- Thời khắc bước sang năm mới, họ gọi điện chúc tụng, hát hò cho nhau nghe qua bộ đàm để quên đi mệt mỏi. Không chỉ đánh bắt cá, được làm cột mốc sống giữa biển đảo quê hương lúc trời đất chuyển giao là điều tự hào của ngư dân.

 

Thông thường những chuyến ra khơi này các tàu cá luôn gặp nhiều may mắn, thuyền về cá nặng đầy khoang.

Biển là nhà

Trong khi mọi người quây quần đoàn tụ cùng gia đình trong ngày Tết thì các ngư dân của xã Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) hồ hởi giong thuyền ra khơi, hướng thẳng ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Họ đón Tết giữa trùng khơi.

{keywords}

Chuẩn bị ngư cụ cho những chuyến biển xa

Để chuẩn bị cho một chuyến đi biển dài ngày, ngoài những nguyên liệu cần thiết như đá, dầu, lương thực thì lần này, các chủ tàu còn chuẩn bị thêm các loại mứt, bánh kẹo, bánh nếp, đầu heo, thực phẩm… 

Những chuyến biển xuyên Tết kéo dài khoảng 10 ngày đến nửa tháng, nếu thời tiết đẹp thì từ ngày 22-25 âm lịch, các tàu đã giong thuyền ra khơi và trở về trước mồng 10 tháng Giêng.

Mới 19 tuổi nhưng em Nguyễn Thanh Tịnh ở thôn Mỹ Hòa, xã Quảng Phúc đã có 3 năm đón Tết trên biển. Học hết lớp 10, Tịnh nghỉ học ở nhà đi biển đánh cá cùng bố.

Tịnh nhớ lại: “2014 là năm đầu tiên em đi biển xuyên Tết, lúc đầu cũng rất chần chừ vì ngày thường ở biển còn buồn huống chi là Tết, sau đó thấy bố đi nên em cũng quyết định theo cùng. Đợt đó tàu em đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa".

Bữa cơm tất niên năm đó có cá, mực mới đánh bắt được từ biển và đầu heo, gà, bia, kẹo bánh mang từ nhà đi. Thời khắc giao thừa không ai gọi được về nhà vì điện thoại mất sóng, Tịnh cho biết.

Ngước ánh mắt về phía biển, Tịnh kể tiếp: "Lúc đó em nhớ nhà lắm, chỉ chực khóc, sau thấy bố và các chú gọi nhau hát hò chúc tụng qua bộ đàm nên cũng đỡ buồn hơn.

Hai năm tiếp theo quen hơn nhưng vẫn nhớ nhà lắm, cũng may những ngày đó đánh bắt được khá. Nếu năm nay thời tiết đẹp, bố đi biển em sẽ vẫn đi cùng”.

Anh Nguyễn Thanh Bình (45 tuổi, bố Nguyễn Thanh Tịnh) kể: “Chúng tôi thường lên lịch và chuẩn bị trước cho những chuyến đi biển Tết. Trước Tết, nếu đẹp trời là ra khơi. Tôi là chủ tàu cá mang số hiệu QB 98164 TS, mỗi chuyến đi có khoảng 6 bạn thuyền.

Đêm 30, chúng tôi làm đến khoảng 10h rồi nghỉ để làm mâm cơm cúng tất niên. Giờ phút giao thừa, nếu có sóng điện thoại thì gọi về nhà chúc tết gia đình, vợ con, còn không sẽ gọi các tàu bạn khác qua bộ đàm hát hò và chúc nhau năm mới làm ăn phát đạt”.

Những người đi biển luôn tin rằng, trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, cá mực nhiều hơn thường ngày và cũng ít tàu thuyền đánh bắt hơn nên việc khai thác sẽ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, cá đánh về tươi là có thể bán ngay với giá cao.

Thuyền về cá nặng đầy khoang

Vừa gom lưới lại sau một chuyến đi biển, ông Nguyễn Thanh Hải (thôn Mỹ Hòa) cũng chia sẻ: “Tôi gắn bó với biển đã 40 năm và cũng đã nhiều lần đi biển xuyên Tết. Không chỉ đánh bắt cá, được làm cột mốc sống giữa biển đảo quê hương lúc trời đất chuyển giao là điều tự hào của tất cả ngư dân chúng tôi”.

{keywords}

Ngư dân Nguyễn Thanh Bình đã nhiều năm ăn Tết trên biển

Vì đi biển những ngày cận Tết nên các chủ tàu thường cho bạn thuyền ứng tiền trước để gia đình bạn thuyền có tiền mua sắm Tết. Mỗi chuyến đi biển Tết như thế, thu nhập của một ngư dân dao động từ 10-15 triệu đồng. Nếu gặp được luồng cá mực nhiều có thể thu về 20 triệu đồng.

“Đã mấy năm nay mẹ con tôi đón Tết mà không có chồng ở nhà, nhìn gia đình người ta trong ngày Tết cổ truyền cả nhà về đoàn tụ cũng tủi thân lắm. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình, vì biển đảo quê hương nên tôi cũng chấp nhận để chồng đi biển”, chị Trần Thị Bình (phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn) chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thành Đôn, Chủ tịch UBND phường Quảng Phúc, toàn phường có 391 tàu cá, trong đó có 215 tàu trên 90 CV đánh bát ở các ngư trường xa.

“Phong trào đi biển xuyên Tết bắt đầu khoảng chục năm trở lại đây, theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân, đây là thời điểm dễ trúng luồng cá mực nhất. Năm ngoái, phường có khoảng 25% tàu thuyền ăn Tết trên biển”.

Mỗi chuyến đi biển là một hành trình nhọc nhằn, những hiểm nguy ngoài khơi luôn rình rập nhưng ngư dân miền Trung vẫn quyết tâm ngày đêm bám biển vừa sản xuất vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Hải Sâm - Thu Trà