- Nguyên Vụ trưởng Tổ chức - Biên chế của Bộ Nội vụ cho rằng để tinh giản biên chế, không cần dài dòng các nhóm giải pháp mà chỉ cần tập trung vào việc "Nhà nước không ôm đồm nữa".

VietNamNet giới thiệu ý kiến của ông Vũ Văn Thái, nguyên Vụ trưởng Tổ chức - Biên chế của Bộ Nội vụ, tại hội thảo tham vấn cho Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức do Bộ tổ chức ngày 24/6.

Chỉ làm chính sách mới cần chuyên viên cao cấp

Tinh giản biên chế là chuyện không mới, nhưng khó và tương đối nhạy cảm.

Tuy vậy, cách làm lâu nay của ta là giải quyết những người không thích ứng được với nhiệm vụ mới sau khi sắp xếp lại các bộ ngành, loại được bao nhiêu người không thích ứng thì được phép tuyển mới từng ấy người chất lượng hơn.

Đó thực ra là thay đổi cơ cấu biên chế chứ chưa phải tinh giản biên chế.

{keywords}

Tinh giản biên chế là chuyện không mới. Ảnh minh họa: Bình Minh

Muốn làm được, ta phải rất rõ ràng, cụ thể về mục tiêu. Thứ nhất về tinh giản biên chế: Xác định đủ biên chế cần thiết theo vị trí việc làm, và đủ nghĩa là đúng. Biên chế này phải tinh, nghĩa là phải nâng cao chất lượng.

Chất lượng nâng cao đến đâu thì số lượng giảm dần đến đó. Chứ chất lượng mà đang "phọt phẹt" thì phải lấy lượng bù chất, không thể nào giảm được.

Muc tiêu thứ hai về cơ cấu công chức: Quan trọng nhất là tiêu chí, tiêu chuẩn nâng ngạch đang rất tù mù hiện nay phải làm rõ.

Ví dụ, đã là chuyên viên cao cấp thì tiêu chuẩn đầu tiên là "ở đâu". Chỉ cơ quan nào có những vị trí hoạch định thể chế, chính sách thì mới cần chuyên viên cao cấp. Như vậy ở trung ương mới có, chứ địa phương không có "vai" hoạch định chính sách thì không cần.

Nên dự kiến tỉ lệ phần trăm các ngạch trong hệ thống hành chính đến năm 2020 như sau: 10% chuyên viên cao cấp, tập trung ở trung ương, đặc biệt những bộ tổng hợp có nhiệm vụ hoạch định chính sách; 20-25% chuyên viên chính, nền tảng quan trọng nhất của nền hành chính; 35% chuyên viên và 30% cán sự.

Mục tiêu cuối cùng là đáp ứng được yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của từng cấp quản lý, từng cơ quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chung của nền hành chính.

Đừng sợ mất chức quyền

Các giải pháp đưa ra cũng phải tập trung vào các mục tiêu. Thứ nhất, để tinh giản biên chế: Không cần dài dòng các nhóm giải pháp mà tập trung vào việc Nhà nước không "ôm đồm" nữa, theo hướng: giảm bớt việc của nhà nước, cơ quan hành chính, giao các tổ chức bên ngoài; giảm bớt việc của Trung ương, phân cấp xuống địa phương.

Cùng một nhiệm vụ, cùng dùng tiền ngân sách mà ba cơ quan đều quản thì vướng là đúng, vì cơ quan nào cũng muốn nghiêng về mình. Ta là một thể chế chính trị thống nhất, đã dùng ngân sách thì cứ một một cơ quan làm, các cơ quan khác giám sát. Đừng sợ mất chức quyền, đây là chuyện nghiệp vụ.

Thứ hai, giải pháp cơ cấu công chức: Trước hết, tất cả công chức phải đáp ứng được tiêu chí, tiêu chuẩn ngạch của vị trí mà mình đang nắm. Không đáp ứng được phải xuống ngay, hết ngạch thì đứng ngoài.

Để thực hiện được các giải pháp trên, quan trọng nhất là chất lượng đầu vào phải tốt. Hiện nay, đầu vào thi công chức hay nâng ngạch của ta đều là những vấn đề không đơn giản.

Nhiều người chuyển ngạch nhưng "cái chất vẫn không ra được". Chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp, cách xử lý công việc phải khác, phải vượt lên cả về tầm nhìn và ý tưởng.

Ba tiêu chí nâng ngạch phải là: tiến độ xử lý văn bản phải nhanh hơn, chất lượng xử lý tốt hơn, mức độ khả thi của văn bản khi "tung ra" cao hơn.

Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngay trong quá trình công tác cũng phải thực sự đột phá, đảm bảo bộ máy không cần đông, nhưng tinh. Cuối cùng là phải quyết tâm đưa ra khỏi hệ thống những người yếu kém.

Chung Hoàng (ghi)