- UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ra thông cáo báo chí khẳng định trình tự của dự án này là đúng quy trình.

Theo đó, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết dự án trồng giống sen thử nghiệm và thả nuôi tôm hùm đỏ ở Tân Hội Trung (huyện Cao Lãnh), tuy sự việc chỉ mới được báo chí thông tin gần đây nhưng toàn bộ diễn biến đã được các ngành chức năng của tỉnh giám sát, kiểm tra và xử lý rất kiên quyết từ cuối năm 2016.

{keywords}

Tôm hùm đỏ tại trang trại của ông Hòa (ảnh do người dân cung cấp)

Sau khi một số báo đưa tin, UBND tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo xác minh, làm rõ nhưng đến nay vẫn chưa phát hiện thêm các thông tin mới.

Theo đó, công ty TNHH Sen Hoàng Giang - nơi được phát hiện nuôi tôm hùm đỏ - sinh vật ngoại lai, trong danh sách cấm nhập khẩu của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), được Sở KH&ĐT tỉnh cấp giấy phép hoạt động ngày 1/9/2016.

Ông Trần Văn Hòa, Giám đốc công ty đã đứng ra hợp đồng thuê đất của người dân, với diện tích 23ha để trồng khảo nghiệm giống sen Hà Cối - Quảng Ninh.

Bước đầu, công ty đã thuê và đền bù 1ha đất lúa nhưng chỉ mới trồng khảo nghiệm trên diện tích khoảng 0,3ha. Lúc đầu, sen mọc tốt nhưng đến thời điểm kiểm tra, toàn bộ số sen đã bị chết. Trước đó, ông Hòa đã làm đơn xin phép trồng khảo nghiệm “cây sen lấy ngó làm rau sạch” và đã được Sở NN&PTNT tỉnh chấp thuận.

"Dự án trồng sen khảo nghiệm của công ty Hoàng Giang được tiến hành theo trình tự quy định. UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, theo dõi quá trình khảo nghiệm, nắm chắc nguồn gốc sen do công ty trồng, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật", thông cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp nêu.

Còn về thông tin được người dân quan tâm nhất và gây xôn xao trong thời gian qua là ông Hoà thả nuôi tôm hùm đỏ (tôm hùm nước ngọt), sau khi nhận được tin báo của UBND xã Tân Hội Trung (huyện Cao Lãnh), ngày 1/12/2016, Chi cục Thủy sản tỉnh cử cán bộ xuống địa bàn giám sát và mời ông Hòa đến trạm Thủy sản huyện Cao Lãnh làm việc.

Tại đây, ông Hòa thừa nhận có mang 4kg (khoảng 120 con) tôm hùm đỏ từ Hà Nội về. Trong quá trình vận chuyển, có hao hụt khoảng 1kg trước khi thả nuôi.

“Từ ngày 6-10/12/2016, Chi cục đã phối hợp Công an huyện, UBND xã, người dân và ông Trần Văn Hòa đã bắt và tiêu hủy 107 con tôm hùm đỏ; đồng thời kết hợp phun thuốc trừ sâu trực tiếp xuống ao nhằm tiêu hủy triệt để. Đến nay, qua kiểm tra, chưa phát hiện thêm sinh vật này ngoài môi trường”, UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định.

Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, theo dõi quá trình này, kiên quyết không để phát tán sinh vật ngoại lai, gây nguy hại cho môi trường.

Diễn biến về người Trung Quốc tại công ty, theo báo cáo của Công an huyện Cao Lãnh, có 3 người Trung Quốc đến công ty của ông Hòa, sử dụng visa du lịch và đã rời khỏi địa phương từ giữa tháng 12/2016.

UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo, theo dõi việc thực hiện dự án và xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền.

Hoài Thanh