- Trao đổi với VietNamNet về luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi sẽ được trình Quốc hội ngày mai (26/10), cố vấn chính sách của UNDP tại Việt Nam Jairo Acuña-Alfaro cho rằng việc sửa đổi lần này phải có những điều chỉnh căn bản, với các chế tài xử phạt mạnh tay. Nếu không, quy định sẽ chỉ là những "con hổ giấy".

Chế tài cụ thể

Dự án luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 lần này. Theo ông, quá trình sửa đổi cần ưu ý những điểm gì?

- Theo tôi, ban soạn thảo cần một hướng tiếp cận để sửa căn bản và chuyên sâu.

Thứ nhất, cần chế tài xử phạt mạnh tay hơn để ngăn ngừa tham nhũng. Thứ hai, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cũng cần được làm rõ và cụ thể, đầy đủ hơn nữa. Thứ ba, giảm thiểu sự chồng chéo chức năng và lợi ích trong hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Thứ tư, cơ cấu lại cơ quan chỉ đạo phòng chống tham nhũng sao cho độc lập và tự chủ hơn.

Một điểm bất cập nữa trong luật hiện hành liên quan đến xử lý hành vi tham nhũng. Luật chỉ tập trung vào danh mục các đầu việc phải làm chứ chưa cụ thể hóa. Chẳng hạn, có rất nhiều điều khoản yêu cầu cụ thể về công khai minh bạch trong đất đai, giáo dục, y tế nhưng thiếu mất phần thứ hai là nếu không công khai, minh bạch trong những lĩnh vực đó thì sẽ bị xử lý như thế nào.

Ông Jairo Acuña-Alfaro: Dân giàu lên có lợi cho đất nước, nhưng không phải giàu từ tham nhũng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Do vậy, luật sửa đổi cần có những điều chỉnh căn bản, bao gồm các biện pháp chế tài cụ thể hoặc dẫn chiếu các điều khoản liên quan có tính chất chế tài đã quy định ở các văn bản luật có sức mạnh răn đe khác, như Bộ luật Hình sự, luật Cán bộ, công chức... Nhờ đó có thể xử lý hiệu quả hơn các hành vi tham nhũng cũng như sửa đổi hành vi trong khu vực Nhà nước.

Ai phải kê khai tài sản?

Một giải pháp được nhiều người kỳ vọng sẽ ngăn ngừa được tham nhũng là kê khai tài sản, song dường như việc kê khai vẫn đang rất hình thức. Nên thay đổi cách làm này thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

- Luật hiện hành có hẳn một mục về kê khai tài sản và cũng bao gồm danh mục dài những nội dung cần phải đưa vào bản kê khai. Tuy nhiên, danh mục đó hầu như không đề cập tới chế tài xử lý các trường hợp không kê khai hoặc kê khai không trung thực.

Có thể ví chuyện kê khai tài sản hiện nay giống một con hổ giấy.

Cách làm mới là nên áp dụng chế tài xử phạt hữu hiệu. Nếu ai đó không tuân thủ quy định kê khai tài sản thì sẽ phải chịu hình thức xử phạt tương ứng. Có thể chỉ là xử phạt hành chính. Bởi vì, các hành vi cần hình sự hóa thì được điều chỉnh trong Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, hiện đang có cách hiểu sai về khái niệm kê khai tài sản. Dự án luật sửa đổi lần này lại gia tăng số đối tượng cần phải kê khai. Trong khi chỉ nên tập trung vào số cán bộ, công chức giữ trọng trách. Đó là lãnh đạo cấp cao, bộ trưởng, thứ trưởng, tổng giám đốc các doanh nghiệp nhà nước. Tôi cho rằng không nên yêu cầu nhóm công chức cấp xã cần phải kê khai tài sản. Đầu tiên nên chọn lựa khoảng trăm người trước khi mở rộng lên tới con số hàng ngàn cán bộ, công chức.

Nhưng đang có một thực tế là rất nhiều quan chức đã giàu lên từ tài sản bất minh, từ đầu cơ đất đai. Vậy phải làm thế nào để giám sát và kiểm soát được số tài sản này?

- Theo chúng tôi hiểu thì Việt Nam còn bảo lưu chưa áp dụng một số điều khoản bắt buộc trong công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng. Một trong những điều khoản đó liên quan đến việc làm giàu bất hợp pháp.

Tôi cho rằng trách nhiệm của các nhà chức trách ở Việt Nam là phải chứng minh rằng tất cả tài sản mình sở hữu đều là hợp pháp.

Dự án luật sửa đổi lần này có thể đưa ra cách tiếp cận mới với vấn đề này. Đó là, thay vì yêu cầu tất cả cán bộ, công chức phải đi kê khai tài sản thì nên yêu cầu tập trung vào nhóm đối tượng giàu lên bất ngờ, nhanh chóng. Những người này sẽ phải chứng minh nguồn gốc số tài sản tăng thêm.

Câu hỏi tôi muốn đặt ra ở đây là tại sao chế độ lương của cán bộ, công chức hiện nay rất thấp nhưng họ lại rất muốn trở thành cán bộ, công chức?

Việc người dân giàu lên là điều có lợi cho đất nước. Nhưng không phải giàu từ tham nhũng.

Lê Nhung

Phần 2: Chống tham nhũng, đừng dùng 'bình cũ rượu cũ'