- Bị bắt tạm giam để làm rõ hành vi Mua bán trái phép chất ma túy, Trang câu điện thoại vào buồng giam, gọi điện ra ngoài chỉ đạo đàn em tiếp tục buôn bán ma túy.

Ngày 6/2, TAND TP Hà Nội đưa các bị cáo Dương Ngọc Trang (SN 1985, ở Sóc Sơn, Hà Nội), Dương Văn Tiến (SN 1988, ở Sóc Sơn, Hà Nội) và Nguyễn Đình Hào (SN 1985, ở Vĩnh Phúc) ra xét xử tội Mua bán trái phép chất ma túy và Vận chuyển trái phép chất ma túy.

Sở hữu 4 tiền án, ra tù, Trang lao vào con đường buôn bán ma túy để mong giàu nhanh. 4 giờ ngày 25/5/2013, tại km 36, quốc lộ 6, Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội, Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội bắt quả tang Trang và Dương Văn Tiến giấu 1 bánh heroin ở trên táp lô xe taxi.

{keywords}

Các bị cáo tại tòa.

Tại cơ quan điều tra, Dương khai đã thuê lái xe taxi tên Tiến chở Trang từ Vĩnh Phúc đến Mộc Châu để mua 1 bánh heroin của một người phụ nữ dân tộc với giá 110 triệu đồng. Khi cả hai về đến ngã ba Xuân Mai thì bị phát hiện, bắt giữ.

Đây là lần thứ 4 Trang thuê Tiến lái taxi lên Mộc Châu để mua ma túy về bán. Mỗi bánh ma túy anh ta lãi từ 15- 20 triệu đồng.

Đến ngày 20/9/2013, tại Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội, Công an bắt quả tang Nguyễn Đình Hào “găm” theo 1 bánh ma túy.

Hào khai, anh ta được Trang điện thoại từ trong trại tạm giam số 3, Công an Hà Nội thuê vận chuyển ma túy đến Tân Dân, Sóc Sơn với giá 6 triệu đồng.

Vì đang nợ tiền vợ chồng Trang nên Hào đã đồng ý. Theo chỉ đạo của Trang từ trong trại tạm giam, Hào đi ô tô khách lên Hòa Bình để nhận hàng. Suốt dọc đường đi, Trang liên tục gọi điện để chỉ dẫn cho Hào.

Theo lời khai của Trang, khi bị tạm giam tại trại giam số 3, anh ta đã giấu cán bộ mang vào trại 1 điện thoại 2 sim. Từ trại tạm giam, anh ta đã nhiều lần gọi điện, nhắn tin cho người nhà và cho Hào để thuê Hào vận chuyển ma túy.

Trang thường sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh để tránh sự phát hiện của cán bộ và phạm nhân cùng buồng. Để duy trì điện thoại trong buồng giam, Trang sử dụng 4 cục pin tiểu xếp nối tiếp, rồi dùng đoạn dây đồng nối vào hai đầu xạc.

Những dụng cụ này do thợ điện tại trại vứt bỏ. Khi Hào bị bắt, Trang đã hủy điện thoại và sim nên cơ quan điều tra không thu hồi được.

Về nguồn gốc chiếc điện thoại, theo cơ quan điều tra, Trang đã câu móc điện thoại, sim, xạc, pin tiểu, đồ ăn... từ bên ngoài vào buồng giam, qua lỗ đục tường, nơi dùng để lắp đèn chiếu sáng.

Từ ngày 11/8-20/9/2013, Trang liên tục sử dụng điện thoại để liên lạc với vợ và Hào cùng một số đối tượng khác. Các can phạm cùng buồng không hề biết việc Trang sử dụng điện thoại.

Theo đánh giá của Viện khoa học hình sự- Bộ Công an, có khả năng Trang thực hiện việc xạc pin điện thoại như anh ta đã khai.

Căn cứ vào bảng kê chi tiết các số điện thoại do cơ quan dịch vụ viễn thông cung cấp thấy: vị trí cột sóng, thời gian địa điểm di chuyển phù hợp với lời khai của Trang, Tiến và Hào.

Nhận thấy cán bộ quản giáo của trại tạm giam không biết, không có liên quan đến việc Trang câu móc được điện thoại từ ngoài vào trại nên VKSND Tối cao đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Chiều 6/2, sau khi xem xét, HĐXX đã tuyên phạt Trang mức án tù chung thân; Tiến 20 năm tù giam về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Bị cáo Hào phải nhận 17 năm tù vì tội Vận chuyển trái phép chất ma túy.

T.Nhung