- Nữ nhà báo Mai Anh nổi tiếng khi nhận nuôi và chăm sóc bé Thiện Nhân. Người phụ nữ mảnh mai và yếu ớt lần đầu tiên trải lòng trong chuyên mục Hotface về những những câu chuyện xúc động mà chị gặp trong cuộc sống cũng như những "tai nạn" nghề báo của bố mình - nhà báo Trần Mai Hạnh.
Clip 1: Mai Anh và những câu chuyện tuổi thơ đầy ám ảnh.Clip 2: Mai Anh nói về nghề báo, về những tai nạn nghề nghiệp của bố.
Clip 3: Mai Anh và những câu chuyện xúc động về sự tử tế.
Xem toàn bộ chương trình về nhà báo Trần Mai Anh.
Nhà báo Hà Sơn: Chị nổi tiếng bởi tấm lòng và những việc làm dành cho bé Thiện Nhân lẫn các công việc thiện nguyện. Nhưng nhiều người chưa biết về cuộc sống của chị, chúng ta hãy bắt đầu từ thời thơ ấu được không, thưa chị?
Nhà báo Mai Anh: Cuộc sống của tôi thủa ấu thơ rất đa dạng. Ngày bé nhà tôi ở phố Đồng Nhân, trước mặt ngôi nhà là hồ Hai Bà Trưng, bên trái là Đền Hai Bà Trưng, chiều nào tôi cũng dắt 2 em sang Đền chơi - nơi có cụ rùa đá, cây đa. Thời đó, trẻ con không có đồ chơi như bây giờ nên cứ hiện tượng, sự việc gì ở ngoài là chạy ra xem.
Đối diện nhà tôi có đồn công an phường, ngày bé không hiểu sao có nhiều sự cố như cướp của giết người, đánh nhau, bạo hành.... Vì vậy cứ có đám đông là chúng tôi co cằng chạy ra xem. Xem chán chê cho đến lúc mọi người về hết nhìn những người bị bắt ngồi trong phòng chờ tôi rất thương vì suy nghĩ người ta ngồi đấy cả ngày chắc đói lắm. Vậy là thường hay chạy về nhà lấy cơm nguội, đồ ăn sang đút qua khe song sắt cho họ.
Tuổi thơ của tôi trộn giữa những buổi trưa hè ở sân đình chơi búp đa với ánh sáng lung linh chiếu qua những tán lá hay những đêm có những buổi rước kiệu lung linh và cả những ký ức nhiều số phận, những con người đi qua cửa đồn công an đau đáu chờ sự phân giải thắng thua, những người có tội rất đói...
Nhà tôi khi ấy chỉ hơn 14 mét vuông và mẹ cho chúng tôi sống khá tự do. Tôi vẫn nhớ Hồ Hai Bà Trưng lúc bây giờ lúp xúp và chị em tôi cứ ra đó vớt nòng nọc, cung quăng về nhà nuôi bằng bát, bằng chum vại của mẹ. Nuôi những con vô bổ như vậy nhưng mẹ không cấm nhưng chính điều đó lại là một phần cuộc sống giúp tuổi thơ tôi rất thú vị.
Nhà báo Hà Sơn: Bố chị làm nhà báo, mẹ là nhà giáo. Vậy bố mẹ đã giáo dục và định hướng phát triển sự nghiệp và hình thành nhân cách sống của chị như thế nào?
Nhà báo Mai Anh: Tôi vẫn nhớ hồi bé mình buộc tóc hai bím, rất oai với bạn bè vì có bố làm báo, mẹ làm nhà giáo. Tôi học khá giỏi từ bé. Ngày ấy cuộc sống còn khó khăn, những bài kiểm tra của tôi thường được tập hợp và hai mẹ con gom mang hàng cá, hàng thịt để người ta gói đồ. Vậy là vô hình chung tôi rất nổi tiếng mỗi lần ra chợ Nguyễn Công Trứ được mọi người suýt xoa vì các bài kiểm tra của tôi toàn điểm 10.
Tôi cũng nhớ ngày bé mình đã khóc như mưa khi chứng kiến cảnh một nhóm bạn hư hư con nhà giàu bắt một con mèo hen để con chó Béc Giê vờn. Thương con mèo nên mẹ đã cho tôi nhặt nó về nuôi. Đến khi nó lớn một ngày họ nó bỏ nhà đi, tôi khóc mãi. Chiều chiều sau khi đi học về tôi thường ngồi chầu chẫu ở cột điện bị cụt chờ con mèo về. Mẹ thấy vậy nhưng không bắt về, cứ để tôi ngồi chờ con vật mình yêu quý.
Rồi bỗng một hôm con mèo trở về. Nó kêu meo meo khiến cả nhà tôi nháo nhác mở cửa nhìn lên mái nhà thấy con mèo mẹ thả lộp bộp những con mèo con, có con bị gãy chân cả nhà phải băng và bơm nước đường cứu bọn mèo con. Sau khi thả các con, mèo mẹ bỏ đi đến sáng hôm sau khi nhà tôi mở cửa thấy mèo mẹ bị chết vì trúng bả độc. Và tôi hiểu ra rằng con mèo mẹ đi hoang có con nhưng khi bị trúng bả độc biết sẽ chết đã mang các mèo con về nhà để gửi lại cho chúng tôi.
Tôi kể lại câu chuyện này muốn nói rằng cách mẹ tôi chăm sóc chó mèo hay cách mẹ để tôi tự do với những sở thích riêng giúp tôi nhiều điều trong cuộc sống. Sau này tôi theo nghề báo vì thần tượng bố và ước mơ làm nhà báo nhưng tôi thích tâm hồn của mẹ nên làm thơ giống mẹ. Đó là ngày xưa thôi còn bây giờ cơm áo gạo tiền nuôi con chẳng làm được gì nữa. Nhưng tôi nghĩ tâm hồn thơ và sự đồng cảm với những con vật xung quanh giúp tôi thấy yêu thương những con vật xung quanh, con người xung quanh.
Nhà báo Hà Sơn: Bố chị làm báo, chị và em trai cũng làm báo. Sự nghiệp làm báo của chị dường như ít được nhắc đến trong những phần trả lời phỏng vấn. Mọi người nhớ đến Mai Anh nhiều hơn vai trò một người tử tế, làm nhiều điều thiện nguyện cho xã hội đặc biệt là việc nhận và chăm nuôi bé Thiện Nhân. Chị thấy thế nào khi công việc chính làm báo của mình lại không được nhắc đến nhiều?
Nhà báo Mai Anh: Nếu mọi người nhắc nhiều đến Hành trình Thiện Nhân trước hết giúp được Thiện Nhân chữa bệnh, sau này giúp các em bé khác bị bệnh tương tự có cơ hội chữa bệnh và điều đó quan trọng với tôi hơn những điều khác. Nghề báo giúp tôi nhìn nhận vấn đề một cách sáng suốt. Trong hành trình Thiện Nhân tôi không đóng vai trò của một nhà báo nhưng báo chí lại rất gắn bó với công việc tôi làm.
Ngay từ đầu các đồng nghiệp đã giúp tôi rất nhiều trong Hành trình Thiện Nhân. Những bài báo giúp mọi người biết đến Thiện Nhân, biết đến các cháu bé khác đang cần giúp đỡ. Nhân ngày 21/6 tôi chia sẻ với bạn câu chuyện về nghề báo chúng mình, đó là báo Tuổi trẻ TP.HCM đã đăng 10 kỳ liên tiếp về Hành trình Thiện Nhân, bác sĩ Roberto và những đứa trẻ cần chữa bệnh. Sau khi báo đăng nhiều người tìm đến do vậy chính quý báo đã phải tổ chức một đêm nhạc gây quỹ và nhận được hơn 800 triệu.
Hay như báo VietNamNet của bạn cũng giúp chúng tôi đăng tải các thông tin về phẫu thuật, về bác sĩ. Báo Công An TP.HCM, báo Quân đội nhân dân. Chính những điều chia sẻ từ các bạn đồng nghiệp làm báo giúp tôi thấy trách nhiệm xã hội của các nhà báo ngoài việc đưa tin, đưa bài phản ánh các sự việc thì các nhà báo, tòa soạn làm trên cả yêu cầu của người cầm bút đó là giúp nhân vật của mình. Điều này thể hiện cái TÂM của người cầm bút khi muốn nối dài những điều tử tế trong đời sống. Các đồng nghiệp làm báo khiến tôi tự hào vì mình đang làm nghề này mặc dù các bài báo của tôi không nhiều, đóng góp cho báo chí Việt Nam chưa có gì nhưng tôi rất tự hào vì mình là nhà báo và các đồng nghiệp của tôi nhiều người tốt.
Nhà báo Hà Sơn: Bố chị - nhà báo Trần Mai Hạnh có thời gian dài hoạt động báo chí nhưng trong sự nghiệp của ông đã gặp những tai nạn nghề nghiệp. Vậy những tai nạn nghề nghiệp của bố cho chị những bài học gì?
Nhà báo Mai Anh: Bài học từ những tai nạn của gia đình giúp tôi nhận ra rằng mình làm gì phải đúng cái mình muốn, đúng cái mình thích. Khi có bất cứ điều gì xảy ra với những điều không mong muốn thì thời gian sẽ là câu trả lời tốt nhất. Nhiều người hỏi tôi tại sao lại đón một thằng bé như Thiện Nhân về nuôi. Nhưng thú thật những ngày đầu tôi chẳng suy nghĩ gì vì tôi học được bố một điều rằng mình làm gì thấy đúng thì cứ làm.
Khi mình làm tốt với trái tim mách bảo thì nó sẽ ra những kết cục tốt đẹp. Những khó khăn mà gia đình tôi trải qua đối với tôi bây giờ là sự may mắn bởi nó tích lũy vào mỗi cá nhân tạo ra sự gắn kết và nhạy cảm, sự cứng rắn nhất định nên với khó khăn xảy ra chúng tôi đều hiểu rằng chắc chắn sẽ đi qua được khi mình nỗ lực.
Tôi vẫn còn nhớ ngày đầu tiên đón Thiện Nhân, một người bạn của bố mẹ khuyên: "Con đừng bao giờ dấn thân vào hành trình mà không có kết thúc vì thực sự việc đón bé về nhà và làm sao tiên đoán được đến hôm nay ra sao? Rủi ro nhiều. Cho đến bây giờ Hành trình Thiện Nhân đã mở ra nhiều ngã và tôi không đoán nó sẽ đi đến đâu và được gì.
Nhà báo Hà Sơn: Khi đến nhà chị tôi rất ấn tượng bởi nhà chị nuôi rất nhiều con vật như: rồng đất, rùa, con mèo, con chó cả cá.... Có phải vì bận rộn nên chị nuôi những con để chúng làm bạn với các con khỏa lấp những lúc không có mẹ ở bên hay chị muốn dạy con điều gì thông qua việc nuôi nhiều con vật?
Nhà báo Mai Anh: Thực ra người nuôi những con vật trong nhà nhiều là mẹ của tôi và bọn trẻ con. Ngày xưa mẹ dung túng cho tôi nuôi nhiều con vật và bây giờ lại làm y chang với các con tôi. Đó cũng là niềm vui cho gia đình và tôi đương nhiên cổ vũ.
Mà chuyện nuôi các con vật cũng vui vì mấy bà cháu chí chóe suốt, ví dụ lúc tắm cho con rồng đất bà sợ không dám bắt chỉ Thiện Nhân là người mạnh dạn nhất bắt ra để các anh xịt nước tắm cho nó. Rồi con rùa ăn gì, những món ăn rùa thích hay ăn trong vòng bao lâu để không bị chết thì các con nhà tôi rất thuộc.
Tôi nghĩ các con tôi sống trong môi trường nhiều con thú như vậy cũng tốt bởi nếu nó yêu thương những con thú xung quanh chắc chắn tình yêu thương ấy không chỉ dừng lại ở con vật mà còn là tình yêu của đồng loại xung quanh nữa. Những đứa trẻ có nhiều tình yêu đều rất đáng yêu và để có được điều ấy tôi phải cảm ơn mẹ mình rất nhiều.
Nhà báo Hà Sơn: Việc nhận nuôi bé Thiện Nhân cũng như những hoạt động cho cộng đồng làm lay động trái tim nhiều người vì nó khiến người ta tin vào những điều tử tế của cuộc sống. Chị có thể chia sẻ gì về câu chuyện ấn tượng chị nhận trong đời sống không?
Nhà báo Mai Anh: Khi vào "Hành trình Thiện Nhân" đối với tôi nó giúp tôi sàng lọc đời mình, giúp tôi gặp những điều tử tế hơn, gặp nhiều người tốt vì những người tử tế tìm đến để giúp mình, rung cảm với mình như một lăng kính và vô hình chung nó tạo cho tôi, các con tôi cuộc sống thanh thản, hiền hòa, xung quanh toàn người tốt. Chứng kiến nhiều người khi đến với chúng tôi không phải vì họ cần chữa bệnh mà đôi khi họ tìm đến như tìm sự tốt đẹp hiện hữu, yên bình thanh thản trong cuộc sống có những điều chưa được mong muốn.
Tôi kể bạn nghe có một buổi tối mấy mẹ con đang đi bộ ở phố Hàng Bài bất ngờ gặp một bác già khoảng 70 tuổi, bác gặp và cứ cầm tay tôi khóc. Thoạt đầu tôi nghĩ bác gặp mình mừng quá vì nhà có người bị bệnh hay làm sao nhưng bác cứ nghẹn ngào khóc không nói nên lời. Mấy đứa con đứng cạnh tôi ngơ ngác. Sau đó bác nói rằng bao lâu rồi xem tôi trên tivi nay mới được cầm tay như cầm vào sự tốt đẹp nên bác xúc động. Một người đàn ông trông lam lũ nhưng lại vô cùng chân thành, vô cùng cảm xúc mang lại cho mẹ con tôi sự rung cảm.
Hay như một bạn ở tận Đồng Nai làm nghề sửa chữa điều hòa. Chiều về cứ vài ngày lại gọi điện bảo: "Em làm công nhân, vất vả, thuê nhà trọ nhưng em thích gọi cho chị bởi những gì chị làm như câu chuyện cổ thích, em biết gọi cho chị là làm phiền nhưng thấy điều tử tế có thật".
Thực ra nhiều lúc tôi cũng thấy phiền nhưng tôi hiểu nhiều lúc buồn, thấy cô đơn thì những cuộc gọi như vậy giúp tôi có cảm giác xung quanh mình có người và ở đâu đó nơi xa có mối dây liên lạc giữa mình với người ta, giữa con người với nhau.
Bạn thử hình dung những lúc chả có lý do gì nhưng mình cảm thấy cô độc trên cuộc đời này thì đó những điều tưởng như phiền phức, nhỏ nhoi ấy lại là điểm tựa gắn kết tôi với cuộc đời này. Tôi thấy mình được người ta an ủi.
Nhà báo Hà Sơn: Thưa chị, bây giờ nhắc đến chị là nhắc đến bé Thiện Nhân và ngược lại. Hẳn là khi đón bé Thiện Nhân về chị cũng không lường trước được sự quan tâm của mọi người dành cho mình và dành cho con mình?
Nhà báo Mai Anh: Tôi tự nhận thấy mình không phải là người tốt lắm bởi chưa từng lên vùng cao hay thăm nom các trại trẻ mồ côi, người già vì tôi chưa có cơ hội đi. Khi đón bé Nhân tôi chỉ nghĩ muốn giúp một đứa trẻ và bản tính tôi khi làm gì làm đến cùng. Và đón bé Thiện Nhân tôi bước chân vào một câu chuyện chưa có kết thúc. Nó dẫn ra những câu chuyện sau này. Có những lúc tôi nghĩ lại thấy thời điểm quyết định nuôi bé là đúng và chính vì thế có lẽ tôi mới được cuộc sống an bình như bây giờ.
Nhà báo Hà Sơn: Nhìn lại chặng đường 10 năm nhận nuôi bé Thiện Nhân, điều gì chị muốn nói nhất?
Nhà báo Mai Anh: 10 năm, cột mốc giúp tôi có cơ duyên biết đến thằng bé khiến tôi vẫn nhớ. Thông qua một bản tin thời sự tôi được biết có một cháu bé cấp cứu sau 72 giờ đồng khi khi bị con thú ăn trong tình trạng thương thật nặng và tôi rất muốn biết đứa bé sau khi cấp cứu còn sống hay không, nếu sống thì sống thế nào. Tôi đã tra cứu và tìm kiếm về cháu bé hỏi han khắp nơi sau cùng tôi tìm thấy thông tin từ diễn đàn "Web trẻ thơ" các mẹ trao đổi, đó là manh mối đáng quý giúp tôi tìm bé Thiện Nhân.
Từ ngày ấy đến giờ tôi rất biết ơn các bác sĩ 10 năm trước tại bệnh viện Quảng Nam đã cứu một đứa trẻ bị thương tật nặng, mất nhiều máu. Đó là bác sĩ Tố Trinh - người lấy máu của mình truyền trong ca phẫu thuật. Hay bác sĩ Kiều Trinh, Hiếu Huỳnh là các bác sĩ đặt tên con tôi.
Nhờ bé Thiện Nhân tôi được gặp bác sĩ Đinh Tuệ ở Mỹ, bác sĩ Roberto ở Ý - các bác sĩ từng khám và phẫu thuật cho Nhân. Chúng tôi từ những con người đơn lẻ từ mọi nơi được gặp nhau, gắn kết thành một gia đình với mầm thiện là Thiện Nhân. Các bác sĩ từ Ý, Mỹ sau khi phẫu thuật cho cháu trở thành thành viên của gia đình sang Việt Nam với mong muốn giúp đỡ những đứa bé cùng quê hương của Thiện Nhân bị bệnh tương tự.
Gần đây tôi biết có 2 bác sĩ người Ý tham gia vào ê kíp phẫu thuật thiện nguyện để các em bé Việt Nam có cơ hội khám chữa và tái tạo bộ phận sinh dục. Cho đến bây giờ chúng tôi đã làm ở nhiều bệnh viện trên toàn quốc với hơn 600 em bé được khám, tư vấn miền phí, khoảng hơn 200 ca phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho bé trai, bé gái và nhiều hồ sơ nữa đang chờ đợi chúng tôi làm.
Với một mầm sống nhỏ nhoi của bé Thiện Nhân 10 năm trước khi trải qua những đau đớn đến tột cùng đã lan tỏa tình yêu thương giữa những con người với nhau, hàng nghìn chia sẻ đến với mẹ con chúng tôi và chúng tôi lại chia sẻ cơ hội có với một nghìn em bé khác.
Phần 2: Lần đầu mẹ bé Thiện Nhân tiết lộ về hôn nhân tan vỡ
Sơn Hà - Xuân Quý - Đức Yên - Xuân Phúc