- Đường lưỡi bò lúc đầu là 11 đốt cho đến năm 1953 được điều chỉnh thành 9 đoạn, bỏ 2 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ, không rõ nguyên nhân. Trên thực tế đến nay không có bất kỳ một tài liệu nào cho biết toạ độ cũng như vị trí chính xác của nó.
Mơ hồ trong nguồn gốc
Đường lưỡi bò phi lý |
Tại sao có đường lưỡi bò, khi nào, ai là tác giả, vẽ nhằm mục đích gì, trong hoàn cảnh nào là những câu hỏi cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Theo các tác giả TQ, đường chữ U lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ các đảo trong biển Nam Trung Hoa - The Location Map of the South China Sea Islands (Nanhai zhudao weizhi tu) do Phó Giác Kim (Fu Jiaojin), Wang Xiguang biên soạn và được Vụ Địa lý của Bộ Nội vụ TQ xuất bản năm 1947. Đường này có tên gọi đầu tiên là đường hư tuyến. Một số người khác còn cố đẩy thời gian xuất xứ của con đường này xa hơn nhằm mục đích giải thích có lợi cho TQ.
Họ cho rằng, đường chữ U này do một người tên là Hu Jinjie vẽ từ năm 1914 và đến tháng 12/1947, một viên chức của Cộng hòa Trung Hoa tên là Bạch Mi Sơ (Bai Meichu) vẽ lại trong một bản đồ cá nhân. Tuy nhiên, các tác giả TQ cũng phải khách quan thừa nhận “không rõ khi vẽ đường này Bai Meichu có đủ hiểu biết và kiến thức về luật biển quốc tế đương đại hay không”. Học giả Lý Lệnh Hoa cùng một số nhà nghiên cứu khác lại khẳng định “đường hư tuyến do viên quan chức vụ nội chính tên Trịnh Tư Ước tiện tay vẽ mà không căn cứ vào bất kỳ cơ sở nào”.
Daniel Schaeffer trong cuốn sách “Biển Đông: Những điều hoang tưởng và sự thật của đường lưỡi bò” và các nhà nghiên cứu nước ngoài khác cũng cho rằng, bản đồ đường đứt khúc này xuất hiện trong một tập bản đồ tư nhân (chứ không phải của nhà nước). Các tác giả TQ cũng không thống nhất được tên gọi đường này là đường đứt đoạn 9 khúc, đường lưỡi bò, đường chữ U hay đường hư tuyền. Về bản chất nó đúng là một đường hư truyền, không nguồn gốc với những nội dung phi lý và mơ hồ.
Mơ hồ trong hình thức thể hiện
Đường lưỡi bò lúc đầu là 11 đốt không liên tục vẽ bao gộp các quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, Trường Sa và bãi ngầm Trung Sa, có điểm giới hạn phía Nam là vĩ tuyến 40 tại bãi ngầm Tăng Mẫu (James Shoal) gần bờ biển Malaysia. Theo các tài liệu công bố, năm 1953 đường 11 đoạn đã được điều chỉnh thành 9 đoạn, bỏ 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ, không rõ nguyên nhân. Trên thực tế đến nay không có bất kỳ một tài liệu nào cho biết toạ độ cũng như vị trí chính xác của đường lưỡi bò.
Tàu TQ sẵn sàng đâm vào tàu Cảnh sát biển VN. Ảnh: Cảnh sát biển VN |
Chính quyền TQ cũng chưa bao giờ đề cập đường lưỡi bò như là một ranh giới bất khả xâm phạm đối với chủ quyền TQ. mặc dù các bản đồ biển Nam Trung Hoa đều có thể hiện đường này. Đến tháng 6/2014, đường 9 đoạn này lại được thêm 1 đoạn ngang Đài Loan. Việc thêm, bớt thể hiện rõ tính tùy tiện và mơ hồ của các chính quyền TQ.
Theo luật quốc tế, một đường biên giới hay yêu sách lãnh thổ phải được thể hiện đường liền, có tọa độ rõ ràng và có tính ổn định theo thời gian. Đường lưỡi bò lúc thì 11 đoạn, lúc thì 9 đoạn, lúc lại 10 đoạn, vẽ tùy tiện, không tọa độ, không thể là một đường yêu sách biên giới rõ ràng theo đúng các quy định của luật quốc tế.
Mơ hồ trong nội dung
Các tài liệu chính thức của TQ đều lảng tránh câu hỏi đường lưỡi bò yêu sách cái gì, đảo, vùng nước hay cả hai. Tuyên bố lãnh hải của TQ năm 1958 quy định các đảo có lãnh hải 12 hải lý, bên ngoài là biển cả, không đề cập gì đến đường lưỡi bò. Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của CHND Trung Hoa năm 1998 tuyên bố đảo có các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhưng bảo lưu các quyền lịnh sử.
Công hàm số CML/17/2009 và CML/18/2009 ngày 7/5/2009 của Phái đoàn thường trực CHND Trung Hoa gửi Liên hợp quốc và tấm bản đồ đính kèm thể hiện đường đứt khúc 9 đoạn (đường lưỡi bò) ở Biển Đông. khẳng định “đối với chủ quyền không thể tranh cãi của TQ trên các đảo trong Biển Nam Trung Hoa và các vùng nước kế cận, cũng như các quyền chủ quyền và tài phán đối với các vùng nước, vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của chúng..” và “được quốc tế biết đến rộng rãi”.
Vùng nước kế cận ở đây là gì hay là vùng nước nằm trong đường lưỡi bò?
Công hàm ngày 14/4/2011 của Phái đoàn thường trực CHND Trung Hoa tại Liên hợp quốc phản đối Công hàm ngày 5/4/2011 của Phái đoàn Philippines lại nhắc đến các quyền lịch sử và tìm cách làm hài hòa giữa quyền lịch sử với Luật biển hiện đại bằng cách tuyên bố quần đảo Nam Sa hoàn toàn có các vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. “Chủ quyền, các quyền và quyền tài phán liên quan của TQ tại Biển Nam Trung Hoa được hỗ trợ bằng các bằng chứng lịch sử và pháp lý phong phú” và “Từ những năm 1930 chính phủ TQ đã nhiều lần công bố phạm vi địa lý quần đảo Nam Sa và tên các thành phần của chúng. Quần đảo Nam Sa do đó đã được xác định rõ ràng”.
Các khái niệm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa lúc đó còn chưa tồn tại. Nếu phạm vi địa lý của quần đảo Nam Sa (Trường Sa - tên VN) là đường lưỡi bò thì có chuyện ngược đời là đi xác định các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa bên trong vùng nước mà Bắc Kinh coi như là nội thủy. Hay các đảo trong quần đảo Nam Sa mà TQ yêu sách có vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhưng không vượt quá phạm vi đường lưỡi bò?
Hay cả quần đảo Nam Sa được coi là một tổng thể để đòi hỏi vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa như một quốc gia quần đảo? Hay phạm vi địa lý quần đảo Nam Sa là đường lưỡi bò và sẽ tiếp tục đòi hỏi từ đó 200 hải lý đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Nguyễn Hồng Thao