- Theo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp trước, nhiều người dân sau khi nhường đất cho những công trình kinh tế quan trọng của đất nước đang rất khó khăn trong sinh sống và sản xuất ở nơi mới.

Những năm qua, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị, dự án công trình thuỷ điện, thuỷ lợi... được xây dựng, trong đó có một số dự án có diện tích thu hồi lớn và nhiều hộ dân phải tái định cư.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đến hết năm 2011, cả nước có 283 khu công nghiệp, khu chế xuất ở 58 tỉnh thành với tổng diện tích khoảng 76 nghìn ha, 15 khu kinh tế ven biển ở 15 tỉnh thành, diện tích khoảng 662 nghìn ha. Về các dự án thuỷ điện, chỉ tính riêng 24/30 dự án do EVN làm chủ đầu tư, diện tích đất thu hồi là 110.542 ha, khiến 39.792 hộ với 192.793 nhân khẩu phải di dời.

Việc tái định cư cho số dân này đã được nhà nước, địa phương và các chủ đầu tư quan tâm như xây dựng các khu tái định cư khang trang, kiên cố, đầy đủ cơ sở hạ tầng, các dịch vụ kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục..., song kết quả giám sát cho thấy, tại nhiều khu tái định cư, đời sống và sản xuất của người dân còn nhiều khó khăn.

Bản tái định cư thuỷ điện Sơn La. Ảnh: VOV

Khả năng phục hồi kinh tế và ổn định cuộc sống diễn ra chậm, kéo dài. Khu tái định cư xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, Hoà Bình, sau khi di dân cho thuỷ điện Hoà Bình được 40 năm, cơ sở hạ tầng vẫn còn yếu kém, gần một nửa là hộ nghèo. Khu tái định cư xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An sau 5 năm chuyển đi để xây dựng thuỷ điện Bản Vẽ, vẫn còn gần 90% trong số 2.100 hộ là hộ nghèo...

Nhiều hộ dân quay về khu vực lòng hồ thuỷ điện để sinh sống, gây khó khăn cho công tác quản lý tại cả nơi ở cũ và nơi tái định cư của người dân.

Quy hoạch, cơ sở hạ tầng ở nhiều khu tái định cư chưa phù hợp với tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhà mới ở đồng bằng chỉ nhỏ bằng 1/5-1/10 nhà cũ ở miền núi khiến người dân không thể phát triển kinh tế hộ gia đình. Tái định cư cũng chưa gắn với tái định canh, định mức diện tích đất sản xuất mới thấp hơn nhiều so với dất bị thu hồi, dất lại xấu, thiều nguồn nước, canh tác khó khăn.

Thiếu nước sạch, nhà cửa nhanh xuống cấp, không có trường học, bệnh xá... cũng là những hạn chế gây khó cho đời sống người dân tái định cư.

Đặc biệt, trong thu hồi đất thiếu các cơ chế giải pháp hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, dẫn đến tình trạng thất nghiệp trở nên bức xúc ở nhiều vùng thu hồi đất, tái định cư. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 năm 2006-2010, ở 20 tỉnh thành, trong số 298.093 lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, chỉ có gần 60% có việc làm.

Theo giám sát, nguyên nhân của những hạn chế trên là do tầm quan trọng của việc tổ chức tái định cư chưa được chú trọng đúng mức, từ trung ương đến địa phương và chủ đầu tư, trong tất cả các việc từ quy hoạch, xây dựng, quản lý đến đầu tư phát triển, giải quyết việc làm. "Có nơi coi việc chi trả đầy đủ tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người có đất bị thu hồi là hoàn thành xong trách nhiệm", báo cáo nêu.

Về chính sách, pháp luật đất đai, việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất chỉ mới tính đến đất và các tài sản bị thiệt hại trực tiếp mà chưa tính đến những thiệt hại liên quan về kinh tế, xã hội khi người dân phải bắt tay làm lại từ đầu ở nơi mới.

Trên cơ sở kết quả giám sát này, UB Thường vụ QH kiến nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện công tác tái định cư và các văn bản pháp luật liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Cơ quan giám sát cũng kiến nghị tiếp tục hoàn thiện khung giá đất và chính sách bồi thường hợp lý cho người dân, quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không phải do người sử dụng đất tạo ra, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân bị thu hồi đất. Các địa phương cũng được khuyến khích kết hợp nhiều phương án bồi thường khác nhau như đất đổi đất, bồi thường bằng tiền, góp vốn hoặc giá trị quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp như đóng góp cổ phần.

UB Thường vụ Qh cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo tích cực việc khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đảm bảo dân chủ công khai, đúng chính sách pháp luật, đảm bảo lợi ích của cả nhà nước và người dân, hạn chế khiếu nại, tố cáo, giữ gìn trật tự xã hội.

Cùng với đó là hoàn thiện cơ sở hạ tầng và chú trọng giải quyết việc làm để người dân sau khi bị thu hồi đất, chuyển đến nơi ở mới ổn định và phát triển một cách bền vững.

Chung Hoàng