- Doanh nghiệp xuất khẩu lao động kêu trời về tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”, đặc biệt cấp huyện, xã gây khó khi tiếp cận người lao động.
Tại hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hôm nay, Tổng GĐ công ty CPDV xuất khẩu lao động và chuyên gia Thanh Hóa Nguyễn Văn Minh nêu búc xúc về tình trạng giấy phép con.
Ông cũng kể tình trạng cấp huyện, xã gây khó dễ cho DN khó tiếp xúc với người lao động ở địa phương.
Ông Nguyễn Văn Minh, Tổng GĐ công ty CPDV xuất khẩu lao động và chuyên gia Thanh Hóa |
“Bộ, tỉnh đã cho phép DN xuống huyện xã để tiếp xúc người dân nhưng khi xuống huyện chúng tôi lại mắc ở đấy. Có nơi 3 tháng chúng tôi không tiếp xúc được với người dân”, ông Minh kể.
Ông cho rằng nếu huyện xã nghi ngờ điều gì muốn kiểm tra, DN chỉ cần trình những văn bản của bộ, tỉnh đã duyệt chứ không thể bắt DN phải xin công văn xuống huyện, xã, thôn.
Nghe vậy, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung hỏi: “Tại sao lại phải có công văn, ai bắt làm công văn?”.
“Đó là luật bất thành văn”, ông Minh khẳng định: “Nếu hỏi tất cả DN có mặt tại hội nghị có phải đây vấn đề này là nhức nhối hiện nay không thì tôi tin tất cả DN đều giơ tay”.
Ông kể thậm chí có lãnh đạo huyện còn nói bao năm nay không xuất khẩu lao động một ai cũng chẳng chết ông nào.
"Rõ ràng có tình trạng trên rải thảm, dưới rải đinh”, ông Minh nhấn mạnh.
Ông Đoàn Công Bắc, đại diện DN xuất khẩu lao động ở TP.HCM cũng kể những khó khăn ở cấp huyện, cấp xã.
"Đây là rào cản rất lớn của DN để chúng tôi tiếp cận người dân”.
Một doanh nghiệp khác cho biết, huyện đòi giấy giới thiệu của tỉnh, sau đó DN phải về tỉnh xin nhưng cũng vòng vo tam quốc và phải “gì gì ấy” cuối cùng mới được.
Đừng để con sâu làm rầu nồi canh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng một trong những con đường đấu tranh là thông qua hiệp hội. Phải làm sao cho tất cả DN đưa lao động đi nước ngoài đều là thành viên của hiệp hội để cùng với nhà nước tạo ra thị trường, môi trường tốt.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
“Chúng ta làm trên cơ sở bình đẳng, cởi mở, công khai. Đừng để con sâu làm rầu nồi canh. Những thứ tiêu cực của chính quyền mà các DN phán ánh nói vui là “cứ như vậy đấy” thì không thể chấp nhận”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, những tiêu cực, vòi vĩnh phải đấu tranh. Một vài trường hợp làm không tốt cũng phải đấu tranh.
“Tôi nói thật cái này phải rất nghiêm, đặc biệt liên quan đến việc thu các loại phí, các quy định của chính các DN dẫn đến tình trạng cò, tiêu cực”, Ông Đam thẳng thắn nói và gợi ý các DN có thể thông qua hiệp hội nêu ý kiến về những trường hợp tiêu cực.
Thực tế có những trường hợp quy định chưa bắt dừng, đóng cửa DN được nhưng bằng tuyên bố của hiệp hội công khai cho dư luận biết thì DN đó lập tức sẽ bị ảnh hưởng nghiệm trọng, nói như nước ngoài là bị sập.
Chủ tịch MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân cho rằng lực lượng lao động đi nước ngoài là tài sản rất quan trọng giúp đại đa số người đi có thu nhập tốt hơn.
Chủ tịch MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân |
“Làm thế nào cạnh tranh lành mạnh mới khắc phục được tiêu cực. Muốn cạnh tranh lành mạnh thì vấn đề hàng đầu là công khai minh bạch”, Chủ tịch MTTQ VN lưu ý.
Nhưng ông kể khi thử tra cứu vào danh sách DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động trên trang web của bộ thì thấy thông tin về DN không đầy đủ.
“Có nhiều DN chỉ có tên không có địa chỉ, thông tin hoạt động. Vì vậy phải xem lại để tất cả thông tin của DN hiện lên như xuất khẩu được bao nhiêu lao động, điều kiện xuất khẩu, thu nhập… để công khai cho người dân tìm hiểu”, ông Nhân nói.
Chủ tịch MTTQ VN cũng đề nghị phải cập nhật ý kiến của người lao động để giám sát chỗ nào thấy có dấu hiệu vi phạm và trả lời cho người lao động.
“Mặt trận sẽ nhận giám sát các địa phương có nhiều xuất khẩu lao động”, Chủ tịch MTTQ VN nói.
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, từ năm 2007 đến nay, có 107 DN xuất khẩu lao động vi phạm bị phát hiện và xử lý với tổng cộng 306 hành vi vi phạm, trong đó có 151 lỗi bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng tiền xử phạt gần 4 tỷ đồng.
Thu Hằng - Ảnh: Thành Trung