- Nhà thầu đơn phương tính tiền lương phát sinh hàng chục tỷ đồng trong công trình xây dựng thủy điện Nậm Mô (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), trong khi chủ đầu tư chưa đồng ý quyết toán. Thế nhưng TAND TP.Vinh vẫn thụ lý đơn đưa ra xét xử, vừa bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị hủy bản án sơ thẩm.
Bị đơn trong vụ án xây dựng thủy điện Nậm Mô là Công ty CP Tổng Công ty Phát triển năng lượng Nghệ An (gọi tắt là chủ đầu tư). Nhà thầu khởi kiện là Tổng Công ty 36, Bộ Quốc phòng (gọi tắt là nhà thầu). Công trình được khởi công từ cuối năm 2010 và đưa vào sử dụng 3/2013.
Tự ý định giá lương phát sinh
Theo bản án phiên sơ thẩm TAND TP.Vinh cho thấy, phiên tòa xét xử từ ngày 20 - 25/4/2016, về việc ''Tranh chấp hợp đồng xây dựng về thanh quyết toán công trình''.
Cụ thể, ngày 22/10/2010 chủ đầu tư ký với nhà thầu hợp đồng xây dựng số 17, về việc xây dựng các hạng mục chính của công trình thủy điện Nậm Mô, số tiền cam kết hợp đồng gần 163 tỷ đồng.
Đến ngày 24/11/2011, chủ đầu tư ký với nhà thầu hợp đồng số: 01 về việc đào hố móng công trình chính của dự án, số tiền cam kết giữa hai bên gần 25 tỷ đồng. Tổng số tiền của cả hai hợp đồng là gần 188 tỷ đồng, tuy nhiên, thực tế nhà thầu thi công khối lượng tương đương số tiền 159 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị hủy án sơ thẩm TAND TP.Vinh |
Hai bên tiến hành nghiệm thu khối lượng hoàn thành theo từng đợt, đưa nhà máy thủy điện Nậm Mô vào hoạt động này 31/3/2013. Đến năm 2014, chủ đầu tư đã thanh toán toàn bộ số tiền 159 tỷ đồng cho nhà thầu.
Tuy nhiên, nhà thầu thi công yêu cầu chủ đầu tư phải thanh toán thêm 57 tỷ đồng tiền trượt giá nguyên vật liệu và tiền lương (trong đó 15 tỷ đồng bù giá nguyên vật liệu, trên 33 tỷ đồng bù giá tiền lương và hơn 9 tỷ đồng tiền lãi suất - PV) do chủ đầu tư chậm thanh toán từ năm 2014 đến lúc TAND TP.Vinh thụ lý đơn.
Cách tính này đã khiến chủ đầu tư không thể chấp nhận theo ý nhà thầu. Trong khi đó, hợp đồng ký hết giữa hai bên có ý, sẽ điều chỉnh giá lương theo hướng dẫn điều chỉnh lương tối thiểu theo vùng của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến 2014, hướng dẫn này của Bộ Xây dựng không nói rõ cách tính lương chung và lương vùng.
Số tiền lương mà nhà thầu tính phát sinh thêm trên 33 tỷ đồng, gần bằng với số lương gốc ban đầu ký kết giữa chủ đầu tư với nhà thầu là 39 tỷ đồng (lương phát sinh trên 80% giá trị hợp đồng - PV).
Phiên tòa sơ thẩm ra quyết định thụ lý đơn, buộc chủ đầu tư phải thanh toán 51 tỷ đồng trên 57 tỷ đồng mà nhà thầu yêu cầu. Lý do 6 tỷ đồng tòa không chấp nhận tiền tính lãi suất chậm chi trả theo đơn nhà thầu.
Tuy nhiên, cũng trong bản án, chủ đầu tư chỉ chấp nhận chi thêm 11 tỷ đồng điều chỉnh giá tiền lương.
Viện Kiểm sát kháng nghị hủy án sơ thẩm
Theo đó, ngày 23/5/2016, VKSND tỉnh Nghệ An có kháng nghị bản án sơ thẩm số 04/2016/KDTM ngày 20 đến 25/4/2016 của TAND TP.Vinh theo thủ tục thẩm phán.
VKS tỉnh Nghệ An đã phân tích, chỉ ra 5 vi phạm của bản án sơ thẩm, trong quá trình giải quyết vụ án của TAND TP.Vinh: Một là, vi phạm trong việc xác định điều kiện khởi kiện vụ án. Đơn cử, tại Điều 110 Luật xây dựng quy định: ''Trong trường hợp xảy ra tranh chấp hợp đồng hoặc hoạt động xây dựng, các bên có trách nhiệm thương lượng giải quyết. Trường hợp không đạt được thỏa thuận giữa các bên, việc giải quyết tranh chấp được thực hiện thông qua hòa giải, trọng tài hoặc Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật''.
Nhà máy thủy điện Nậm Mô ngoài và bên trong |
Tại hợp đồng số 01 và 17 giữa chủ đầu tư và nhà thầu có quy định: ''Thời gian hòa giải là 28 ngày'' hai bên không thỏa thuận thì mới khởi kiện ra tòa...
Hai là, vi phạm trong việc không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng. Đơn cử, quá trình thực hiện hợp đồng 01 và 17, chủ đầu tư có hợp đồng với Công ty thủy điện Bản Vẽ số 04/2012, trong đó có thỏa thuận, thủy điện Bản Vẽ tổ chức nghiệm thu, thanh toán, quyết toán hợp đồng; thanh toán, quyết toán vốn đầu tư với nhà thầu thi công.
Việc Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Công ty thủy điện Bản Vẽ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thiếu sót, vi phạm quy định tại Khoản 4, Điều 56 Bộ luật TTDS.
Ba là, vi phạm trong việc thu thập chứng cứ. Cụ thể, trong vụ án này, để giải quyết tranh chấp khách quan, chính xác thì ngoài tài liệu, chứng cứ như hợp đồng xây dựng; lời khai các bên đương sự còn cần thu thập thêm chứng cứ: Hồ sơ thanh toán, quyết toán hợp lệ; kết quả thẩm định, giám định, kết luận của cơ quan chuyên ngành; lời khai và các tài liệu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan....
Bốn là, vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ, đơn cử, bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nhà thầu buộc chủ đầu tư phải thanh quyết toán công trình thủy điện Nậm Mô số tiền trên 47 tỷ đồng, cộng lãi suất gần 5 tỷ đồng. Tổng số tiền phải thanh toán là trên 52 tỷ đồng là không phù hợp với phần của bản án và diễn biến khách quan tại tòa...
Trong vụ án này, nhà thầu khởi kiện chủ đầu tư quyết toán hai công trình trị giá 207 tỷ đồng (số làm tròn). Tuy nhiên, tòa sơ thẩm không xem xét quyết định đầy đủ theo đúng yêu cầu của nguyên đơn về số tiền cụ thể 207 tỷ đồng, nhưng lại xác định số tiền còn lại, buộc chủ đầu tư thanh toán còn lại trên 51 tỷ đồng là không có cơ sở.
Năm là, vi phạm về tuyên lãi xuất chậm thi hành án. Cụ thể, bản án tuyên bị đơn phải chịu lãi suất đối với khoản tiền phải thi hành án ''kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án'' mà không tuyên thời gian buộc bị đơn phải chịu lãi suất ''kể từ ngày xét xử sơ thẩm'' là chưa chính xác, gây thiệt hại quyền lợi của nguyên đơn.
VKS tỉnh Nghệ An kết luận, bản án sơ thẩm TAND TP.Vinh đã vi phạm nghiêm trọng cả về tố tụng và nội dung, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Những vi phạm này ở cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Do đó, cần áp dụng khoản 3, Điều 275, khoản 1, Điều 277 Bộ luật TTDS để hủy án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa cấp sơ thẩm giải quyết.
Chủ đầu tư đã không chấp nhận kết quả bản án sơ thẩm, đã làm đơn kháng án lên TAND tỉnh Nghệ An đề nghị xét xử phúc thẩm, làm rõ các nội dung kể trên.
Quốc Huy