- Có rất nhiều câu chuyện điển hình đã được UNICEF kể cho thế giới, không chỉ của cô bé Phương Anh, của Chaeli Mycroft, của Nancy.  Đó là hàng triệu câu chuyện cảm động về sự nỗ lực tuyệt vời của những người khuyết tật.

Mái tóc uốn nếp chân cong đen nhánh, vận chiếc váy lụa sặc sỡ, ngồi trên chiếc xe lăn, Nguyễn Phương Anh - cô bé xương thủy tinh được cả nước biết đến từ cuộc thi Vietnam's Got Talent 2012 - nhún mình lắc lư theo giai điệu sôi động của bài hát Let's Dance.

Không phải sân khấu trình diễn thi thố của cuộc thi tìm kiếm tài năng, Phương Anh đang hát lại "hit" đầu đời của mình trong buổi lễ công bố báo cáo toàn cầu của UNICEF về “Tình hình trẻ em thế giới năm 2013: Trẻ em khuyết tật” ở thành phố biển miền Trung Đà Nẵng.

Trước cô bé là hàng trăm quan khách đặc biệt, có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Điều phối viên LHQ tại Việt Nam Pratibha Mehta, Giám đốc điều hành UNICEF Anthony Lake, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, các đại biểu người khuyết tật ở địa phương. Không chỉ vậy, buổi lễ đó được UNICEF đưa đến các nhánh của mình trên toàn cầu do năm nay họ lần đầu tiên chọn Việt Nam là nơi tổ chức sự kiện thường niên quan trọng này.

{keywords}
Nguyễn Phương Anh biểu diễn hết mình cho các em nhỏ khuyết tật tại lễ công bố báo cáo của UNICEF ở Đà Nẵng

Như UNICEF mô tả, cô bé đã "truyền cảm hứng cho hàng triệu người bằng tài năng, nỗ lực và giọng hát của mình". Hoàn toàn được thuyết phục, UNICEF chọn cô là một trong những gương mặt điển hình của trẻ khuyết tật toàn cầu.

Trong clip do UNICEF thực hiện giới thiệu gương mặt này đến với thế giới, Phương Anh nhỏ bé, đầy tự tin như thể căn bệnh xương thủy tinh không thể làm em khuất phục.

Thế giới của em đó là mẹ, gia đình, bạn bè ở ngôi trường PTTH Việt Đức, là công việc thu âm chương trình thứ 6 hàng tuần ở Đài Tiếng nói Việt Nam, là những hoạt động cộng đồng, xã hội, biểu diễn ca hát, học tiếng Anh...

UNICEF đã để em tự diễn thuyết về cuộc sống của mình với vốn tiếng Anh điêu luyện. Nhắm mắt lại, có thể hình dung được một cuộc sống đầy màu sắc. Tất cả được đổi bằng sự nỗ lực rất lớn của tự thân, gia đình của cô bé.

Trong báo cáo 2013 của UNICEF về trẻ khuyết tật, có một câu chuyện tương tự với Phương Anh được kể với thế giới, đó là Chaeli Mycroft. Cô là người khuyết tật được trao giải thưởng Hòa bình trẻ em quốc tế (năm 2011). Không chỉ là một vũ công trên xe lăn đầy đam mê, cô còn là nhà hoạt động vì khả năng con người và đang chuẩn bị theo học ngành chính trị và triết học tại Đại học Cape Town, Nam Phi.

{keywords}

Tất cả trẻ em đều có quyền được sống an toàn, khỏe mạnh và được bảo vệ

 

Cũng mắc căn bệnh xương thủy tinh giống Phương Anh, Nancy Maguire đã trở thành một nhà hoạt động về người khuyết tật ở Anh. Trong câu chuyện viết về mình, Nancy thổ lộ khi cô còn nhỏ, mẹ cô đã rất sợ không dám nghĩ tới tương lai của cô. Cô chọn cho mình thần tượng là ca sĩ Steve Wonder - một nhạc sĩ khiếm thị thành danh.

Cô đã luôn được khuyến khích thử nghiệm những điều mới mẻ, tham gia các hoạt động ngoại khóa như bơi, múa ba lê, quần vợt dành cho người ngồi xe lăn, diễn kịch và ca hát. Sống thích nghi với hoàn cảnh, đến nay, cô đã sống và làm việc ở châu Á, châu Phi và đang trên đường thực hiện mơ ước trở thành một người vận động cho trẻ khuyết tật ở bình diện quốc tế...

Có rất nhiều câu chuyện điển hình đã được UNICEF kể cho thế giới này, không chỉ của cô bé Phương Anh, của Chaeli Mycroft, của Nancy. Đó là hàng triệu câu chuyện đầy cảm động về sự nỗ lực tuyệt vời của những người khuyết tật.

Bình đẳng cho người khuyết tật

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 93 triệu trẻ em dưới 14 tuổi bị khuyết tật ở mức độ vừa hoặc nặng.

Giám đốc điều hành UNICEF Anthony Lake nói: “Những nỗ lực của các em xứng đáng được toàn thế giới quan tâm chú ý nhiều hơn. Bởi lẽ, tất cả trẻ em, ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới đều có quyền được sống an toàn, khỏe mạnh và được bảo vệ, được học hành và có thể theo đuổi ước mơ của mình".

{keywords}
Trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật ở TP.HCM. Ảnh: VietNamNet

 

Việt Nam có khoảng 1,2 triệu trẻ em khuyết tật, trong đó có nhiều em khuyết tật do hậu quả và di chứng của chiến tranh. Chính do hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử để lại, nên từ sớm Việt Nam đã xác định những thách thức đặt ra trong nỗ lực đảm bảo các quyền trẻ em đối với trẻ khuyết tật.

Là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước LHQ về quyền trẻ em, Việt Nam đã thông qua luật về người khuyết tật năm 2010.

Theo bà Lotta Sylwander- Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam: "Việt Nam đã có những bước tiến dài trong việc thực hiện quyền trẻ em. Việc triển khai và áp dụng luật vẫn còn là một chặng đường dài với nhiều khó khăn về các nguồn đầu tư, hỗ trợ và cơ sở hạ tầng còn hạn chế nhưng Việt Nam đã đưa ra nhiều cam kết và các văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành".

Không chỉ ý chí của những người hoạch định chính sách, một trong những thành tố quan trọng cho thành công, đó là nhìn nhận, suy nghĩ tích cực của xã hội.

Phương Anh dường như đã chọn cho mình lý tưởng rất rõ, không chỉ cho cô mà cả cộng đồng. “Tôi mong muốn chính sự khuyết tật của mình sẽ tạo nên sự khác biệt, thu hút cộng đồng để đòi bình đẳng cho người khuyết tật. Bản thân tôi và những người khuyết tật muốn được ghi nhận như những đứa trẻ bình thường. Đây không phải là việc làm có thể thay đổi trong một sớm một chiều mà cần có thời gian, cùng với sự nỗ lực của bản thân mỗi người khuyết tật cũng như cộng đồng".

Minh Anh