cảnh quan của Singapore.

Trong trường hợp của ông Foo, nhà chức trách vào cuộc sau khi phát hiện ra rằng, một báo cáo khảo sát đất đai tháng 4/2007 có đề cập tới các cây, trong khi kế hoạch mới của ông không nói gì đến. Và ông không phải là người duy nhất không biết.

{keywords}
Singapore phấn đấu trở thành “thành phố trong khu vườn” vào năm 2016. Ảnh: wordpress

Phớt lờ cảnh báo, phạt 25.000 USD

Tờ Sunday Times đã phỏng vấn 12 cư dân ở hai khu vực và tất cả đều nói không biết các cây được bảo vệ. Bà nội trợ Lily Lean, 63 tuổi, sống ở đường Farrer cho hay: "Tôi không rõ nhà tôi đang ở khu vực bảo tồn cây xanh, nhưng tôi không bao giờ nghĩ sẽ chặt hạ cây của mình". Bà có một cây oliu 6 năm tuổi, đường kính hơn 1m. "Phải mất nhiều năm để một cái cây sinh trưởng, nhưng chỉ mất vài phút để đốn hạ chúng. Tôi nghĩ người dân Singapore cần biết rằng, cây mang lại chất lượng cuộc sống".

Theo NParks, có 40 cây bị đốn hạ mà không được phép kể từ năm 2005. Tổng cộng 37 người đã bị phạt với mức trung bình 2.000 USD/cây.

Cũng trong tháng 2, một chủ đất và một nhà thầu đã phải ra tòa, với án phạt 25.000 USD/người do đã đốn hạ một cây Tembusu (cây lọng ô) cao 21m ở khu vực Bishopsgate thuộc Tanglin. NParks quyết định đưa vụ việc này ra tòa vì chủ đất đã phớt lờ thông báo phải giữ lại cây. Một nhân viên NParks đã khảo sát cây này tháng 11 trước đó và thấy nó vẫn phát triển bình thường. Mặc dù đã có những chỉ dẫn yêu cầu chủ đất giữ lại cây, nhưng người chủ này vẫn nói nhà thầu chặt hạ.

Trong vụ việc của ông Foo, 2 cây xoài và 1 cây chôm chôm bị đốn hạ đã có từ trước khi ông mua ngôi nhà. Ông đã viết thư xin được giảm tiền phạt với lý do đã mất việc làm và có ý định trồng lại 3 cây ăn quả thay thế. Nhưng cuối cùng, ông quyết định nộp phạt vì không muốn ra tòa.

Ông cho rằng, chính phủ Singapore cần nâng cao giáo dục cho người dân về vấn đề này. 'Nếu họ biết tôi mua nhà ở khu vực bảo tồn cây xanh, họ có thể gửi thông báo lưu ý tôi không chặt hạ cây trên đất của mình", ông phàn nàn.

Hồi đáp việc này, ông Simon Longman, giám đốc cảnh quan đường phố của NParks, nói rằng, các chủ đất hay người kinh doanh bất động sản đều phải đăng ký bản kiến trúc cho bất kỳ dự án nào, và sẽ nắm rõ quy định về các khu bảo tồn cây xanh theo luật định. Hơn nữa, thông tin về các khu vực này có sẵn trên các trang web chính phủ. Các khu vực bảo tồn cây đã được công bố rộng rãi nhất là vào năm 2003, khi nhà phát triển bất động sản DTZ Debenham Tie Leung đã đốn hạ một cây Hopea Sangal 150 tuổi mà không được phép.

Shawn Lum, Chủ tịch Hiệp hội tự nhiên cho rằng, trong khi mọi người luôn lập luận, cần phải làm nhiều hơn để nâng cao nhận thức người dân về các chính sách, nhưng điều quan trọng là cá nhân phải biết những gì xảy ra trong cộng đồng của mình. "Nếu họ không chú ý hay thờ ơ, thì giáo dục khó có thể giúp được gì".

Singapore là một quốc đảo xanh sạch đẹp. Với diện tích đất nhỏ hẹp, chính phủ Singapore đang có ý định phủ xanh toàn bộ đất nước thông qua mô hình phát triển "thành phố trong khu vườn". Năm năm gần đây, kế hoạch trồng cây xanh ở Singapore bước vào giai đoạn mới - hướng tới bảo tồn sinh học đa dạng. Nếu trước kia, quốc gia này phát triển theo mô hình “khu vườn trong thành phố”, giờ họ lại đang phấn đấu trở thành “thành phố trong khu vườn” vào năm 2016.

Thái An (theo wildsingaporenews)