- Theo bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư máu phải tiêu hủy có giá 3,9 tỷ, không phải gần 14 tỷ như kết luận của Thanh tra TP.
Mới đây, Thanh tra TP.HCM công bố kết luận khi kiểm tra kho thuốc BV Truyền máu huyết học TP.HCM đến ngày 31/12/2015 còn tồn kho 19.997 viên thuốc Tasigna 200mg đã hết hạn sử dụng từ tháng 5/2015, giá gần 14 tỷ đồng, buộc phải tiêu hủy đã khiến dư luận xôn xao.
1 năm thuốc viện trợ mới về tới bệnh viện
Giám đốc (GĐ) BV Truyền máu huyết học TP.HCM Phù Chí Dũng cho hay, gần 20.000 viên thuốc phải tiêu hủy nằm trong số thuốc tổng cộng 34.608 viên thuốc được viện trợ cho chương trình Tasigna Copay cho 50 bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy sử dụng trong 12 tháng.
Ông Dũng khẳng định, số thuốc viện trợ đã về trễ so với dự kiến và lúc đó hạn dùng còn 10 tháng là do phụ thuộc vào thủ tục xin tiếp nhận thuốc của các đơn vị chức năng.
Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM |
Cụ thể, tháng 7/2013, BV nhận được thư tặng thuốc Tasigna từ nhà sản xuất. Ngày 26/11/2013, BV nhận được bộ chứng từ để đi làm các thủ tục xin phép các cấp có thẩm quyền (Sở Y tế, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM, UBND TP, Cục Quản lý Dược, Sở Tài chính…).
Ngày 21/7/2014, BV nhận được văn bản đồng ý của Sở Tài chính và báo cáo Công ty Novartis chuyển số lô thuốc về Việt Nam và đến ngày 27/7/2014 số lô thuốc đã về tới cảng Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, khi đó Chi cục Hải quan TP.HCM không đồng ý cho BV tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ do hạn dùng dưới 12 tháng.
BV sau đó tiếp tục gửi công văn trình lên Bộ Y tế, Sở Y tế và Cục Hải quan để xem xét, hỗ trợ giải quyết.
Đến ngày 13/8/2014, BV cũng đã nhập kho lô thuốc trên, đến thời điểm này, hạn sử dụng của lô thuốc chỉ còn 10 tháng.
Tính từ khi BV nhận được thư hiến tặng thuốc cho đến khi thuốc nhập kho BV mất gần 12 tháng.
Tháng 8/2015, Sở Y tế có văn bản đồng ý cho bệnh viện tiêu hủy 19.997 viên thuốc Tasigna hết hạn.
Lô thuốc giá 3,9 tỷ, không phải 14 tỷ
Vị GĐ BV Truyền máu huyết học TP.HCM nói rằng, lý do nữa là tiêu chuẩn người bệnh đủ điều kiện tham gia chương trình giảm nhiều so với dự kiến ban đầu.
Nguyên nhân là do quy định tham gia Tasigna Copay là đồng chi trả chứ không phải cấp miễn phí. Chương trình chi trả 11,5 tháng thuốc còn người bệnh phải chi trả 0,5 tháng thuốc còn lại (khoảng 42 triệu đồng).
Thuốc Tasigna 200mg đặc trị ung thư phải tiêu hủy |
Ban đầu, phía nhà sản xuất đề nghị tỷ lệ đồng chi trả là 10% do bệnh nhân góp. Sau nhiều lần thảo luận, mới giảm xuống 4%.
BV phải chờ thêm thời gian để người bệnh mua toa thuốc Tisigna lần đầu. Tới 27/9/2014 mới có người bệnh đầu tiên đủ kinh tế mua toa thuốc đầu tiên theo quy định.
Cuối cùng chỉ có 26 người được dùng thuốc. Khi hạn sử dụng thuốc chỉ còn 10 tháng, số lượng bệnh nhân chỉ bằng 1/2 so với dự trù nên không sử dụng kịp số thuốc vừa nhập.
"Bệnh viện đã chủ động đề nghị với nhà sản xuất mở rộng chương trình sang cho các bệnh nhân ở BV khác hoặc miễn đồng chi trả cho bệnh nhân để tận dụng hết số thuốc nhưng công ty không đồng ý mà chấp nhận việc tiêu hủy" - ông Dũng phân trần.
Ông Dũng khẳng định, giá trị số thuốc viện trợ phải tiêu hủy tính theo đơn giá vào thời điểm tiếp nhận năm 2015 là gần 3,9 tỷ đồng (199.000 đồng/viên), không phải gần 14 tỷ đồng (700.037 đồng/viên) như kết luận thanh tra TP.
"Có sự chênh lệch giá trị lô thuốc là do BV sơ suất không kiểm tra kỹ bản dự thảo kết luận của Thanh tra TP gửi BV trước khi kết luận chính thức" - ông Dũng nói.
Liên quan vấn đề này, tại BV Ung bướu TP.HCM cũng phải tiêu hủy 267 viên thuốc Nexavar - được viện trợ để điều trị ung thư gan và thận, trị giá hơn 250 triệu đồng do hết hạn sử dụng.
Nguyên trưởng khoa Dược BV Ung bướu TP.HCM Nguyễn Thị Ngọc Dung lý giải rằng trước đó, thuốc Nexavar nằm trong danh mục thanh toán bảo hiểm y tế, lượng người bệnh sử dụng lớn.
Tuy nhiên, theo Luật bảo hiểm Y tế sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2015, bệnh nhân sử dụng thuốc này phải thanh toán 50% chi phí, lượng bệnh nhân dùng thuốc giảm 2/3.
Thời gian đó, BV cũng đã báo công ty để luân chuyển thuốc đi nơi khác, tránh lãng phí. Khi còn 267 viên thì phải tiêu hủy.
Lãnh đạo các BV ở TP.HCM thừa nhận thủ tục nhận thuốc viện trợ còn nhiều khâu khiến cho BV khá mệt mỏi.
Nếu thủ tục được rút ngắn lại, linh hoạt hơn thì sẽ không có việc phải tiêu hủy lượng thuốc lớn điều trị ung thư trong khi người bệnh không có dùng.
Tiêu hủy 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư: Bộ Y tế vào cuộc
Bộ Y tế có công văn hoả tốc yêu cầu Sở Y tế TP.HCM báo cáo vụ tiêu huỷ 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư do hết hạn sử dụng.
Văn Đức