Ban chấp hành TƯ giao Ban cán sự đảng Chính phủ khẩn trương hoàn chỉnh văn bản để trình Quốc hội khóa 13 xem xét, thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) tại kỳ họp lần thứ 11.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 là một trong 3 nội dung lớn được nội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 xem xét.

{keywords}

Quang cảnh phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 2 khóa 12. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đề cập đến nội dung này, trong phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Ban chấp hành TƯ đánh giá cao sự chuẩn bị, đồng tình về cơ bản với những nhận định, đánh giá, đề xuất nêu trong tờ trình và các báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ.

Trung ương cho rằng, báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trình Trung ương xem xét, cho ý kiến lần này là để thể chế hoá, cụ thể hoá nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng.

Báo cáo đã đánh giá sát thực tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015; chỉ rõ quan điểm phát triển; mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu và các khâu đột phá; dự báo các cân đối lớn; đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có chủ trương phát hành trái phiếu Chính phủ và sử dụng tiền thu được từ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước để tăng vốn đầu tư cho các dự án, công trình quan trọng, cấp bách.

Tuy nhiên, báo cáo cần tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất của tình hình thế giới, trong nước để bổ sung hoàn thiện thêm.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết TƯ đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung ưu tiên cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cải cách khu vực sự nghiệp công; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện các đột phá chiến lược. Khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp xử lý tình hình bội chi ngân sách cao, nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ xấu ngân hàng còn lớn, nợ công tăng cao; giá dầu thế giới tiếp tục biến động khó dự báo, thị trường tài chính-tiền tệ quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp; tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo thấp hơn so với trước; tác động của biến đổi khí hậu đến nước ta sớm và gay gắt hơn, gây ra ngập mặn nặng ở Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán lớn ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn.

Hội nghị cũng nhất trí khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của việc lần đầu tiên sau 30 năm đổi mới, chúng ta xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, coi đây là bước đổi mới công tác kế hoạch hoá các nguồn lực tài chính quốc gia phù hợp với kinh tế thị trường, nâng cao tính sát hợp, khả thi của kế hoạch đầu tư phát triển và hiệu quả đầu tư công.

Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, xây dựng, tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch đầu tư công trung hạn lần này, chúng ta sẽ chuyển từ cân đối vốn đầu tư hằng năm sang cân đối vốn trong 5 năm ở cả tầm quốc gia và các cấp ngân sách nhà nước để ngay từ đầu nhiệm kỳ, có được bức tranh toàn cảnh về đầu tư công và cân đối vốn ngân sách nhà nước trong 5 năm 2016-2020.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ Ban chấp hành TƯ yêu cầu, trong các bước tiếp theo của quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hằng năm, cũng như kế hoạch đầu tư công trung hạn, cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc hơn nữa những quan điểm, chủ trương, đường lối đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ 12 về phát triển kinh tế-xã hội để nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, từng địa phương, bộ, ngành, lĩnh vực cụ thể.

Thống nhất cao hơn nữa nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về vai trò của Nhà nước, thị trường và doanh nghiệp; về phát triển nhanh và bền vững; về hoàn thiện thể chế kinh tế gắn với đổi mới, kiện toàn, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị; về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trước hết là cân đối thu chi ngân sách Nhà nước, bảo đảm an toàn nợ công, xử lý nợ xấu, nợ đọng xây dựng cơ bản, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

{keywords}

Các ủy viên TƯ dự phiên bế mạc hội nghị TƯ 2. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế; kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Nhận thức và xử lý đúng đắn các nhân tố tạo thành động lực: Hài hoà lợi ích; phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; phát huy nhân tố con người, vai trò của khoa học-công nghệ.

Đồng thời, phải khẩn trương xây dựng chương trình hành động thực hiện kế hoạch và tăng cường công tác thể chế hoá, cụ thể hoá chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, kịp thời có những điều chỉnh cần thiết khi tình hình thay đổi.

Theo VPG