- Cùng VietNamNet điểm lại phát ngôn đầy lo lắng của một số cán bộ về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Các lãnh đạo rất chia sẻ với mối lo của nhân dân về thực tế này.

>> Bộ trưởng Phát: Đa số thực phẩm an toàn

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nói tại hội nghị về Quy chế phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Chính phủ ngày 30/3:

{keywords}
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân

Sử dụng thực phẩm không an toàn là chúng ta đang bị đầu độc. Người Việt không thể đầu độc người Việt. Việc này phải làm Cuộc vận động. Những người sản xuất phải có cam kết: Tôi là người Việt Nam, tôi là gia đình văn hoá thì không được làm những việc trái với văn hoá là sản xuất không an toàn.

Cũng tại hội nghị trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu:

Tôi có một lòng tin rằng việc giám sát VSATTP chắc chắn chúng ta sẽ làm tốt. Chúng ta xác định rõ trách nhiệm của bộ máy chính quyền, ai không làm hết trách nhiệm phải xử lý nghiêm và ngay. Đích thân tôi và Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát từng kiểm tra nhiều nơi, phát hiện ra một điều rằng, vi phạm ATTP rốt cuộc là ở khâu tổ chức thực hiện. Có những việc không cần tuyên truyền ai cũng biết, ngay cả đô thị lớn nói mãi mà vẫn không làm được là cái thớt gỗ mà các gia đình thường dùng chính là thủ phạm dẫn đến mất VSATTP nhất.

Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Nguyễn Đắc Vinh nói tại hội nghị trên:

Qua khảo sát tại một số địa phương như Nghệ An, chúng tôi thấy có một vấn đề, ngay cả đất để trồng rau sạch cũng bị ô nhiễm thì trồng kiểu gì vì đây là những mảnh đất lâu năm, ngấm thuốc sâu, nếu muốn trồng tiếp rau sạch thì phải mất 3 năm nữa mới có thể cải tạo mảnh đất đó.

{keywords}
Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Nguyễn Đắc Vinh

Cho nên, để giám sát được VSATTP, chúng ta cần thiết kế một chương trình đồng bộ, phải làm có trọng tâm, trọng điểm, phân rõ vai trò của Bộ Y tế, Mặt trận như thế nào, Đoàn thanh niên làm gì, các tổ chức đoàn thể khác làm gì...

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của QH sáng 1/4:

Vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ở mức rất báo động, "vấn nạn" này đã đẩy người dân vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”: Không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy.

{keywords}
Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga

Không ngăn chặn được vấn nạn thực phẩm bẩn thì không thể đảm bảo quyền tiếp cận thực phẩm sạch của người dân, không có một nền nông nghiệp sạch và thua ngay trên sân nhà trước các sản phẩm sạch ngoại nhập.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 26/3:

Vấn đề chất cấm vừa qua xử lý rất quyết liệt. Bộ Y tế phối hợp ngưng không cho nhập, kiểm tra rút giấy phép và chuyển cơ quan điều tra những vụ vi phạm. Dự thảo luật Dược mới đưa chất cấm trong nông nghiệp vào trong danh mục thuốc đặc biệt để kiểm soát...

{keywords}
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Bộ NN&PTNT làm rất quyết liệt và đã lập đường dây nóng. Vấn đề truyền thông như thế nào không khéo người dân nghĩ ung thư đến nơi rồi. Ung thư đâu phải chỉ vì an toàn thực phẩm đâu mà có rất nhiều yếu tố như ô nhiễm môi trường.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nói tại phiên họp trên:

Anh Phát và chị Tiến (Bộ trưởng NN&PTNT và Bộ trưởng Y tế - PV) nói các bộ phối hợp với nhau rất tốt, nhưng tại sao dân vẫn phải ăn bẩn? Cần có biện pháp quyết liệt ngay và cho TP.HCM thí điểm thành lập 1 cơ quan trực thuộc UBND TP, để lo việc này. Phải tập trung vào một đầu mối. Cứ bộ nọ đổ cho bộ kia thì không làm được. Hỏi ai cũng bảo trách nhiệm của tôi xong rồi, nhưng cuối cùng dân vẫn ăn bẩn mà không ai chịu trách nhiệm.

H.Anh - Ảnh: H. Long