>>Cục
Báo chí chính thức quản lý báo điện tử
>> Phạt
207 triệu, đình bản báo điện tử Trí Thức Trẻ
UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH ngày 4/9 chia sẻ với Bộ TT&TT kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về báo chí khi mà luật Báo chí (1989, sửa đổi 1999) đã thực hiện được 15 năm.
Về đội ngũ làm báo, đoàn giám sát đánh giá cao trình độ chuyên môn, tác phong chuyên nghiệp, nhiệt tình, tâm huyết, lòng yêu nghề, dũng cảm của phần lớn nhà báo trong sứ mệnh đem đến cho bạn đọc thông tin nóng hổi cập nhật về mọi mặt cuộc sống.
"Nhưng vẫn còn một bộ phận phóng viên, biên tập viên chưa vững bản lĩnh chính trị, thiếu đào tạo, bồi dưỡng về đạo đức nhà báo, chưa chắc chuyên môn, nghiệp vụ", báo cáo nhắc đến tình trạng viết tin bài cẩu thả, hời hợt, thậm chí nghiêm trọng hơn là lợi dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu doanh nghiệp, người dân.
|
Ảnh
minh họa: CafeBiz
|
Từ đó báo cáo chỉ ra một số bất cập của hoạt động báo chí như thiếu phân tích, dự báo, đấu tranh với các thế lực thù địch chưa hiệu quả, thông tin đối ngoại còn hạn chế, thiếu nhạy bén chính trị, gây bất lợi cho đất nước, có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích..., cũng như tình trạng đã được nói đến nhiều lần: xu hướng giật gân, câu khách, thông tin đời tư...
Đoàn giám sát cho rằng Bộ TT&TT đã có cố gắng trong việc thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý vi phạm, gần đây nhất là án phạt lớn (207 triệu đồng, 3 tháng đình bản) với báo điện tử Tri thức trẻ. Nhưng vẫn còn nhiều sai phạm chưa được xử lý kịp thời, đúng mức, dứt điểm, dẫn đến tái phạm hàng loạt.
Báo cáo giám sát cũng nhận định cả hiệu quả hợp tác của các cơ quan khác trong cung cấp thông tin cho báo chí: Quy chế phát ngôn đã được triển khai và phát huy, nhưng một số nơi còn hình thức, né tránh, gây khó dễ...
Đây cũng là những bất cập mà đoàn giám sát kiến nghị tập trung giải quyết khi sửa luật Báo chí.
Một trong những điểm bất cập trong quy hoạch báo chí mà báo cáo giám sát chỉ ra là hệ thống phát thanh - truyền hình: Ngoài các đài PT-TH trung ương, mỗi tỉnh thành đều có một đài PT-TH với hạ tầng truyền dẫn phát sóng riêng, ở một số tỉnh đài địa phương với cạnh tranh với đài khu vực của truyền hình trung ương.
"Trong khi đó năng lực thực tế của một số đài địa phương chỉ đủ sản xuất 1-2 giờ tin tức, còn chủ yếu tiếp sóng trung ương và chiếu phim giải trí gây lãng phí lớn trong đầu tư", báo cáo nhận định.
Báo in cũng ở tình trạng tương tự khi không tỉnh, thành, bộ, ngành nào là không có ít nhất một tờ báo địa phương, chuyên ngành, chưa kể các ấn phẩm phụ mà việc cấp phép cho ra còn thiếu nhiều căn cứ.
Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến còn chỉ ra: các đài, báo ở trong cùng một địa phương hay khu vực đâu có cạnh tranh thông tin mà chỉ cạnh tranh quảng cáo.
ĐBQH Dương Trung Quốc nhận xét việc thiếu quy hoạch hệ thống PT-TH là biểu hiện đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp: nội dung nhiều phim Trung Quốc, Hàn Quốc...
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn thẳng thắn: Đúng là quá lãng phí.
Nhưng Thứ trưởng cũng chỉ ra cái khó của Bộ khi mà "63 địa phương là 63 trung ương nhỏ", thậm chí các thành phố lớn còn đòi các loại đặc thù. Ông cho rằng QH phải có tiếng nói quyết định trong việc giải quyết vướng mắc này.
Chia sẻ nhận định "vấn đề lịch sử để lại này", nhưng ông Dương Trung Quốc cho rằng hoàn toàn có thể sửa chữa được, miễn không coi đó là việc đã rồi.
Chung Hoàng