- Nhận định chung của ĐBQH khi thảo luận dự thảo luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sáng nay (18/6) là lãng phí chẳng thua gì tham nhũng. Tham nhũng còn có con người cụ thể, bỏ tù được, lãng phí thì vô cùng.

ĐB Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) phản ánh một loạt biểu hiện lãng phí: khởi công, động thổ linh đình; lễ hội, nhất là sau Tết Nguyên đán, từ cấp quốc gia đến cấp xã, huyện; kỷ niệm ngày truyền thống ở các ngành, hội chứng festival ở các tỉnh...

Xem clip phát biểu của ĐB Huỳnh Thế Kỳ:

"Hay có cuộc hội nghị triệu tập cả nước, mỗi tỉnh trên dưới 5 chức danh, về họp có một ngày, có khi một buổi", ĐB Ninh Thuận chỉ ra. "Trong khi với công cụ họp trực tuyến, có thể tiết kiệm tiền đem xây nhà tình nghĩa cho người nghèo, gia đình chính sách".

Nhưng lãng phí lớn nhất là thì giờ làm việc, không thể quy ra tiền, ĐB Huỳnh Thế Kỳ nói: "Ở nhiều bộ, ban, ngành, người làm không hết việc, nhưng có những nơi cuối ngày đố viết được báo cáo vì có làm gì đâu".

Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Thân Đức Nam (ĐB Đà Nẵng) cũng chỉ ra: Trong xây dựng có thể làm ba ca để rút ngắn thời gian nhưng không làm được vì khi đấu thầu coi trọng giá cả hơn năng lực nhà thầu; thủ tục hành chính quan liêu làm nhiều dự án bị kéo dài, mất cơ hội...

{keywords}
ĐB Thân Đức Nam

Ngoài ra còn tình trạng sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty thiếu hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát lớn, "nhưng báo cáo chỉ nói 5 dòng", như ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phản ánh.

ĐB Trương Thái Hiền (Kiên Giang) phân tích rõ: Báo chí đưa tin chi 865.000 tỷ đồng cho trụ sở làm việc, nhà công vụ và ô tô công, 978.000 tỷ đồng cho chi tiêu công, vốn do hơn 3.000 DNNN quản lý là khoảng 5 triệu tỷ đồng. Nếu tiết kiệm chỉ 5% của tổng ba khoản trên, sẽ có khoảng 350.000 tỷ đồng, xây được khoảng 35.000 căn nhà tình nghĩa cho người có công, người nghèo.

Trước thực trạng đó, các ĐB cho rằng dự thảo luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi còn nặng hô hào, kêu gọi, chưa khả thi. Ông Trương Thái Hiền thấy luật thi hành từ năm 2005 đến nay vẫn chưa trở thành "thanh bảo kiếm" phòng, chống lãng phí, trong khi ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) chỉ ra "chưa ai bị bắt, xử phạt hay truy tố vì để xảy ra lãng phí".

Đòi hỏi "phòng, chống lãng phí phải quyết liệt như phòng, chống tham nhũng", Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Phạm Đức Châu đề nghị luật có những chế tài mạnh. ĐB Huỳnh Thế Kỳ đề xuất nâng thành Bộ luật phòng, chống lãng phí để thêm hiệu lực.

Cá nhân quyết định sai lại núp bóng tập thể

Ông Kỳ kiến nghị xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc làm gương phòng, chống lãng phí để cấp dưới noi theo.

Các ĐB cũng nêu một loạt biểu hiện lãng phí có trách nhiệm của người đứng đầu: "Các dự án nhà máy, bến cảng, đại học, cao đẳng... đang phát triển theo phong trào, quy mô không gắn với chất lượng, không cân đối cung cầu xã hội và nguồn nhân lực", ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) chỉ ra.

ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nhắc đến "bức tranh ảm đạm của các khu đô thị bỏ hoang, đô thị ma, là thực trạng lãng phí nghiêm trọng nhất hiện nay".

ĐB Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) lấy ví dụ việc mua máy móc, trang thiết bị hiện đại, nhưng không sử dụng hoặc không ai biết vận hành, để hỏng, hoặc sử dụng không hết công năng, không hiệu quả.

"Những sự lãng phí này đều bắt nguồn từ người quyết định quy hoạch, đầu tư sai trái, không ít trường hợp đằng sau là những động cơ vụ lợi, nhưng luật pháp hiện hành chưa bóc tách và cụ thể hóa được trách nhiệm cá nhân", ĐB Cao Thị Xuân phân tích.

"Thực chất ý chí của một cá nhân, chính là người ra quyết định, nhưng khi có hậu quả lại núp bóng an toàn trong các chủ trương của tập thể hoặc vô can vì pháp luật đang quy định rất chung chung".

{keywords}
ĐB Cao Thị Xuân: Lãng phí đều bắt nguồn từ người ra quyết định sai trái

Do đó, các ĐB đều yêu cầu làm rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) còn đề nghị "lãng phí đến mức nghiêm trọng thì phải được xem là chiếm đoạt tài sản công, vì mục đích tư lợi, là tham nhũng và phải truy cứu trách nhiệm hình sự".

Bên cạnh đó là trách nhiệm công khai. "Người đứng đầu thường chọn hình thức dễ nhất là công khai tại cuộc họp nội bộ, thông tin không đến được các cơ quan dân cử và quần chúng là các chủ thể giám sát, nên việc công khai chỉ là hình thức", ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) chỉ ra.

ĐB Lê Văn Tân (Hà Nam) đề nghị bắt buộc người đứng đầu công khai các lĩnh vực hoạt động, các tài liệu không mật lên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Dự thảo ghi "tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng là một hình thức phát hiện lãng phí và người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi có phát hiện xảy ra lãng phí có trách nhiệm kiểm tra, làm rõ, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền", nhưng có quy định nào buộc người đứng đầu phải đọc báo để biết có tin bài về vi phạm tại cơ quan, tổ chức mình?

Ví dụ tại kỳ họp này, tôi gửi chất vấn tới Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội về tình trạng áp đặt mất dân chủ trong công tác giảm nghèo ở một số địa phương mà báo chí nói khá nhiều. Bộ trả lời là "không nhận được phản ánh, kiến nghị nào về tình trạng đó". Thế nên, nếu quy định không rõ ràng, chặt chẽ thì dù báo chí có phản ánh, các cơ quan, tổ chức vẫn có thể trả lời theo cách trên.

  ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên)

Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng- Nguồn clip: VTV