- "Giữa tháng 10/2010, chúng tôi nhận được lệnh từ tòa soạn: Về miền Trung. Lúc này, tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, người dân đang phải oằn mình chống lại cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Thông tin về cơn lũ lịch sử đang diễn ra tại các tỉnh miền Trung ngày càng đổ dồn dập về tòa soạn. Trên trang nhất các tờ báo, đâu cũng "chỉ thấy" một biển nước mênh mông, những cánh tay của người dân vẫy vùng giữa biển nước để chờ đoàn cứu hộ đi qua..." - hậu trường chuyện tác nghiệp bão lũ do chính những phóng viên trực tiếp ra "chiến trường" kể lại nhân dịp năm mới.


Vượt biển nước vào rốn lũ


Bắt vội chuyến xe đò về thẳng Hà Tĩnh, nhưng chỉ mới đến Thành phố Vinh, tài xế đã thông báo: Quốc lộ 1A, đoạn từ Nghệ An vào Hà Tĩnh đã bị tắc cứng, xe khách không thể lưu chuyển được nên chúng tôi đành cuốc bộ lang thang.

Liên lạc với Quân khu 4, nhận được câu trả lời: sáng giờ có 4 chuyến xe chở ca nô cứu hộ đi vào tâm lũ Hà Tĩnh rồi, còn một chuyến vừa đi được 10 phút. Tôi vội vàng phi xe máy đuổi theo với một suy luận logic: mưa lớn, đuờng tắc, chắc xe sẽ dừng lại ở một điểm nào đó.

Chạy hơn 15 km từ Vinh sang đến địa phận Hà Tĩnh thì gặp một đoàn xe dừng lại. Lòng chợt vui khi thấy một chiếc xe biển đỏ đang cố lách mình để vuợt qua đoàn xe tắc hàng km. Vứt xe máy tại một nhà người dân không quen, chúng tôi trèo lên thùng xe sau khi thông báo mục đích phải vào bằng được Hà Tĩnh trong đêm.

Mưa như tát nước vào mặt. Gió quất tứ bề. Chiếc xe rung bần bật trước mỗi đợt gió. Mênh mông nước, không thể phân biệt đâu là đường, đâu là biển nước nếu như không có những chiếc cọc tiêu liêu xiêu ven đường. Chiếc xe cứ như vậy mò mẫm nhích đi. 

Hàng triệu người dân cùng hướng về rốn lũ miền Trung.

Liên hệ ngay với lãnh đạo Hà Tĩnh, được biết không còn ai ở thành phố nữa. Toàn bộ đã được huy động lên Hương Khê, Vũ Quang để cứu dân. Tiếng ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh thét lên qua điện thoại: “Lũ cuốn phăng hết rồi, làng mạc giờ chỉ còn trắng xóa một màu toàn nước là nước. Chúng tôi đang nỗ lực cứu dân bằng mọi giá”.

Giọng ông lạc dần, nhường chỗ cho tiếng gào rú của chiếc ca nô đang cố tìm cách vượt qua dòng nước hung dữ.

Cảnh trục vớt chiếc xe khách tử nạn.

Gọi điện cho cộng tác viên Kiều Anh của VietNamNet ở Hà Tĩnh, bởi một lý do duy nhất: giờ này, may ra con xe lội nước của anh mới đủ sức vượt lũ lên Hương Khê. Biết có anh em ở Hà Nội về tiếp sức, anh chỉ con xe Fortune mới cóng rồi bảo: “Lên xe, may ra con xe “lội nước” này mới đủ sức chạy lên vùng tâm lũ”.

Chiếc xe nhích dần giữa biển nước mênh mông. Lúc này, toàn bộ khu vực quốc lộ 1A nước đã ngập trắng xóa, không thể phân biệt được đâu là đường, đâu là ruộng nữa. Xe chạy được khoảng 5 km thì dừng lại vì nước đã ngập đến gần 1m. Mấy anh Cảnh sát giao thông ướt như chuột lột hổn hển: “Quay lại đi, không thể lên đó được giờ này. Hiện tại đã có lệnh cấm tất cả các phương tiện cơ giới lưu thông qua đoạn đường này”.

Không thể lên được tâm lũ, anh em vội quay xe về. Biết mọi người nóng ruột, Kiều Anh cười nhăn nhúm: “Thôi, đường nào thì cũng không thể lên đó bây giờ được, mưa đang lớn, lũ đang lên. Anh em về nghỉ, ăn tạm cái gì đó, 4h sáng hy vọng nước rút, mình sẽ lên”.

Đêm hôm đó, mấy chúng tôi không ai chợp mắt được. Hình ảnh chiếc bàn thờ lập vội trong những góc nhà nước còn ngập; những chiếc thuyền chênh vênh, chở những người xấu số bị lũ cuốn trôi, những vành tang trắng trên khuôn mặt trẻ thơ, những cánh tay vẫy vùng trong tuyệt vọng, khi bốn bề chỉ còn mênh mông nước… cứ ám ảnh lấy chúng tôi.

“Làm bão lũ phải lỳ, liều”


4h sáng, mưa có dấu hiệu giảm, nước trên quốc lộ 1A đã rút được phần nào, 3 anh em lại lên xe, loay hoay tìm đường lên rốn lũ Hương Khê. Đi ngược ra Hồng Lĩnh, theo QL 8A, rồi rẽ tắt sang Vũ Quang, Hương Khê là lời khuyên của CTV Kiều Anh. Anh giải thích: Con đường từ Hà Tĩnh đi thẳng vào rốn lũ Hương Khê đã bị nước lũ cuốn phăng, các phương tiện giao thông không thể đi theo cung đường này được.

Trời tối như bưng. Qua ánh đèn mờ đục, vẫn nhìn thấy từng đợt mưa trắng xóa. Chiếc xe oằn mình đi trong đêm tối mịt mùng.

5 giờ sáng, xe đến thị trấn Đức Thọ. Qua ánh điện của chiếc xe 7 chỗ, không thế phân biệt được đâu là đường, đâu là biển nước. Gọi với vào nhà một người dân đang trốn trên nóc nhà tránh lũ, chỉ nhận được câu trả lời yếu ớt: “Xe không qua nổi đâu. Từ chiều đến giờ có nhiều xe đã phải quay lại rồi”. Không tin vào lời nói của người dân, chúng tôi thử bước xuống dòng nước đang ùng ục. Nước lên gần đến nửa người.

Chuông điện thoại rung lên, CTV đang ở rốn lũ nói trong hơi thở gấp gáp: “Tang thương quá anh ạ. Nhà của ngập trắng. Đồ đạc trôi hết theo dòng nước hung dữ. Đi đâu cũng chỉ thấy người dân lật tung nóc nhà để chờ đoàn cứu hộ đến. Có những ngôi nhà, cờ tang cắm trong dòng lũ để chờ đưa người xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhưng nước lũ quá lớn, đành cho người chết vào hòm rồi treo trên cành cây để chờ ngày nước rút”.

Thông tin về 8 người bị chết và 3 người mất tích tại Hà Tĩnh cùng câu nói của đồng nghiệp nơi rốn lũ cứ ám ảnh chúng tôi.

6 giờ sáng, xe đến khu vực xã Phúc Đồng – một trong những địa điểm bị ngập nặng của huyện Hương Khê. Nước ngập đến gần nóc nhà. Một cậu bé vừa chèo thuyền dẫn tôi vào thăm các gia đình bị ngập vừa run run: Lũ lên nhanh quá anh ạ, mấy ngày này người dân nơi đây phải trèo lên nóc nhà để tránh lũ.

Lại nói về chuyện đi thuyền. Với người dân nơi đây, lũ là một “ đặc sản”, bởi vậy nên nhà nào cũng sắm một cái thuyền be bé phòng khi lũ đến. Cứ đến hẹn lại lên, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa bão là người dân rốn lũ lại chuẩn bị sửa sang lại con thuyền.

Để ghi lại được những hình ảnh thương tâm nơi vùng lũ, để đến với từng gia đình, bắt buộc phóng viên phải đi trên những con thuyền bé tin hin này. Và đương nhiên, việc đi lại bằng thuyền cũng bắt buộc phóng viên phải có độ lỳ. Bởi, giữa biển nước mênh mông như thế này, mọi tai nạn đều có thể xảy ra. Và, chẳng ai lường trước hậu quả.

Còn nhớ, trước đó, trong lần tác nghiệp lũ tại Quảng Bình, một phóng viên của VietNamNet không may sảy chân rơi xuống dòng lũ khi đang tác nghiệp. Rất may là lúc đó, chúng tôi đã thả cây sào xuống cho anh bám vào. Người ướt như chuột lột, vừa leo lên đến xuồng cứu hộ, anh còn nhăn nhó: Sao lúc nãy không chụp cho anh một tấm hình!

  • Hoàng Sang – Duy Tuấn