- Phải nhóm được lò lên, tạo hơi ấm, khi đó củi khô, củi tươi sẽ cháy hết - Tổng bí thư chia sẻ với cử tri việc cần làm để thực hiện NQ TƯ 4.


Sáng 1/12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi tiếp xúc với cử tri Hà Nội sau kỳ họp QH. Trả lời câu hỏi của các cử tri, ông đã có những chia sẻ về nhiều nội dung quan trọng.

Tư tưởng NQ Trung ương gần đây khẳng định, đã sinh ra cơ quan quyền lực thì cần cơ chế kiểm soát quyền lực ấy.

Phân cấp phân quyền ào ào đi nhưng không đi liền với kiểm tra, giám sát thì lại một mình tự tung, tự tác, lại làm sai.

Ví dụ chủ trương sáp nhập cùng lúc bộ đa ngành, đa lĩnh vực - cả công nghiệp thương nghiệp, trong và ngoài nước. Rồi nông nghiệp nông thôn vốn rất nhiều lĩnh vực, nay lại gom lại một. Quản sao kịp trong khi trình độ quản lý chưa lên được. Ta cứ mắc lỗi nhảy hết từ thái cực này sang thái cực kia. Cứ thấy nước ngoài nói chuyện bộ đa ngành, đa lĩnh vực thế là làm.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với cử tri Hà Nội sáng 1/12

Hoặc một ví dụ nữa là quan điểm đảng cầm quyền thì dùng các cơ quan tham mưu bên Chính phủ, làm gì mà phải song trùng, bên Đảng cũng phải có các ban. Nhưng thưa các bác, sự đời không đơn giản như thế.

Cùng là đảng viên cả, cùng là cán bộ cấp cao cả, ủy viên TƯ cả, phải tin các đồng chí. Nhưng nói thật quá nhiều việc đi, chưa nói đến chuyện có tư tưởng ăn cây nào rào cây nấy, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hay không, mà anh nào ra đề án cũng cố bảo vệ để được thông qua. Không có người kiểm tra, vậy là dẫn đến cái sai như vừa rồi. Bộ Chính trị đã kiểm điểm rất kỹ. Rồi tôi sẽ giải thích vì sao phải lập lại Ban Kinh tế, Ban Nội chính TƯ dù vừa giải tán chưa được bao lâu. Đã sinh ra quyền lực thì phải có cơ quan giám sát quyền lực.

“Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”

Xung quanh câu chuyện giám sát của QH, đây là một trong ba chức năng hết sức quan trọng của QH.

Giám sát có nhiều loại, có giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề, của ĐBQH , các ủy ban QH. Giám sát các cơ quan hành pháp, tư pháp, cả Trung ương và địa phương. Có cái hay là báo cáo của các cơ quan Chính phủ đưa sang là có giám sát, phản biện. Gần đây giám sát có cải thiện nhiều. Các cuộc giám sát chuyên đề là rất công phu, chuyện đất đai, DNNN…

Chất vấn lần này tập trung một số vấn đề bức xúc thôi. Giám sát, chất vấn đã tiến thêm một bước, đều có NQ sau chất vấn, giao rõ sắp tới bộ trưởng này phải làm thế nào. Tuy nhiên muốn đi giám sát phải trên tầm người ta: trình độ thế nào, đạo đức, tư tưởng thế nào, nếu không cẩn thận, không liêm khiết lại bị bẻ cong.

Lần này có một bước tiến xa là lấy phiếu tín nhiệm. Tâm tư cán bộ, đảng viên nhân dân rất đồng tình với việc lấy phiếu, bỏ phiếu này ở QH. Trước kỳ họp, khi đi tiếp xúc tôi đã nói rồi. Theo luật định thì phải bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn nhưng mấy nhiệm kỳ vừa qua không làm được.

Đảng đã ra nghị quyết hàng năm lấy phiếu tín nhiệm. Cái mới lần này là phân biệt giữa lấy phiếu và bỏ phiếu.

Lấy phiếu là việc làm thường xuyên hàng năm. Lấy xong để xem ai được tín nhiệm cao, thấp, trung bình. Chứ nếu chỉ có tín nhiệm hay không tín nhiệm thì thế là xong, là chặn con đường thăng tiến của người ta. Mà là để hai năm liên tiếp mới đưa ra bỏ phiếu.

Như vậy là đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại. Kỷ luật của chúng ta không cốt để thi hành cho nhiều mà chính để giáo dục cho quay trở lại, để làm tốt hơn, có sự răn đe.

QH thảo luận rất kỹ, tỷ lệ biểu quyết rất cao, gần như đạt 100%. Tuy nhiên việc thực hiện cũng còn nhiều khó khăn vì nếu không thực hiện được thì lại nhiều thất vọng. Đây không phải là cây đũa thần. Vì trong cuộc sống còn lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm hoặc là không chịu nhận khuyết điểm, sai lầm của mình. Nếu lấy không khách quan, không thực chất thì vô hình chung dành phiếu tín nhiệm cho người không đáng được tín nhiệm. Rồi hứa hẹn, cho thế này cho thế kia, ràng buộc lẫn nhau, có khi còn đe dọa. Sắp tới còn phải chuẩn bị kỹ hơn nữa.

Không cốt kỷ luật nhiều

Về việc thực hiện NQ Trung ương 4 gắn với cuộc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Chúng tôi hết sức xúc động trước tình cảm của các bác về sự hưởng ứng với NQ Trung ương 4.


Vừa rồi, chúng tôi cũng biết là sau khi biết kết quả Hội nghị Trung ương 6 thì các bác có tâm trạng chưa hài lòng, thậm chí là bực bội, thất vọng cho rằng thất bại vì không kỷ luật được ai cả. Có người nói bực lắm, mất ngủ vì nói thế rồi mà không kỷ luật được ai.

NQ Trung ương 4 không chỉ cho nhiệm kỳ này mà còn rất dài nữa, cho các nhiệm kỳ sau. Cực kỳ hệ trọng vì nó liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ. Trong thời gian ngắn sao làm kịp được.

Thứ hai, không chỉ có phê bình và tự phê bình mà còn 4 nhóm vấn đề khác, rất nhiều biện pháp. Rồi đấu tranh có lý có tình để tất cả cùng tiến lên chứ không cốt kỷ luật nhiều thì mới tốt. Tính nhân văn của NQ Trung ương 4 là thế. Tư tưởng Bác Hồ là cũng thế.

Tôi đã nhiều lần nói rồi, Nghị quyết này với yêu cầu trước hết là cảnh tỉnh, thức tỉnh lại với những người ngủ quên không thấy nguy cơ khi Liên Xô sụp đổ, mai kia Đảng này sẽ là Đảng của ai, nếu cứ trượt theo đà này thì sẽ thế nào.

Thứ hai là cảnh báo nguy cơ. Thứ ba là răn đe. Thứ tư là ngăn chặn.

Vậy vừa rồi răn đe được chưa, khối anh sợ chứ. Ngăn chặn được chưa. Xử lý phải có lý, có tình, trên cơ sở luật pháp.

Làm sao cố gắng để với tinh thần nhân văn của Bác Hồ. Kỷ luật sắt nhưng với tinh thần tự giác. Ví như nhóm một cái lò, có củi khô, có củi tươi, có củi vừa vừa. Nhưng quan trọng nhất là bước đầu phải nhóm được cái lò lên, tạo thành hơi ấm thì khi đó củi khô, củi tươi đưa vào cũng phải cháy hết. Sâu xa là như thế. Phải đồng lòng, nhất trí hết, nhóm lò lên.

Phê và tự phê đâu phải chỉ là kỷ luật, tự mỗi con người tự giác làm sẽ bền vững, sâu xa hơn. Kỷ luật mà không tính kỹ, mai kia lại ân oán, thù oán, đối phó thành phe phái, làm rối nội bộ, có nên không.

Chả bao giờ thấy khuyết điểm của mình

Các bác hỏi bộ phận không nhỏ có không, nằm ở đâu? Bây giờ kiểm điểm mà chẳng thấy ở đâu có cả, chắc NQ Trung ương 4 sai à?

Trả lời câu hỏi này không đơn giản nhưng tôi xin nói suy nghĩ thế này. Tôi cũng đã giải thích ở một số nơi, kể cả trong Trung ương.

Nói bộ phận không nhỏ suy thoái về tư tưởng, phẩm chất đạo đức hoàn toàn không sai, và không phải bây giờ mới nói mà nói lâu rồi, nói cách đây mấy nhiệm kỳ rồi.

NQ Trung ương 4 của Bộ Chính trị khóa 6 năm 1987. Rồi một số nghị quyết khác.

Chỉ có điều bộ phận không nhỏ là bao nhiêu thì khó quá, trừu tượng lắm. Mà tách bạch ra hoàn toàn người này thuộc bộ phận không nhỏ, người kia thuộc bộ phận nhỏ cũng khó lắm, sợ không biện chứng.

Đương nhiên phải tìm cho ra chỗ trọng tâm trọng điểm chứ không thì hòa cả làng hết. Nói đến xây dựng Đảng là xây dựng tổ chức, xây dựng con người.

Nói về con người, Gorki từng nói “con người, hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh làm sao”. Nhưng cha ông ta cũng có câu ”Miếng ăn là miếng tồi tàn/mất ăn một miếng lộn gan lên đầu".

Chả bao giờ mình thấy khuyết điểm của mình đâu, chỉ thích ca tụng, vuốt ve thôi, nó khó như thế. Đụng đến lợi ích là phản ứng, nhất là một khi lợi ích nhóm móc ngoặc với nhau thành đường dây vô cùng phức tạp. Cũng như trên chùa, đâu phải ông Thiện hoàn toàn mặt đỏ, ông Ác hoàn toàn mặt trắng.

Trong mỗi con người đều có cái Thiện cái Ác, có mặt tốt mặt xấu. Đấu tranh thì mặt tốt trội lên. Nếu cả tập thể giúp đỡ tốt thì hạn chế ngăn ngừa mặt xấu.

Hôm nay xấu ngày mai có thể tốt hoặc ngược lại.

Vậy hỏi bộ phận không nhỏ ấy nằm ở đâu? Trong tất cả chúng ta đều có ít nhiều điều đó, hay tất cả hoàn toàn trong sáng hết?

Ý ở đây là nói đến cái xu thế, mà nếu không ngăn chặn sẽ phát triển lên.

Vậy NQ Trung ương 4 có tác dụng gì chưa hay hoàn toàn thất bại? Xin khẳng định làm như thế là cơ bản đạt yêu cầu.

Cần làm toàn diện lâu dài, đồng bộ, kết hợp nhiều giải pháp, làm đi làm lại, việc gì sửa được sửa ngay. Bác Hồ dạy tất cả phải tiết kiệm, đi xuống với dân phải giản dị thôi. Đi thăm đồng mà vẫn đi giày, che ô, mặc comple thì chướng lắm.

Cái gì vướng ở cơ chế thì sửa ngay, khó là khó cơ chế chính sách. Như vừa rồi ta đã thấy, lập lại Ban Kinh tế, Ban Nội chính Trung ương, xây dựng quy hoạch Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, trong lịch sử chưa bao giờ làm như thế, rồi sửa Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương…

Một loạt vụ án bắt những cán bộ chóp bu như thế đúng chưa, còn phải điều tra công phu lắm.

Vừa rồi Trung ương đã chỉ đạo làm một loạt vụ án, làm nghiêm một số vụ việc ở địa phương như Bình Phước, Đắk Lắk. Lần này sẽ làm không hình thức, không lập ban chỉ đạo, mà làm thực chất.

Lê Nhung (ghi)
Ảnh: Minh Thăng